Đặc biệt tinh nhuệ để 'đánh hiểm, thắng lớn'

Bộ đội đặc công luyện tập kỹ thuật vượt chướng ngại vật. Ảnh: HIẾU TRUNG
Bộ đội đặc công luyện tập kỹ thuật vượt chướng ngại vật. Ảnh: HIẾU TRUNG
“Đặc biệt tinh nhuệ; anh dũng tuyệt vời; mưu trí táo bạo; đánh hiểm thắng lớn” là truyền thống được viết nên bằng mồ hôi, xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội đặc công (BĐĐC) qua nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, phát triển. 

Trong điều kiện mới, truyền thống quý báu ấy cần được tiếp tục phát huy, làm nền tảng cho quá trình xây dựng binh chủng “đặc biệt tinh nhuệ” để tiếp tục “đánh hiểm, thắng lớn” trong mọi tình huống.

Tự hào về truyền thống 

Binh chủng Đặc công (BCĐC) được thành lập ngày 19-3-1967, tại Trường Bổ túc cán bộ dân tộc Trung ương, ở xã Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Đảng, Nhà nước và quân đội đến dự lễ và xem BĐĐC trình diễn kỹ thuật, chiến thuật. Tại đây, Bác Hồ trực tiếp Huấn thị cán bộ, chiến sĩ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt…”.

BCĐC được thành lập cách đây tròn nửa thế kỷ, nhưng cách đánh đặc công có từ rất sớm trong lịch sử dân tộc; là sự kế thừa, phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự chiến tranh giữ nước của dân tộc ta... Cách đánh đó được tiếp tục vận dụng rộng khắp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; được phát triển lên trình độ cao, trở thành tinh hoa đặc sắc của lối đánh du kích-lối đánh đặc công “có một không hai” trong lịch sử nghệ thuật quân sự thế giới. Chỉ tính riêng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BĐĐC đã tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường; loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, tiêu diệt và làm thiệt hại hàng trăm sở chỉ huy các cấp, phá hủy nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh, căn cứ hậu cần của địch... Trực tiếp tham gia hầu hết các chiến dịch lớn với những trận đánh tiêu biểu, quyết định cục diện chiến trường. Trong đội hình chiến đấu của quân-binh chủng hợp thành, BĐĐC thường được giao các nhiệm vụ khó khăn nhất, trực tiếp luồn sâu vào lòng địch, đánh “nở hoa trong lòng địch”, tiêu diệt sở chỉ huy đầu não, các mục tiêu chủ yếu của kẻ thù… Từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, BCĐC tiếp tục nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Để làm nên những chiến công ấy, BĐĐC phải chấp nhận và “đánh đổi” bằng rất nhiều gian khổ, hy sinh. Ví như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng đặc công đã chiến đấu rất ngoan cường, anh dũng giành giật từng tấc đất, từng cây cầu, đoạn đường với quân địch. Trong trận đánh tại cầu Ghềnh, 50/52 cán bộ, chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh, nhưng những người còn lại vẫn kiên cường bám trụ, quyết chiến để giữ cầu, tạo bàn đạp, huyết mạch giao thông cho các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên mùa Xuân đại thắng của dân tộc.

Sự hy sinh của BĐĐC không thuần nhất được “tôn vinh” ở lòng quả cảm ngã xuống lòng đất mẹ, mà hơn thế là đức hy sinh thầm lặng trong cuộc sống thường nhật, có tính đặc thù, khắc nghiệt từ môi trường hoạt động quân sự “đặc biệt”. Đó là những nét vẽ, gam màu sinh động, khắc họa nên hình ảnh người chiến sĩ đặc công sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó cũng là cứ liệu, tư liệu lịch sử và thực tiễn chân thực viết nên một truyền thống vẻ vang của binh chủng “đặc biệt tinh nhuệ”

“Đánh hiểm, thắng lớn” trong điều kiện mới

Những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực; nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch; tổ chức biên chế, thế bố trí lực lượng của BCĐC có nhiều thay đổi; nhiệm vụ thường xuyên bổ sung, phát triển mới, ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, nhất là nhiệm vụ SSCĐ, phòng, chống "diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống khủng bố, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo... đặt ra yêu cầu ngày càng cao về trình độ, khả năng “đặc biệt tinh nhuệ” để BCĐC tiếp tục “đánh hiểm, thắng lớn” trong điều kiện mới. Nắm chắc thực tiễn đó, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BCĐC đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển các lực lượng đặc công theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; xây dựng BCĐC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; thực hiện tốt chức năng chủ nhiệm-đơn vị đầu ngành chống khủng bố toàn quân, nhất là trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án "Hiện đại hóa lực lượng chống khủng bố toàn quân".

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Nghị quyết của Đảng ủy BCĐC về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức huấn luyện theo đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; lấy huấn luyện thực hành làm chính; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản gắn với huấn luyện xử lý các tình huống; tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ võ thuật, bắn súng, nhảy dù… cho chiến đấu viên. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chú trọng huấn luyện làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; cải tiến, phát triển vũ khí trang bị mới bảo đảm đủ, đồng bộ, kịp thời cho các nhiệm vụ. Chuẩn bị tốt các phương án chiến đấu, chuẩn bị địa bàn, tạo ra thế đứng và thế đánh có lợi nhất khi tình huống tác chiến xảy ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để không ngừng phát triển cách đánh, nghệ thuật tác chiến đặc công trong giai đoạn mới. Nhờ các biện pháp đồng bộ nêu trên, đến nay, BĐĐC đủ khả năng thực hành tác chiến ở mọi điều kiện thời tiết, thời gian; trên nhiều phạm vi không gian, cả trên không, trên bộ, dưới nước…

 50 năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng "giúp bạn là tự giúp mình", BCĐC luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang và đẩy mạnh đối ngoại quân sự. Những chiến công xuất sắc của BĐĐC qua các thời kỳ cách mạng luôn được bè bạn quốc tế khâm phục, ngợi ca; hàng trăm đoàn khách quốc tế của hơn 30 nước trên thế giới đã đến tham quan, học tập. Ngoài ra, binh chủng cũng tổ chức đào tạo được hàng chục khóa với hàng trăm lượt học viên cho các nước; đồng thời cử hàng trăm lượt cán bộ đi làm chuyên gia quân sự đặc công cho các nước anh em.

Thiếu tướng LÊ THANH HÀ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Đặc công
Theo Theo Quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG