Cư dân trong các khu tập thể cũ: Sống trong sợ hãi

TP - Chật chội, ẩm thấp, tróc lở, nhếch nhác... là những gì đang diễn ra tại nhiều khu tập thể cũ ở Hà Nội. Cơ quan quản lý nhà nước không ít lần cảnh báo mức độ nguy hiểm, còn người dân tự tìm cách “chống đỡ” ngôi nhà trước nguy cơ đổ sập.

Đâu đâu cũng xuống cấp

Hai năm nay, 29 hộ dân khu tập thể P16A Thụy Khuê, quận Tây Hồ sống trong sợ hãi khi nhà bị lún, nứt do việc thi công công trình cao ốc Quốc tế Hồ Tây. Bà Nguyễn Thị Thoa, tầng 2 tòa nhà cho biết: Người dân sống tại khu tập thể trên 35 năm, khu nhà tuy cũ nhưng chưa có dấu hiệu xuống cấp. 

Cho đến tháng 8/2012, Dự án Cao ốc Quốc tế Hồ Tây (do Cty TNHH Cao ốc Quốc tế Hồ Tây làm chủ đầu tư) khởi công khiến khu tập thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như: Sụt lún, nghiêng.

Nguy hiểm hơn, hầu hết các căn hộ này đều bị nứt tường; các thanh dầm ngang, dọc cũng bắt đầu có hiện tượng nứt. “Chúng tôi mất ngủ triền miên vì dự án ngay cạnh nhà. Máy xúc, máy ủi hoạt động khiến các hộ dân hoảng sợ như sống trong vùng có động đất”, bà Thoa nói.

Còn ông Nguyễn Phú Hùng, nguyên cán bộ Vụ tổ chức Cán bộ T.Ư sống tại tầng 2 tòa nhà chia sẻ: “Các gia đình sinh sống trong khu tập thể là những cán bộ về hưu. Mấy tháng nay, đàn ông trong tòa nhà phải thay nhau túc trực canh (thi công) dù dự án đã có quyết định dừng thi công từ tháng 6/2013”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Phúc Quang, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Chúng tôi biết sự xuống cấp của tòa nhà và đã có phương án di dời cho các hộ dân”. Tuy nhiên, các hộ dân tại khu tập thể P16A Thụy Khuê mong muốn Cty TNHH Cao ốc Quốc tế Hồ Tây khắc phục sự cố của tòa nhà để người dân được tiếp tục sinh sống ở đây.

Được Sở Xây dựng Hà Nội xếp hạng D về mức độ nguy hiểm, nhưng các hộ dân đơn nguyên 3 khu tập thể C8 (Giảng Võ, Hà Nội) vẫn sinh sống tại đây, bất chấp nguy cơ mất an toàn. Khu cầu thang được vá chằng chịt bằng những tấm tôn khiến người dân đi lại không khỏi giật mình.

Ông Hoàng Văn Nhâm, tổ trưởng Tổ dân phố 39, cụm dân cư số 8, phường Giảng Võ, sống tại tầng 2 đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ cho biết: “Nhiều tháng nay, người dân luôn trong tình trạng cảnh giác trước sự xuống cấp của tòa nhà. Người dân phải tắt máy để dắt (xe máy) tránh tiếng động lớn. Trẻ con vui chơi phải có sự giám sát của người lớn”.  

“Các công trình tập thể cũ tại Hà Nội nếu xảy ra tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Xây dựng vào kiểm tra để có phương án khắc phục”.

Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Không chỉ xuống cấp, cảnh tối tăm diễn ra tại nhiều khu tập thể cũ ở Hà Nội. “Cư dân sống lâu năm quen với cầu thang tối rồi, nhưng mỗi khi có khách đến chơi, ai cũng phải soi đèn pin”, chị Minh Anh, sống tại khu tập thể Văn phòng phẩm Hồng Hà (Lò Đúc, Hà Nội) nói.

Điểm chung giữa các khu tập thể cũ là việc cơi nới, cải tạo đã khiến cho kết cấu nhà bị thay đổi, hệ thống chống thấm không đảm bảo, dẫn tới rò rỉ nước sinh hoạt, nước thải... 

Từ đó kéo theo bao hệ lụy khác như tường ẩm, mốc, tróc lở, mối mọt. “Do diện tích căn hộ gia đình tôi chỉ 15 m2 nên phải cơi nới thêm để đủ chỗ sinh hoạt cho gia đình 4 thành viên. Một gia đình cơi nới được, hàng chục hộ khác cơi nới theo”, một cư dân tại khu tập thể Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (phố Kim Mã Thượng, Ba Đình) nói.

Còn 60 khu tập thể cũ

Chị Nguyễn Bích, sống tại tầng 4 đơn nguyên 3 khu tập thể C8 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hơn 30 hộ sống tại đơn nguyên 3 đóng góp mỗi nhà từ 200.000 -500.000 đồng để sửa chữa khu cầu thang bị nứt. “Thành phố thấy chúng tôi làm rồi cho người xuống sửa chữa. Cảnh chắp vá khiến khu tập thể nhếch nhác lại càng thảm hại”, chị Bích nói.

Do nhiều mảng tường trong nhà nứt và bị thấm dột mỗi khi trời mưa, ông Phan Văn Nhuệ, tập thể P16A Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) phải tự mua xi măng về trát. “Không có ai đứng ra sửa chữa nhà cho chúng tôi, dù Cty cao ốc Quốc tế Hồ Tây gây ra hiện tượng này. Chúng tôi đang hoang mang”, ông Nhuệ nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, giải bài toán về khu tập thể cũ, Luật Thủ đô Hà Nội đưa ra phương án phải cải tạo lại nhưng phải tuân thủ quy hoạch và không tăng dân số. “Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có trên 60 khu tập thể cũ. Đa số người dân muốn ở lại nơi mình gắn bó vài chục năm.

Vì vậy, việc phá cũ xây mới, đền bù ra sao đang được nghiên cứu trong Luật nhà ở sửa đổi lần này. Người dân tại khu tập thể cũ sẽ có nhiều lựa chọn như: Giãn dân tự nguyện, tái định cư tại chỗ, nếu di dời phải có ưu tiên về nhà ở xã hội khu vực khác, đất đai. Tuy nhiên để thực hiện được phải mất vài năm nữa khi chính sách đi vào cuộc sống”, ông Nghiêm nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.