Chuyện về Giáo sư Lê Thi vừa qua đời, người kéo cờ Ngày Độc lập cách đây 75 năm

GS. Lê Thi, một trong hai người kéo cờ trong Ngày độc lập năm 1945
GS. Lê Thi, một trong hai người kéo cờ trong Ngày độc lập năm 1945
TPO - Giáo sư Lê Thi trút hơi thở cuối cùng ngày 28/8. Bà về cõi khác để đoàn tụ với người phụ nữ thứ hai kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

Bà Lê Thi (tức Dương Thị Thoa) được nhiều người nhớ tới vì là một trong nhân chứng lịch sử trong lễ Tuyên ngôn độc lập. Bà là một trong hai người kéo là cờ đỏ sao vàng trong Ngày Độc lập 2/9 tại Quảng trường Ba Đình. Người kéo cờ cùng GS. Lê Thi là bà Đàm Thị Loan-vợ của đại tướng Hoàng Văn Thái. Bà Đàm Thị Loan qua đời năm 2010.

Mới đây, trong triển lãm những mốc son của Cách mạng tháng Tám, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đưa lại câu chuyện kéo cờ của GS. Lê Thi vào đúng sáng 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Chuyện về Giáo sư Lê Thi vừa qua đời, người kéo cờ Ngày Độc lập cách đây 75 năm ảnh 1 Bà Lê Thi thời trẻ

“Đoàn phụ nữ Hàng Bông do cô Thi dẫn đầu đứng ngay ngắn, quần áo trắng tươm tất, chỉnh tề và rất trang nghiêm. Một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh đề nghị bà lên. Khi ấy, bà run lắm nên vẫn đứng yên. Mãi đến khi cán bộ xuống giục thì bà mới quyết định đi lên. Cùng kéo cờ với bà hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái...

Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Niềm vinh dự tự hào khiến bà mãi không quên”, trích trong phần giới thiệu của Bảo tàng về câu chuyện cô gái kéo cờ năm xưa.

Trong góc Ký ức của trưng bày chuyên đề “Ngày độc lập” tại Bảo tàng lịch sử quốc gia khai mạc 18/8, những người thực hiện chia sẻ lại ký ức của bà khi có mặt trong sự kiện trọng đại ngày 2/9/1945: “Khi bài Quốc ca vang lên cũng là lúc lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên, khi bài Quốc ca vừa kết thúc là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình… Đó cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng, nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào”.
Chuyện về Giáo sư Lê Thi vừa qua đời, người kéo cờ Ngày Độc lập cách đây 75 năm ảnh 2 Góc ký ức về Ngày độc lập, tại trưng bày "Ngày độc lập" do Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Có mặt tại triển lãm về Cách mạng tháng Tám tại Bảo tàng Lịch sử quân sự hôm 18/8, ông Lê Minh Quốc-con trai GS.Lê Thi- kể rằng năm nay là năm đầu tiên GS. Lê Thi không tham gia các sự kiện kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Năm nào, bà cụ cũng được báo giới mời tới Quảng trường Ba Đình quay phim chụp ảnh, hoặc tới nhà hỏi thăm và nghe kể lại chuyện kéo cờ lịch sử. Tiếc rằng năm nay bà vắng mặt. Và giờ này, bà lỡ mất khoảnh khắc được chứng kiến dấu mốc 75 năm Ngày Độc lập của dân tộc.

Thời trẻ, GS. Lê Thi tích cực tham gia cách mạng. Năm 17 tuổi vừa rời Trường nữ sinh Đồng Khánh, bà tham gia vào Đội phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền và vận động nhân dân ủng hộ cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp làm cán bộ phụ nữ ở khu Hoàn Kiếm, Hà Nội, công tác phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Tuyên Quang, công tác trong nội thành Hà Nội bị tạm chiếm. Năm 1956 bà được cử đi học lớp lí luận chính trị cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Sau này bà dược giữ lại làm giảng viên, đảm nhiệm nhiều vị trí. Bà Lê Thi từng nghiên cứu và giảng dạy triết học từ 1962 đến 1987, sau đó được cử giữ chức Viện trưởng Viện Triết học cho tới khi nghỉ hưu.
Chuyện về Giáo sư Lê Thi vừa qua đời, người kéo cờ Ngày Độc lập cách đây 75 năm ảnh 3 Bà Đàm Thị Loan (trái) và bà Lê Thi hội ngộ tại Quảng trường Ba Đình

Giáo sư Lê Thi được phong hàm Giáo sư Triết học, sau này khi nghỉ hưu bà là một trong số người sáng lập Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình (Viện Gia đình và giới) và giữ chức Giám đốc cho tới khi nghỉ ngơi (1987-1999).

Con trai của GS. Lê Thi rất tự hào về người mẹ cả cuộc đời đi theo và cống hiến cho Cách mạng. Sau này bà dành cả cuộc đời để giảng dạy, nghiên cứu trong đó tập trung vào đề tài phụ nữ, có nhiều công trình và các tác phẩm trong lĩnh vực này như: 3 cuộc cách mạng và vấn đề giải phóng phụ nữ, NXB Phụ nữ 1976; Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam, NXB Phụ nữ 1982; Tìm hiểu việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN ở Việt Nam, NXB KHXH 1983; Vai trò gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, NXB Phụ nữ 1998; Việc làm đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam, NXB KHXH 1999; Cuộc sống của phụ nữ đơn thân ở Việt Nam, NXB KHXH 2002.

Gia đình xác nhận, bà Dương Thị Thoa (tức Lê Thi) sinh năm 1926, vừa qua đời sáng 28/8 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. Lễ tang của GS. Lê Thi diễn ra ngày 1/9 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.

MỚI - NÓNG