Công an tỉnh Gia Lai chi viện truy bắt lâm tặc đốn hạ hàng chục m3 gỗ quý

0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ phá rừng.
Hiện trường vụ phá rừng.
TPO - Lâm tặc vào lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ia Pa (ở Gia Lai) đốn hạ, tẩu tán gần 85m 3 gỗ, bất chấp có cán bộ bảo vệ. Công an tỉnh Gia Lai được chi viện để truy bắt nhóm lâm tặc phá rừng này.

Ngày 30/11, ông Võ Nguyên Nam, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro (Gia Lai) cho biết, Công an huyện này đã khởi tố vụ án về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, xảy ra tại tiểu khu 734, thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ia Pa quản lý.

Theo ông Nam, tại khu vực trên, lâm tặc đã đốn hạ 12 cây rừng gồm kháo, xoan mộc, sến… Khi đốn ngã gỗ quý, lâm tặc xẻ hộp đưa ra khỏi rừng, chỉ để lại phần vỏ, cành, bìa, ngọn. Thời điểm lực lượng của huyện có mặt, lâm tặc đã không còn. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại gần 85m3, trong đó 62m3 gỗ quý đã bị lâm tặc mang đi. Thời điểm phá rừng được xác định trong khoảng tháng 10/2021.

Công an tỉnh Gia Lai chi viện truy bắt lâm tặc đốn hạ hàng chục m3 gỗ quý ảnh 1

Hiện trường chỉ còn lại cành, bìa, ngọn. Thân gỗ đã bị lâm tặc mang đi.

Liên quan vụ việc, ông Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ra văn bản giao công an tỉnh này chi viện, điều lực lượng nghiệp vụ xuống hỗ trợ huyện truy bắt lâm tặc. Tỉnh còn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, huyện Kông Chro điều tra, xử lý cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để xảy ra vụ phá rừng trên. UBND tỉnh ra “tối hậu thư” trước ngày 20/12, phải báo cáo kết quả xử lý vụ việc trên về tỉnh.

UBND huyện Kông Chro cũng đang chỉ đạo công an huyện mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm Công ty Lâm nghiệp Ia Pa, nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trao đổi về việc lâm tặc công khai phá rừng, ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ia Pa giãi bày: “Lâm tặc cắt, mở đường rừng để vào đốn hạ cây gỗ. Anh em cũng có đi tuần nhưng lâu nay đi theo đường tuần tra cũ nên không phát hiện được. Lâm tặc còn tổ chức canh đường anh em cán bộ. Chúng tôi cũng chủ quan nữa vì nghĩ địa hình đồi dốc cao, đối tượng không đi được nên chúng tôi cũng chậm trễ trong việc phát hiện”.

Theo nguồn tin, hiện công an tỉnh và huyện đã xác định được vài đối tượng và đang trong quá trình lấy lời khai, xét hỏi về vụ phá rừng này.

Ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ia Pa: "Trách nhiệm để xảy ra phá rừng trước hết là của chủ rừng (tức công ty), cán bộ phụ trách tiểu khu, cán bộ kiểm lâm địa bàn và UBND xã. Mất rừng, chúng tôi luôn nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai".

MỚI - NÓNG