Chuyên gia lập pháp nói về 'Nhà nước phục vụ'

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã trao đổi với PV Tiền Phong về những thách thức lớn đang tác động đến mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân. 

Ông Thảo cho biết: Ngày 2/9 năm nay là tròn 70 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Nói đến nhà nước dân chủ, tức là nói đến chủ thể quyền lực là nhân dân. Nhưng từng người dân không thể thực hiện hết được các quyền lực nên đã trao quyền cho người đại diện. 

Sự ra đời của nhà nước dân chủ đầu tiên là nhà nước của dân, do dân ủy quyền thực hiện quản lý xã hội. Hình thức pháp lý cao nhất, công cụ cao nhất để nhân dân trao quyền của mình đó chính là bản Hiến pháp. Hiến pháp như là bản khế ước chính trị để người dân thống nhất trao quyền cho người đại diện.

Nhà nước phục vụ

Theo ông, trong 70 năm qua đâu là dấu mốc rõ nhất trong phát triển nhà nước?

Nhà nước ra đời năm 1945 là nhà nước của dân vì ngay sau đó tháng 1/1946 chúng ta đã có bản Hiến pháp đầu tiên để trao quyền lực chính trị cho bộ máy nhà nước. Đó là nhà nước hợp hiến, hợp pháp đầu tiên của Đông Nam Á. Nói như thế để ta đánh giá sự phát triển, hoàn thiện dần từng bước của Việt Nam trong 70 năm qua có cơ sở pháp lý. 

Bộ máy nhà nước cũng dần hoàn thiện qua Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và hiện nay là Hiến pháp năm 2013. Sự hoàn thiện, phát triển của các bản hiến pháp từ thấp lên cao phản ánh sự phát triển của nhà nước.

Trong 70 năm qua, chúng ta đã có tới 4 bản Hiến pháp. Từ chỗ người dân trao hết quyền cho nhà nước đến nay dần dần nhà nước cũng đã trao lại một số quyền cho người dân tự thực hiện. Tôi ví dụ, trước đây mọi việc đều do cơ quan nhà nước quyết định có tính chất mệnh lệnh thì nay người dân đã tự quyết nhiều việc liên quan đến mình. 

Ví dụ như, quy định về dân chủ ở cơ sở, luật đất đai, luật quy hoạch... phải lấy ý kiến cộng đồng, nhân dân. Theo quy định này thì dân có quyền bày tỏ ý kiến trực tiếp với chính quyền. Lý do là sự hiểu biết, năng lực của người dân được nâng lên không ngừng.

Chuyên gia lập pháp nói về 'Nhà nước phục vụ' ảnh 1

Ông Đinh Xuân Thảo.

Với bản Hiến pháp mới nhất, mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân có gì phát triển, thưa ông?

“Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã đều do dân tổ chức nên. Nói tóm lại quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân”, trích bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo “Sự thật”, số 120, ngày 15/10/1949.    

Những nguyên tắc này được nâng lên khái quát trong Hiến pháp năm 2013. Điểm mới nhất trong Hiến pháp này là đề cao chủ quyền của nhân dân, thể hiện ngay từ Lời nói đầu cho đến Điều 2 của Hiến pháp. Hiến pháp 1992 quy định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng tại Điều 6 lại quy định: Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua đại biểu Quốc hội, HĐND. Có nghĩa là nhân dân sử dụng quyền lực thông qua người đại biểu dân cử của mình bằng hình thức dân chủ đại diện. Đến Hiến pháp năm 2013 thì Điều 6 khẳng định: Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp; thực hiện quyền qua dân chủ đại diện, thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của nhà nước. Vai trò của cơ quan chủ thể ở đây được nâng lên.

Nhận thức và hành xử đã chuyển từ nhà nước “cai trị” chuyển sang “nhà nước quản lý” và nay đã chuyển sang “nhà nước phục vụ”. Trách nhiệm của nhà nước là phục vụ nhân dân, không phải đứng trên nhân dân.

