Chuyện về một làng chài thèm cá biển

Chuyện về một làng chài thèm cá biển
TPO - Thức khuya, dậy sớm là công việc thường nhật của ngư dân vùng biển. Họ vượt sóng lớn, lênh đênh trên biển cả “liều mạng” đánh cuộc số phận với thiên nhiên, trong khi người thân ở nhà chẳng yên giấc vì lo lắng. Nhọc nhằn là vậy, thế nhưng khi ai đó hỏi tại sao chọn nghề biển, ngư dân đồng thanh rằng đi biển để giữ làng, giữ nước nên “bỏ mạng” cũng xứng đáng.

Nhọc nhằn mưu sinh

Có thể nói rằng, biển mang lại cho ngư dân một cái nghề để ổn định cuộc sống nhưng biển cũng lấy đi của họ rất nhiều thứ, kể cả tính mạng. Thế nhưng, với ngư dân họ sẵn sàng đánh đổi tính mạng không hẳn bởi vì kiếm tiền mà còn để giữ làng, giữ nước.

Chúng tôi có dịp đến làng chài thuộc Tổ dân phố Nhân Thọ, phường Quảng Thọ, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào giữa tháng 5 để tận thấy cuộc sống mưu sinh của ngư dân ở đây. Phải đến đây, mới thấy sự gian nan, nhọc nhằn của ngư dân vùng biển là như thế nào.

Chuyện về một làng chài thèm cá biển ảnh 1 Ngư dân vất vả nhưng cá đánh được thì rất ít

Vào khoảng 2h sáng, khi người dân đang chìm vào giấc ngủ thì làng chài Nhân Thọ trở nên nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Tiếng người đi và chó sủa ầm ĩ tạo nên một không khí chẳng khác nào giữa ban ngày, trong khi lúc này đang là giữa khuya. Thời gian này, ngư dân ra biển để đánh cá theo ngôn ngữ địa phương gọi là đi “trộ mồng đông”, nghĩa là họ ra biển thả lưới bắt cá rạng sáng.

Giữa màn đêm tối mịch, trước ánh đèn pin nhòe sáng nhạt nhòa, các ngư dân giúp nhau đẩy thuyền từ bờ cát xuống biển để vượt qua những con sóng lớn trước khi ra khơi. Cũng có nhiều chiếc thuyền bị sóng đánh chìm khi chưa kịp ra khơi bởi ra sóng không đúng lúc gặp con sóng lớn ập vào.

Chuyện về một làng chài thèm cá biển ảnh 2 Trong khi ngư dân ra khơi thì người thân của họ ngồi trong bờ ngóng trông

Thuyền ra khơi cách bờ chừng 15km tính theo đường bộ, ngư dân bắt đầu thả lưới rồi thả neo chờ đợi. Sau một đến hai giờ đồng hồ, họ bắt đầu kéo lưới trong sự uể oải, mệt lừ bởi thức đêm. Lưới kéo lên có nhiều cá, ngư dân phấn khởi quên hết mệt mỏi. Thế nhưng đa phần những mẻ lưới kéo lên chỉ được dăm ba con cá giá trị thấp khiến ngư dân thở dài, tiếp tục thả lưới lần hai trong hi vọng.

“Ngày xưa, biển nhiều cá lắm. Cứ vào thời gian này cá phải tính bằng tạ, tấn. Thế nhưng, bây giờ mỗi ngày kiếm được vài kg cũng đã may mắn rồi. Nhiều người nói tôi, sao nghề biển khổ thế mà cứ không buôn đi chọn nghề khác? Khi đó và kể cả bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm không bao giờ bỏ biển. Xóm biển quê tôi, nếu ngư dân thấy vất vả bỏ nghề thì làng xóm chẳng còn ai ở, bỏ đi nơi mưu sinh hết. Tôi bám biển cũng để giữ làng và vùng biển Tổ Quốc”, anh Trần Hải (ngư dân tại TDP Nhân Thọ) chia sẻ.

Chuyện về một làng chài thèm cá biển ảnh 3 Những con sóng lớn khiến ngư dân lo lắng khi ra khơi

Trong khi đó, anh Trương Kiều (một ngư dân làng biển Nhân Thọ) cho biết thêm, với ngư dân vùng biển công việc vất vả chỉ một phần, nhiều người còn phải bỏ mạng và mang thương tật suốt đời cũng vì biển. “Nhiều ngư dân đi thuyền ra khơi bị gió lớn thổi mất tích. Một số người khác vượt sóng bị chìm thuyền chết và mang thương tật suốt đời” anh Kiều cho biết.

Trông ngóng người về

Trong khi những người trụ cột gia đình đang “đầu sóng ngọn gió” ngoài biển khơi thì hậu phương của họ lại thấp thỏm đợi chờ trong lo lắng. Bởi họ hiểu rằng, ra khơi đánh cá không phải là việc dễ dàng.

Một hình ảnh chạm vào lòng, khiến người viết xúc động là cảnh vợ con của ngư dân ngồi trên bờ cát trông ngóng ngư dân lúc rạng sáng. Đôi lúc, thấy có những con sóng lớn vỗ bờ, họ lại thủ thỉ với nhau không biết người thân vào bờ có được an toàn. Họ không thể không lo lắng, bởi trước đó nhiều ngư dân đã phải “bỏ mạng” khi vượt sóng vào bờ.

Chuyện về một làng chài thèm cá biển ảnh 4 Nói là dân đánh bắt cá nhưng chẳng mấy người được ăn cá lớn do chính mình bắt được

Và, vì “cơm áo gạo tiền” người thân của các ngư dân cũng đang trông ngóng, hi vọng thuyền nhà vào có nhiều tôm cá để ít ra cũng không lỗ “tổn” theo cách gọi của ngư dân. Theo ngư dân, việc đánh bắt cá chỉ được thực hiện trong ngày. Khoảng 2h sáng đi thì 3h chiều lại vào bờ. Trước khi ra khơi, họ phải chuẩn bị dầu máy và ít đá lạnh. Thế nên, nếu chuyến đi không thuận lợi thì lỗ phí.

Khi thuyền ngư dân vào bờ, người thân của họ vội chạy tới hỗ trợ, gom hết cá trong khoang rồi khẩn trương mang ra chợ ngồi bán. Nói là dân biển nhưng ít gia đình ngư dân được ăn những con cá do chính mình đánh bắt được. Có chăng, họ chỉ để lại những con cá không có giá trị hoặc cá nhỏ đã bị cá lớn ăn mất một nữa. Trong khi, số cá đưa ra chợ giá trị cũng không được là bao, nhiều cũng được vài trăm xem như “có là may mắn rồi”.

Thế nên, người dân vùng ngư nghiệp hay nói vui mà đúng thực tế là “dân biển thèm cá”. Có lẽ, nhận thấy nghề biển vất vả nên nhiều thanh niên ở quê hương Nhân Thọ này “trốn” gia đình đến nơi khác mưu sinh. Thế nên, ngư dân mới có câu “bỏ biển là bỏ quê hương” thật không sai chút nào.

Ông Nguyễn Thái Bình - Tổ trưởng Tổ dân phố Nhân Thọ cho biết, ngư dân nơi đây đi biển vất vả nhưng họ vẫn bám nghề bởi ngành nghề chủ yếu ở địa phương là biển nên không có nhiều sự lựa chọn. Hiện nay, đời sống người dân khá hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm về trước. Ngày càng nhiều những ngôi nhà được xây dựng khang trang nhờ vào con em đi lao động nước ngoài.

MỚI - NÓNG