Con dấu và tư duy cải cách

Con dấu và tư duy cải cách
TP - Con dấu với doanh nghiệp (DN) có cần hay không? Câu hỏi được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra khảo sát các DN. Kết quả: 52% số DN được hỏi nói nên bỏ.

Trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi), quy định cũ bắt buộc DN phải có con dấu đã được bỏ. Thay vào đó, dự thảo cho phép DN được lựa chọn sử dụng con dấu hoặc không; được quyền tự khắc dấu (theo hình hài, số lượng, câu chữ, màu mè tùy thích, sau đó đăng ký với cơ quan quản lý) thay vì phải dùng dấu tròn tỷ lệ các vòng tròn 36-34-32mm, mực đỏ và do Bộ Công an cấp như hiện nay.

Nhưng đấy mới là dự thảo, thành hiện thực hay không còn phải đợi Quốc hội họp cuối tháng này.

Có người sẽ hỏi, có mỗi con dấu bé tý sao thành chuyện, tranh luận mất thời gian. Lúc này phải bàn làm sao giảm nợ công, giảm lỗ DN nhà nước, giảm nợ xấu…

Xin dùng câu nói của TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng CIEM) để trả lời: “Cái được của thay đổi quy định về con dấu DN là nhỏ, cái được chính là một cải cách lớn ở thay đổi tư duy hành chính. Điều khó hiện nay không nằm ở hành động mà ở tư duy”. 

Nhóm đề xuất bỏ cho rằng, con dấu là một cái gì đó đã lạc hậu, thời của máy đánh chữ, viết bút lông gà. Còn giờ là thời của công nghệ thông tin, thời a còng (@), giao dịch bằng thư điện tử, tin nhắn… có con dấu gỗ cũng làm sao đem đóng lên màn hình vi tính, đã thế bỏ quách cho rồi.

Rồi thì, “cha đẻ” của con dấu là nước Anh và Pháp đều đã bỏ, sao ta vẫn duy trì, mà như ông chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới Jean Michel Lobet nói: “Những nước thu nhập thấp (hay nói khác là kém phát triển) lại là nước dùng con dấu nhiều nhất”.

Thậm chí, họ còn cảnh báo, nếu còn dùng con dấu sẽ còn nữa những Huỳnh Thị Huyền Như - người khắc tới 8 cái dấu “củ khoai” (dấu giả) để lừa chiếm dụng tới 4.000 tỷ đồng; rồi những Đại học Hùng Vương (TPHCM) dừng hoạt động vì lãnh đạo cũ không trả dấu… 

Đã đành là vậy, nhưng bao nhiêu năm qua quen rồi, giờ làm sao bỏ được, bỏ rồi biết lấy gì làm chứng? Lo lắm, sợ lắm chứ, kẻ xấu ký bừa để lừa đảo làm sao phân biệt? Chưa kể, ở Việt Nam, con dấu còn được “bảo an” bằng Bộ Công an (cơ quan duy nhất được cấp con dấu).

Rồi, một thống kê chưa đầy đủ, ít nhất 21 đạo luật có các quy định liên quan tới con dấu DN. Đấy là chưa nói tới cơ quan quản lý, không có con dấu làm sao biết văn bản, chứng từ, hồ sơ của công ty là giả hay thật? Chứ ký ấy à, ai chả ký được…

Thế mới thấy, câu nói mới đây của một vị thứ trưởng mới đúng làm sao: “Mục tiêu của việc rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phải là bỏ đi càng nhiều thủ tục càng tốt, mà phải làm rõ: Cái gì cần thì giữ lại, còn không cần thì bỏ”.

MỚI - NÓNG