Dân khổ vì 20 dự án treo

Dự án treo khiến người dân gặp khó trong việc làm sổ đỏ, sang nhượng đất. Ảnh: N.M ​
Dự án treo khiến người dân gặp khó trong việc làm sổ đỏ, sang nhượng đất. Ảnh: N.M ​
TP - Hơn 10 năm sau khi xã Tiến Xuân (huyệnThạch Thất) về Hà Nội, hơn 20 dự án được quy hoạch vẫn “án binh bất động”, khiến người dân và chính quyền khổ sở.

Dự án treo lơ lửng

Xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội cách trung tâm Hà Nội hơn 30km. Nơi đây thu hút nhiều người dân tìm về hỏi mua đất. Và cũng là nơi có nhiều dự án treo nhất cả nước.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Quách Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, địa phương đang có hơn 20 dự án, trong đó phần lớn “nằm trên giấy”. Các dự án này đều được dồn dập phê duyệt đầu tư từ tháng 2/2008 đến tháng 7/2008. Tháng 8/2018, Tiến Xuân được sáp nhập về huyện Thạch Thất, trở thành một đơn vị hành chính của Thủ đô. Tất cả những dự án này đều do UBND tỉnh Hòa Bình ký chứng nhận/cấp phép/quyết định đầu tư.

Có 12 trong số hơn 20 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, khu đô thị, biệt thự nhà vườn, nghỉ dưỡng, bao gồm: Khu biệt thự nhà vườn An Lạc (hơn 54,5 ha); Xanh Villas Xuân Cầu (45,2ha); Khu đô thị Sudico (gần 1.200ha); khu biệt thự nhà vườn nghỉ dưỡng, sinh thái Việt Nam (38 ha); khu dân cư Đại Xuân (33,8ha); khu đô thị sinh thái Lũng Xuân (199ha); khu đô thị Việt Hà (97,5ha); Khu đô thị cao cấp (20,6ha); khu biệt thự nhà vườn Núi Voi (78,7ha). Dự án bất động sản duy nhất đang hoạt động là Xanh Villas Xuân Cầu.…

“Được ngần ấy dự án được cấp phép đầu tư ở xã Tiến Xuân, ban đầu chúng tôi cũng rất mừng. Nếu như 12 khu đô thị này được triển khai, cả xã sẽ biến thành đô thị chỉ sau vài năm, đâu đâu cũng có biệt thự, nhà vườn, khu nghỉ dưỡng…Tuy nhiên, do dự án bị “treo” nên phát triển kinh tế xã hội của xã cũng bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp muốn có đất để sản xuất, đầu tư khi nghe đến khu vực dự án treo đều lo ngại không dám đầu tư”, ông Thắng nói.

Trong số những dự án nêu trên, dự án Khu đô thị Tiến Xuân do  Công ty Cổ phần xây dựng Sudico (Sudico) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Hòa Bình ký quyết định phê duyệt từ ngày 29/2/2008. Dự án này được duyệt cấp 120ha đất, đều là đất nông nghiệp của Tiến Xuân. Theo lãnh đạo xã Tiến Xuân, hiện chủ đầu tư vẫn chưa triển khai được gì nhiều.

Được biết, ngày 29/2/2008, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 415/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Tiến Xuân. Cùng thời điểm đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 420/QĐ-UBND về việc thu hồi và giao hơn 1.210ha đất các loại của xã Đông Xuân và Tiến Xuân cho Sudico xây dựng Khu đô thị Tiến Xuân. Đến ngày 30/7/2008, UBND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 1363/QĐ-UBND thu hồi đất đợt I trên 400ha đất các loại của 968 hộ gia đình, cá nhân thuộc 7 xóm của xã Đông Xuân, gồm: Đồng Chằm, Đồng Rằng, Lập Thành, Đá Thâm, Đồng Bèn, Đồng Bồ, Đồng Âm và một phần diện tích do UBND xã Đông Xuân quản lý để giao đất cho Sudico xây dựng khu đô thị Tiến Xuân.

Vậy là đã hơn 3 năm kể từ khi UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định thu hồi đất của xã Đông Xuân giao cho Sudico xây dựng khu đô thị, đến nay Sudico vẫn chưa triển khai kiểm đếm, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã để xây dựng dự án. Sự chậm trễ này đã khiến cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) cho 968 hộ dân xã Đông Xuân phải dừng lại, mọi giao dịch về đất đai trên địa bàn bị “đóng băng”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Chính, Phó Giám đốc Sudico cho biết, công ty đã triển khai dự án Khu đô thị Tiến Xuân, đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ năm 2007. “Chúng tôi mong muốn triển khai dự án lắm nhưng chưa được làm vì chờ quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc. Hiện, dự án vẫn chưa giải phóng được mặt bằng nên người dân vẫn đang cày ruộng. Chúng tôi cũng giống người dân phải chờ đợi. Chúng tôi cũng nhiều lần báo cáo Hà Nội nhưng chưa đủ điều kiện, vì chờ quy hoạch chung nên vẫn chưa thể triển khai dự án”, ông Chính nói.

Không được làm sổ đỏ

Bà Nguyễn Thị Toán (thôn Quả Vải, xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) ngậm ngùi cho biết, năm 2007, khu đất nhà bà rộng 600m2 được quy hoạch làm Khu đô thị Tiến Xuân. Thời điểm đó, nhiều người hỏi mua nhưng gia đình bà không bán, đợi sáp nhập về Hà Nội giá đất sẽ tăng hơn. “Chúng tôi mòn mỏi chờ từ năm 2008 đến nay, dự án vẫn chưa thấy đâu. Khổ nhất là đất thổ cư bà con chúng tôi sinh sống bao đời muốn sang tên cho con cháu cũng không được, vì vướng quy hoạch”. Hiện tại, toàn bộ giấy tờ đất đai của bà Toán vẫn giữ nguyên cơ quan ký cấp là huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Còn anh Đình Hoàng (thôn Bình Sơn, xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) nói: “Giờ chúng tôi muốn thế chấp ngân hàng cũng không được, xây sửa nhà cửa lại càng không dám, vì sợ khi sửa nhà xong lại bị thu làm dự án”. Đã hơn 10 năm nay, gia đình anh Hoàng phải sống khổ sở trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp”.

Anh Hoàng cho biết, thỉnh thoảng người ở các nơi về hỏi mua đất nhà anh, nhưng khi khách lên xã hỏi, biết không chuyển nhượng được đành đi về, không dám mua. “Chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lên xã, lên huyện nhưng địa phương cũng bảo chờ quy hoạch chung của Hà Nội. Chờ đợi nhiều năm người dân chán nản”, anh Hoàng nói.

Ông Quách Đình Thắng cho biết: “Đã hơn 10 năm qua, hầu hết các dự án đều bất động, chờ rà soát rồi điều chỉnh quy hoạch. Điều quan trọng là đến nay vẫn chưa có quyết định rõ ràng về số phận của các dự án. Hàng nghìn hộ dân của xã bị ảnh hưởng nặng nề do chờ đợi thu hồi đất. Nhiều quyền lợi của người dân gắn với quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng đều không thể thực hiện, vì nhiều dự án đã có quyết định thu hồi đất. Ròng rã cả chục năm qua, rất nhiều người dân chất vấn về tình trạng của các dự án nhưng chúng tôi cũng không thể trả lời rõ ràng được. Bản thân lãnh đạo xã cũng rất mệt mỏi”. 

UBND TP Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch chung “siêu đô thị” Hòa Lạc đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch chung của đô thị Hòa Lạc có quy mô diện tích nghiên cứu khoảng 17.274ha.

MỚI - NÓNG