Đại dịch thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thế giới đã xác định tham nhũng giữa đại dịch COVID-19 là một thứ "đại dịch thứ hai" ( second pandemic )khủng khiếp không kém. Còn tại Việt Nam, rất cần cuộc "đại xét nghiệm" lại việc để "loạn" giá xét nghiệm COVID-19, nhất là đợt dịch mấy tháng vừa qua. Chứ không chỉ là ít phút chất vấn tại nghị trường Quốc hội và được quy về lỗi do quá "mải mê chống dịch".

Hai vấn đề đặt ra, đó là loạn giá xét nghiệm giữa các địa phương, đơn vị. Và quan trọng hơn, là chênh lệch giá tiền giữa mỗi bộ kit test gốc mua từ nước ngoài về, với giá thu của dân.

Đơn cử, tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp ngày 26/9 vừa qua, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã gây xôn xao, khi cho biết bộ kit test nhanh COVID-19 giá gốc mua nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD (25.000-35.000 đồng/bộ), nhưng giá trong nước lên tới 80.000 đến 200.000 đồng/bộ. Ngay sau khi thông tin này được phát ra, trả lời báo chí, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết "giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định".

Tất nhiên ngay sau đó, Bộ Y tế ra văn bản chấn chỉnh. Và kết quả, từ đầu tháng 11 mới đây, giá test nhanh COVID-19 tại các cơ sở công lập giảm một nửa, từ 238.000 đồng/xét nghiệm trước đó, xuống còn 109.700 đồng/xét nghiệm. Giá xét nghiệm PCR cũng giảm 30% so với trước.

Với hàng trăm triệu ca xét nghiệm toàn dân suốt mấy tháng qua, số tiền chênh lệch khổng lồ đã rơi vào túi ai?

Trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế và sinh phẩm nhằm công khai, minh bạch lĩnh vực này. Và đặc biệt là để trang thiết bị y tế và sinh phẩm trở thành mặt hàng được quản lý giá.

Tư lệnh ngành Y tế cũng cho biết, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế cũng đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022.

Sau nhiều vụ khởi tố bắt giam lãnh đạo nhiều bệnh viện công lập, cũng là những bác sĩ tài năng, câu hỏi nhức nhối, đó là làm sao có cơ chế thực sự khiến cán bộ công chức không dám tham nhũng và không thể tham nhũng? Thế nhưng với việc "loạn" giá xét nghiệm chống dịch như vừa qua, thêm một lần cho thấy cơ chế quản lý nhà nước về y tế còn những lỗ hổng lớn đến ngạc nhiên.

Những vụ "thổi giá" thiết bị y tế đã bị khởi tố gần đây, người bị hại có thể chỉ giới hạn trong một bệnh viện. Nhưng việc "loạn" giá xét nghiệm COVID-19 với giá cao bất thường như vừa qua, nếu có tham nhũng, trục lợi thì bị hại chính là toàn dân. Hy vọng công cuộc phòng chống tham nhũng tiếp tục không có "vùng cấm"…

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.