Trong 70 năm qua, từ một nhà nước non trẻ mới ra đời năm 1945 đến nay vị thế của nhà nước đã được khẳng định, tạo nên nhiều kỳ tích rất lớn trong phát triển. Vai trò của nhà nước như người cầm lái và nhân dân tập hợp xung quanh. Chúng ta thấy rất rõ bước tiến của nhà nước với vai trò cầm lái về các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng.

Chúng ta đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và vai trò ngày càng tích cực. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu đến nay chúng ta đã có nhiều phát triển vượt bậc.  Bình quân thu nhập đầu người những năm 1960 khoảng 200 USD/người/năm nhưng đến nay là hơn 2.000 USD/người/năm. Hạ tầng giao thông, kỹ thuật, xã hội phát triển nhanh…

Chuyên gia lập pháp nói về 'Nhà nước phục vụ' ảnh 2

Cử tri phường Thanh Xuân bắc chất vấn về tình trạng con sinh ra không được nhập khẩu theo bố mẹ! Ảnh: Tuấn Minh.

Người dân được làm những điều pháp luật không cấm

Chúng ta nói nhiều đến “nhà nước pháp quyền”, “nhà nước phục vụ”. Tuy nhiên, còn nhiều người dân vẫn than phiền vì các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, thưa ông?

Đúng là đang có nhiều thách thức khi xây dựng nhà nước phục vụ! Trước đây ngay từ tiềm thức của người dân cho đến cán bộ trong cơ quan công quyền coi như nhà nước có toàn quyền quyết định, muốn làm gì thì làm và người dân chỉ được làm những gì nhà nước cho phép. 

Hiện nay khi chuyển sang nhà nước pháp quyền thì cán bộ, cơ quan công quyền chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Người dân được làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm. Về lý thuyết nói thì dễ nhưng để thực hiện không đơn giản.

Tôi ví dụ: Nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép. Tuy nhiên còn nhiều lĩnh vực pháp luật quy định còn thiếu, chưa đầy đủ nhưng trong nhu cầu về quản lý xã hội thì phải có. Đối với người dân cũng vậy, khi mà hành lang pháp lý chưa đầy đủ thì cũng không phủ hết được những gì là cấm, nhưng khi người dân làm thì lại bị tuýt còi. 

Đó là một hạn chế rất lớn. Yêu cầu của nhà nước pháp quyền là sống và hành xử đều phải theo pháp luật. Muốn như vậy thì pháp luật phải hoàn thiện, đầy đủ và đi vào cuộc sống. Đây là trách nhiệm nặng nề vì nhiều luật ra đời đã lâu nhưng lại nằm chờ Nghị định, chờ Thông tư. 

Một trong những tắc nghẽn trong phát triển của đất nước hiện nay chính là thủ tục hành chính. Phải đơn giản thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển, tăng cường cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đáng buồn là thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phải qua nhiều cửa.

Ví dụ, người dân muốn làm nhà thì liên quan đến sổ đỏ, quy hoạch, thoát nước, cấp nước, cấp điện… Ở khâu nào, người dân vẫn còn phải chạy chọt, xin xỏ. Tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân còn rất chậm so với yêu cầu, lùi hết đợt này đến lần khác. 

Vậy thì làm sao mà người dân có thể thuận lợi xin cấp phép xây nhà được? Quản lý hành chính còn rất rối rắm nên đã làm tăng khiếu kiện của người dân với nhau, khiếu kiện giữa người dân với cơ quan công quyền. 

Trước đây trong Bộ Luật Gia Long, Luật Hồng Đức quy định rất chặt trách nhiệm của chính quyền, của cả quan lại, lý trưởng. Bây giờ trách nhiệm của công chức nhiều khi chưa rõ. 70 năm trôi qua, tôi cho rằng chúng ta phải nhìn thấy cả tồn tại, thách thức, yếu kém để phấn đấu, để phát triển bộ máy nhà nước thực sự là nhà nước phục vụ nhân dân.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG