Quá trình xét hỏi, một số bị cáo cho rằng chỉ làm công ăn lương. Khi ra công trường chỉ mong làm lợi cho Nhà nước, cho Nhân dân chứ không cố tình sai phạm. Do đó, họ kiến nghị tòa sơ thẩm đánh giá hành vi, vai trò của từng người.
Được triệu tập tới tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự, đại diện Tổng Công ty đầu tư và phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng xin HĐXX giảm mức án cho 36 bị cáo, vì họ là những người "có năng lực", quá trình làm không màng tư lợi.
Theo lời của đại diện VEC, giai đoạn 1 dự án cao tốc được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 16.700 tỷ đồng, trong quá trình thi công, các bị cáo có thể mắc những sai sót nhất định, vì ai cũng muốn nhanh chóng đưa vào vận hành để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Đáng chú ý, trình bày tại tòa, đại diện VEC nêu quan điểm với vai trò là chủ đầu tư, VEC đã có nhiều biện pháp, quy trình để đảm bảo an toàn, chất lượng cho dự án. Khi chủ tọa đặt câu hỏi "báo chí phản ánh, kết luận của cơ quan điều tra cũng khẳng định chất lượng không đảm bảo, các ông giải thích sao?". Đại diện Tổng Công ty VEC bối rối và trả lời rằng, họ tôn trọng kết luận của cơ quan giám định cũng như cơ quan tố tụng.
Vị đại diện còn "bao biện" thêm về chất lượng dự án thực tế có các điểm không đảm bảo theo quy định tại hợp đồng và quy định pháp luật, có sai sót và gây thiệt hại. Tuy nhiên, những thiệt hại đó mang tính chất cục bộ, xuất hiện trên một số điểm chứ không phải hư hại toàn tuyến đường.
Về số tiền bị cáo buộc đã thanh toán hơn 811 tỉ đồng cho các đơn vị thi công gây thiệt hại, đại diện VEC cho rằng, con số này chưa phù hợp. Dù đã thử xác định thiệt hại nhưng theo đại diện VEC, công việc này vô cùng khó, chưa thể đưa ra con số cụ thể.