Chuyển đổi 200.000 ha lúa sang trồng màu tại ĐBSCL:

Cởi rào cản “Nặng duyên với lúa”

 Nông dân Kiên Giang đang thay thế dần lúa bằng trồng ngô lai
Nông dân Kiên Giang đang thay thế dần lúa bằng trồng ngô lai
TP - ĐBSCL với hơn 300 năm trồng lúa nước đang đứng trước cuộc cách mạng lớn khi Chính phủ thực hiện chủ trương lớn về tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi 200 nghìn ha sang trồng ngô, đậu tương và cây trồng khác. 

Tại hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô và cây mầu khác ngày 6/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, phải cởi bỏ bằng được rào cản “nặng duyên” với cây lúa.

Lúa nhường chỗ cho ngô

Tại ĐBSCL, nông dân Phạm Văn Hừng, ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú (Giang Thành, Kiên Giang) quyết định chuyển đổi 5 ha đất vốn bao đời nay trồng lúa sang trồng ngô lai. “Mấy vụ gần đây trồng lúa vụ 3 năng suất không cao, giá lúa rất bấp bênh nên diện tích lớn mà nông dân không có lời”, ông Hừng nói.

 Anh Lê Hoàng Quốc, ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang), cũng quyết định chuyển 3 ha lúa sang trồng ngô bởi từ trước đến nay, vụ Xuân Hè và Hè Thu luôn đối mặt với nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn, sâu bệnh. Quyết định này xuất phát từ sự thành công mô hình trồng thử nghiệm 5.000m2 giống ngô lai DK6919 vào cuối năm 2013 tại huyện với thành công bất ngờ, năng suất hơn 9 tấn/ha.

Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Giang Thành Phạm Văn Hoáng cho biết, huyện đã lập một đề án về chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang ngô, vừng, đậu tương. Với ngô, nhiều DN kinh doanh giống và thu mua đã vào cuộc với giá thu mua 5.400 đồng/kg. Ngoài ra, DN cũng thu mua thân cây ngô với giá trung bình 3 triệu đồng/ha.

“Đầu tư mỗi héc ta lúa khoảng 28 triệu đồng, trong khi với ngô là 26 triệu đồng. Với mức giá thu mua này, nông dân sẽ thu về ít nhất hơn 40 triệu đồng/ha. So với lúa, nông dân lời 14 triệu đồng/ha”, ông Hoáng cho biết. Anh Phạm Văn Beo, nông dân ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa cũng đang đầu tư 6 ha ngô lai trên diện tích đất lúa Hè Thu.

“Trước đây có vụ lúa Hè Thu, tui chịu lỗ 7,5 triệu đồng/ha. Nay xuống giống trồng bắp, Công ty Tài Lộc ký ngay hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra”, anh Beo cho biết.

Cởi rào cản “Nặng duyên với lúa” ảnh 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư bộc bạch, thuận lợi lớn nhất trong chuyển đổi hiện nay là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Đặc biệt quyết định mới đây của Thủ tướng hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/ha để nông dân ĐBSCL chuyển đổi đã tạo ra cú hích lớn. Hiện diện tích trồng ngô trong vùng đã lên tới 42.000 ha, vượt dự tính ban đầu là chuyển đổi năm 2014 được 30.000 ha.

Cần có quy hoạch cụ thể

TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, đây thực sự là cuộc cách mạng về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và nhận thức ở vùng trồng lúa truyền thống hơn 300 năm qua. 

Ông Thông cho rằng, điều quan trọng nhất trong lần chuyển đổi này là sự tham gia rất chủ động của DN từ xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Lần này chúng ta chuyển đổi chủ động 200 nghìn lúa đến 2020 chứ không phải làm bị động như trước. Do vậy, phải làm sớm quy hoạch để nông dân chủ động sản xuất và DN tính toán đầu tư kho bãi, nhà máy sấy.

“Nông dân chưa yên tâm do chưa quen nên phải làm rất quyết liệt công tác khuyến nông. Các tỉnh chủ động ứng tiền để hỗ trợ nông dân chuyển đổi theo quyết định của Thủ tướng”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa cũng cho rằng, phải nâng cao chất lượng quy hoạch. Ông Hóa kiến nghị, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cần có cơ chế điều tiết sản xuất nhằm ổn định cung cầu trên thị trường, tránh trường hợp như dưa hấu vừa rồi, ồ ạt chuyển ra Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc rồi bán không được. Còn đại diện Công ty TNHH Dekalb Việt Nam lưu ý, năm 2014 Việt Nam sẽ thiếu từ 2,5 đến 3 triệu tấn ngô. Do vậy, riêng ĐBSCL có thể mở rộng diện tích trồng ngô lên 200 nghìn ha, cho sản lượng 1,4 đến 1,8 triệu tấn/năm. 


Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, chủ trương chuyển đổi sẽ giúp nông dân nâng cao thu nhập một cách bền vững chứ không phải giải quyết vấn đề tình huống, làm một hay hai vụ nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là trong nhận thức. “Tâm lý quen cây lúa do dễ làm, thị trường khá ổn định. Hệ thống cán bộ nông nghiệp, người nông dân vẫn nặng duyên với cây lúa”, ông Phát nói. 

“Thông tin cho thấy thị trường ngô rất rộng mở, ngay bây giờ Việt Nam thiếu 2 - 3 triệu tấn/năm, và nhu cầu còn tăng lên khi ngành chăn nuôi và thủy sản tiếp tục phát triển”, ông Phát khẳng định. Đối với các cây trồng khác như vừng, ớt, dưa hấu ông Phát cho rằng phải rất thận trọng, bởi đó là những mặt hàng có thị trường hẹp, khi nguồn cung tăng mạnh là giá giảm. Những sản phẩm ở thị trường hẹp thì độ rủi ro cao.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.