Chuyện cựu binh U70 thu phục giang hồ đến khó tin

Ông Vân được người dân phường Kim Mã gọi với cái tên đặc biệt: “Ông Vân ma túy”.
Ông Vân được người dân phường Kim Mã gọi với cái tên đặc biệt: “Ông Vân ma túy”.
Gặp lắm tay giang hồ gớm mặt, ông Vân luôn dùng trí cùng nụ cười khẩy để 'thu phục'.

“Bắn phá boongke” giữa thời bình

Tới địa bàn phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội hỏi ông Nguyễn Viết Vân -“ông Vân ma túy” không ai là không biết. Người dân nơi đây gọi ông với biệt danh như vậy bởi cuộc đời ông từ khi về hưu đã gắn liền với công cuộc “thu phục”, giáo dục và “đánh úp” những đối tượng nghiện ma túy.

Gặp ông Vân tại trụ sở UBND phường Kim Mã, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở tuổi xấp xỉ 70 mà da dẻ ông vẫn hồng hào, tay chân cứng rắn, nom rất cường tráng. Mặc dù là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh phường Kim Mã, nhưng ít khi ông ngồi ở trụ sở làm việc. Hàng ngày, ông vẫn đi địa bàn để nắm con số, tình hình những người bị nghiện trong phường, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

Ông Vân chia sẻ: “Với những đối tượng manh động, cực kỳ nguy hiểm thì tôi cùng một số đồng chí trong hội cựu chiến binh theo dõi, tìm quy luật hoạt động kết hợp với công an để bắt giữ, còn những đối tượng có khả năng giáo dục quay lại làm người lương thiện thì tôi sẽ cố gắng “thu phục” cho bằng được”.

Ông Vân vốn là bộ đội về hưu. Năm 1991, xuất ngũ trở về, ông làm đủ nghề từ lái ôtô khách đến lái máy xúc, máy ủi để kiếm sống. Từng đi nhiều nơi, gặp nhiều người trong xã hội, ông luôn trăn trở một điều rằng ông và nhiều đồng đội đã chiến đấu hết mình để có hòa bình như hôm nay, nhưng tại sao thành quả sau cách mạng lại thế này? Tại sao lại có nhiều người lầm lỡ, nghiện ngập, “lấy lỗ làm lãi” như thế? Vì vậy, ông đứng ra thành lập nhóm “Đoàn kết”, “Bạn giúp bạn”.

Ban đầu nhóm gồm một vài thành viên là những người nghiện ma túy đã cai thành công và muốn giúp ông trong công cuộc “bắn phá boongke giữa thời bình” như ông hay nói. Những thành viên tích cực này chỉ cần ngửi mùi nước giải, ngửi mùi mồ hôi, hay nhìn ánh mắt là có thể phát hiện ra ai là người nghiện ma túy. Năm 2001, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, nhóm “Đoàn kết”, “Bạn giúp bạn” được xây dựng thành CLB Cai nghiện và Tự quản B93 do ông Vân làm chủ nhiệm.

Nhắc tới lần suýt bị kẻ nghiện đánh úp thành viên CLB, ông Vân kể: Hôm đó, ông đang họp thì có thành viên điện thoại hốt hoảng báo tin trong ngăn bàn làm việc của CLB có một vỏ bao thuốc Vina, bên trong chứa đầy hêrôin. Ông vội vàng đến nơi, mở ngăn kéo ra, thì đúng là bên trong bao thuốc chứa đầy ma túy. Suy nghĩ một lúc, ông khẳng định có người nghiện ma túy, muốn chơi xấu, đánh úp để CLB mất uy tín.

Ông Vân nhìn sang bên kia đường thì thấy một thanh niên đáng nghi đang cúi mặt xuống đất, tay giả vờ phủi phủi bụi quần. Ông cố tình nói to “Bao thuốc Vina dởm này thì ai thèm hút”, rồi vứt ra xa một đoạn. Tiếp sau, ông Vân hất chén nước vào gần bao thuốc đó rồi lẻn đi đường khác đứng sau lưng đối tượng này.

Nằm trong dự tính của ông Vân, sợ chén nước hất vào sẽ làm ẩm heroin, tên này nhổm dậy, tiến lại gần, một tay xoa xoa gãi đầu một tay thò xuống định lấy bao thuốc thì ông Vân ập tới, dẫm vào tay hắn rồi hô anh em dẫn giải về phường. Ban đầu, tên này chối quanh chối quẩn, giả vờ như không biết bên trong có ma túy nhưng sau vài chiêu phủ đầu, hắn đã khai: “Bên trong không phải có 50 tép đâu, chỉ có 32 tép thôi”.

Việc thẳng tay trừng trị nhiều đối tượng nghiện hút đã khiến ông Vân nhiều lần gặp nguy hiểm. Có lần, ông bị một toán thanh niên cầm dao đến hỏi. Khi mặt đối mặt, ông Vân liền cởi chiếc áo sơ mi đang mặc quấn lại thành dây rồi lập tức thủ thế, hét lớn: “Tao Vân đây, đứa nào muốn chém thì cứ lao vào”. Vừa nghe thấy thế, cả bọn đứng khựng lại, tên cầm dao quay ra nói với đồng bọn: “Gặp lão này là không xong rồi, rút thôi”. Thế là cả bọn quay đầu bỏ chạy.

