Đại tá Phùng Anh Lê: 'Tôi không bao giờ chỉ đạo miệng'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên quan việc giải hòa cho nhóm đối tượng cướp tài sản năm 2016, có ba sỹ quan Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng đã nhận chỉ đạo miệng từ đại tá Phùng Anh Lê. Tuy nhiên, ông Lê phản bác và nói: “Tôi có niềm tin sắt đá vào các cơ quan thực thi pháp luật, tin rằng có một ngày, vụ việc liên quan tôi sẽ được làm sáng tỏ”.

Công an TP Hà Nội đã đình chỉ công tác đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) để xác minh làm rõ dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong thời gian ông Lê giữ chức vụ trưởng Công an quận Tây Hồ.

Đại tá Phùng Anh Lê: 'Tôi không bao giờ chỉ đạo miệng' ảnh 1

Đại tá Phùng Anh Lê – Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội

Thượng tá Phạm Quý Hải, Phó Công an quận Tây Hồ cũng bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra, làm rõ dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp của một số cán bộ Công an quận Tây Hồ trong quá trình xử lý vụ án “Cướp tài sản” xảy ra năm 2016.

Đại tá Phùng Anh Lê: 'Tôi không bao giờ chỉ đạo miệng' ảnh 2

Các bị cáo trong vụ cướp tài sản xảy ra năm 2016

Công an hòa giải vụ cướp

Trong vụ cướp tài sản nói trên, ngày 29/4, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài (SN 1993, ở Ba Đình, Hà Nội) 24 tháng tù giam về tội “Cướp tài sản”. Bốn đồng phạm của Tài cũng phải lĩnh án từ 15 tháng tù treo đến 20 tháng tù giam. Đây là vụ án xảy ra năm 2016 tại quận Tây Hồ nhưng công an quận này không xử lý hình sự.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 1 đến tháng 3/2021, các bị cáo nói trên lần lượt đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đầu thú nên vụ án được khởi tố, xét xử. Nội dung vụ án thể hiện, năm 2016, Tài cùng đồng phạm đến gặp anh T (SN 1990) ở một quán nước thuộc địa bàn quận Tây Hồ để đòi nợ. Thấy nhóm của Tài, anh T. bỏ chạy và hô “cướp, cướp”. Các bị cáo liền đuổi theo đánh, ép anh T lên xe máy và giữ một điện thoại Iphone 5 của nạn nhân.

Trên đường đi, lợi dụng sơ hở, anh T chạy vào trụ sở công an gần đó. Thấy vậy, một bị cáo vứt điện thoại của anh T. vào cổng trụ sở rồi bỏ về.

Sáng 22/9/2016, Tài tới Công an quận Tây Hồ làm việc và khai báo hành vi như trên nhưng lại được thả về. Những ngày sau, Công an quận Tây Hồ mời Tài và anh T. tới trụ sở hòa giải, cho Tài bồi thường 15 triệu đồng.

Ngoài ra, tại tòa ngày 29/4, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài cũng được triệu tập với tư cách người liên quan và khai đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ “chạy án” cho chồng vào năm 2016.

“Tôi không chỉ đạo miệng”

Trong vụ án trên, cơ quan tố tụng nhận thấy, việc một số cán bộ Công an quận Tây Hồ có liên quan đến việc không xử lý Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm có dấu hiệu phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp nên đã thụ lý, giải quyết bằng vụ án khác.

Sau khi vụ việc trên vỡ lở, một số cán bộ, sỹ quan thuộc Công an quận Tây Hồ đã có báo cáo cho rằng, họ nhận chỉ đạo miệng từ Trưởng Công an quận thời điểm đó là đại tá Phùng Anh Lê.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Phùng Anh Lê khẳng định, những báo cáo về việc ông “chỉ đạo miệng” trong vụ việc trên là không chính xác và thông tin này khi được đăng tải đã ảnh hưởng lớn tới uy tín, danh dự của cá nhân ông cùng gia đình.

“Chưa ai cách chức Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT của tôi nên theo quy định, việc liên quan Công an TP Hà Nội phải có người phát ngôn. Tuy nhiên, những thông tin hiện nay ảnh hưởng rất lớn tới cá nhân nên tôi quyết định chia sẻ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời nói của mình”, đại tá Lê cho hay.

Về những báo cáo có nội dung thể hiện ông đã yêu cầu cấp dưới thả đối tượng cầm đầu vụ cướp tài sản xảy ra năm 2016, đại tá Phùng Anh Lê cho rằng, báo cáo như vậy không chính xác.

Đại tá Lê nêu quan điểm: “Tôi trưởng thành từ lực lượng công an TP Hà Nội với 37 năm công tác, trong đó có nhiều năm làm thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT nên có thể khẳng định không có quy chế “chỉ đạo miệng” trong điều tra, tố tụng hình sự. Một vụ việc có dấu hiệu hình sự phát sinh sẽ được thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách chỉ đạo và phải có quy trình bằng văn bản, chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể chỉ đạo bằng miệng và tôi không bao giờ chỉ đạo bằng miệng trong tố tụng”.

Đại tá Phùng Anh Lê cho biết, vụ việc liên quan bản thân ông đang được cơ quan có thẩm quyền giải quyết và “Tôi có niềm tin sắt đá vào các cơ quan thực thi pháp luật, tin rằng có một ngày, mọi việc liên quan đến tôi sẽ được làm sáng tỏ”.

Một sĩ quan khác của Công an quận Tây Hồ, trung tá Nguyễn Đức Châu, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự cũng đã bị tạm đình chỉ công tác không thời hạn để điều tra dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Tại một phiên tòa, đối tượng Lê Thanh Hưng (ở Bắc Ninh) khai lý do giết bác ruột vào năm 2020 là để cướp tiền, chi cho việc “chạy án” trộm cắp tài sản, việc này liên quan một số cán bộ trong các cơ quan tố tụng quận Tây Hồ.

MỚI - NÓNG