Quán sửa xe máy dành cho những người sau cai do CLB B93 lập nên ở 28 phố Thanh Cao, Hà Nội.

Ân tình “bố Vân”

Những ngày CLB mới đi vào hoạt động cũng là thời gian bến xe Kim Mã trở thành điểm đen của tệ nạn ma túy. Có những ngày, ông cùng các thành viên CLB thu quét hàng bao ống xilanh, bắt 30 – 40 đối tượng tiêm chích lỳ lợm. Trước tình trạng này, ông Vân đã ân cần gọi từng đối tượng nghiện ma túy, hay gây gổ, đánh nhau tới nói chuyện.

Sau đó, ông còn đến từng gia đình tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh để có cách cư xử sao cho khéo. Ông phân tích cho những thanh niên nghiện ma túy: Các cháu không phải là những người phạm tội mà là những người mắc bệnh, không phải đi cai nghiện mà là đi chữa trị, chỉ cần các cháu có ý chí là có thể vượt qua. Dần dà, nhiều cá nhân trong số 215 người nghiện trong địa bàn đã hiểu ra và tình nguyện đi cai nghiện.

Một thành viên CLB B93 kể về lần ông Vân thu phục kẻ từng là tên “đầu bò trộm cướp” khét tiếng trong phường tên H. Hôm ấy, ông Vân tới nhà H, sau khi chào hỏi xong, biết rõ ý định của ông Vân đến để làm gì thì H tỏ vẻ ngạo nghễ, dùng lời chợ búa dọa dẫm, thách thức: “Tôi nghe nói ông cũng là người không biết sợ điều gì trên đời, vậy ông có dám thi gan với tôi không? Nếu ông thắng, tôi sẽ nghe theo ông, còn không ông sẽ phải nghe theo tôi.

Ở đây có một con dao, bây giờ tôi chặt tay ông, ông chặt tay tôi, ai không dám làm thì chịu thua”. Biết mình đang bị “nắn gân”, ông Vân liền cười khẩy nói: “Tưởng anh có trò gì hay chứ trò này thì thường thôi. Muốn thử thì đưa dao đây, tự tôi sẽ chặt tay mình chẳng cần ai phải chặt cả”. Nghe ông nói, H trợn mắt, chắp tay trước mặt vái ông, rồi cất lời: “Từ nay em xin nghe lời anh, anh dạy gì em xin theo”. Không lâu sau, H từ bỏ chốn giang hồ nghiện ngập theo ông Vân gia nhập CLB B93.

Sau khi nhiều đối tượng nghe ông đi cai nghiện thành công trở về, ông Vân lại trăn trở nếu không có việc làm ổn định, nhàn cư vi bất thiện, có thể các đối tượng lại quay trở về con đường cũ nên ông nảy ra một quyết định táo bạo.

Ông kể: “Tôi bàn với bà nhà tôi bán chiếc xe máy cũ đi, mua một máy xay nước mía cho 3 – 4 em mở cửa hàng bán nước mía giải khát và yêu cầu sau đó phải trả lại vốn tôi, làm thế để các em ấy có nghị lực phấn đấu. Đến nay, cái máy xay nước mía đã qua 3 thế hệ gồm gần 10 em sử dụng để kiếm đồng tiền chân chính. Đó là các em Lê Văn Hùng, Cao Đức Cường, Nguyễn Văn Quảng... Hôm các em mang tiền tích cóp đến trả lại thì tôi biết các em đã hoàn lương thật sự. Nghe các em ấy nói “Máy đã hỏng nhưng chúng con không hỏng” mà tôi rơi nước mắt”.

Sau này, vẫn trên tinh thần của nhóm “Bạn giúp bạn”, nhiều người nghiện hút đã chuyển nghề sang sửa chữa xe máy. Số tiền kiếm được cũng dư dả hơn nên ông đã vận động giúp đỡ người khác, như giúp trường hợp em Lê Văn Hùng 10 triệu đồng để sửa nhà. Chính ông Vân cũng là người đứng ra mai mối, lập gia đình cho nhiều em sau khi cai nghiện thành công mà đến nay họ vẫn gọi ông Vân bằng bố, coi ông như bố đẻ của mình.

Cảm động trước tấm lòng của ông Vân, có em trước khi nhắm mắt vì đã mắc căn bệnh thế kỷ đã xin được gặp ông Vân lần cuối để gọi một tiếng “bố” rồi mới thanh thản ra đi. Hai năm trước, ông Vân không may bị tai nạn gẫy xương bả vai, nằm viện nhiều ngày, những người được ông chỉ bảo, đưa trở lại làm người hoàn lương đã tự phân ca tới chăm sóc ông Vân như bố đẻ. Có người thành đạt còn muốn đổi cho ông chiếc xe máy mới để dùng nhưng ông từ chối.

Theo Theo Lao Động
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.