Chuyện của mẹ con chị Cốm

Nam, Hòa và ông bà
Nam, Hòa và ông bà
TP - Thương mẹ ly hương bôn ba kiếm sống, Nguyễn Phương Nam chăm chỉ học hành. Không dùng điện thoại, không chơi facebook, hết giờ học, Nam và anh lại đèo nhau về nhà phụ giúp ông bà đã ngoài 70 tuổi.

Tin Nguyễn Phương Nam đỗ thủ khoa khối A trường ĐH Khoa học Tự nhiên với 27,5 điểm bay về thôn Lưu Đông, xã Phúc Lai, huyện Phú Xuyên, Hà Nội khiến cả nhà mừng không ngủ được. Hàng xóm liên tục đến chúc mừng. Niềm vui nhân đôi khi người anh em sinh đôi với Nam là Nguyễn Ngọc Hòa cũng được 24,5 điểm ở trường Học viện Quân y hệ dân sự. 

Biết hoàn cảnh khó khăn, có người đã kịp mang mấy kilôgam gạo, một ít quần áo cũ góp thêm cho anh em Nam chuẩn bị nhập học.

Nam sinh ra trong gia đình có 3 chị em. Chị gái là Nguyễn Thị Hương Dung đang là sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Chị em Nam có tuổi thơ thiếu thốn tình cảm khi bố mẹ phải rời quê vào Đắk Lắk làm đủ nghề kiếm sống. Cứ cai sữa là bố mẹ gửi con lại cho ông bà nội chăm sóc để đi làm ăn xa.

Ông nội Nguyễn Ngọc Giao năm nay ngoài 70 tuổi là giáo viên về hưu hàng chục năm nay nuôi cùng lúc ba đứa cháu bằng đồng lương hưu còm cõi. Ông cho hay, nhà ông từ nơi khác chuyển đến nên không được phân đất ruộng, cả gia đình chỉ được mảnh đất nhỏ dựng nhà ở lâu nay.

Khi Nam và Hòa (hai anh em sinh đôi) lên cấp III, chị gái vào ĐH, ngoài dành tiền học cho hai em, ông bà còn chắt bóp cho chị Dung 2 triệu đồng mỗi tháng. Để có tiền trang trải cho thuê trọ, sinh hoạt hằng ngày, Dung phải đi gia sư kiếm tiền thêm.

Ông Giao kể, trường Kiến trúc cách nhà gần 40km. Ngày đầu, vừa sợ say xe vừa sợ tốn 25.000 đồng đi ô tô nên Dung thường đạp xe hai tiếng rưỡi đồng hồ mới về tới nơi. “Thương anh em nó lắm, nhà nghèo nên đứa nào cũng ý thức tiết kiệm tối đa”.

Kế hoạch cho hai anh em Nam, Hòa vào ĐH dường như được ông Giao tính toán kỹ từ trước. Ông nói, lương 2 vợ chồng 5 triệu chia cho 3 đứa ĐH nên ông bà phải tính toán kỹ. Không có tiền ở trọ, ông đã liên hệ được nhà họ hàng đồng ý cho các cháu ở nhờ. Ăn uống chủ yếu ông bà sẽ mua thực phẩm ở quê cho rẻ. 

Ông nhẩm tính: “Tép đồng, cá rô, cá diếc nhỏ ở quê chỉ 1,5 nghìn đồng/kg, rán giòn lên anh em chúng nó cũng ăn được vài ba ngày. Mỗi tuần, cho chúng nó một bữa thịt cho có chất, còn học phí chắc phải vay Nhà nước, sau này ra trường, chúng kiếm tiền trả”.

Không có tiền về quê

Chị Lê Thị Cốm khóc nấc qua điện thoại khi nhắc đến con. Mấy hôm nay ông bà và các con cứ tíu tít gọi kể, nhiều người đến nhà chúc mừng khiến chị đang làm ăn ở Đắk Lắk vừa thương con vừa tủi thân.

Chuyện của mẹ con chị Cốm ảnh 1 Khoảnh khắc hiếm hoi Nam được gần mẹ

Chị nói, vợ chồng ly hương từ năm 1992, làm đủ nghề từ mót lúa, bắt cua bán, cuốc cỏ cà phê, buôn cá rồi khi có chút tiền thì buôn trái cây nhưng anh chị làm ăn lận đận bao nhiêu năm vẫn không dư giả. Các con lần lượt chào đời chỉ được sống cùng bố mẹ đến khi cai sữa là anh chị gửi về ông bà nội chăm nom. Cũng may ông là ông giáo rất nghiêm khắc và có phương pháp dạy dỗ cháu.

Chị nói: “Ông bà nghèo nhưng có cái chữ, con mình sẽ được giáo dục tốt hơn”. Năm 2007 anh Nguyễn Tâm Phương, chồng chị bị bệnh ung thư. Chị ngược xuôi vay tiền chạy chữa nhưng anh vẫn bỏ lại chị, 3 đứa con và một đống nợ. 

Biết con thi đỗ nhưng cũng không dám về vì cả ba đứa vào ĐH cùng lúc chị phải tiết kiệm từng xu. Trong câu chuyện, chị kể, chị mang ơn ông bà nhiều lắm. 

Một tay ông bà nuôi 3 đứa khôn lớn, thành tài. Anh chị trước đây làm ăn khó khăn, rồi bệnh tật, hằng năm gửi về cho ông bà chẳng được là bao. Họ hàng, làng xóm biết hoàn cảnh nên người cho sách vở, người cho áo quần cũ. Ai cho cái gì ông bà cũng nhận góp thêm cho các cháu được tươm tất hơn khi đến trường. 

Cũng may, các cháu đều biết thân biết phận, từ bé đến lớn thiếu thốn tình cảm lẫn vật chất nhưng vẫn không một lần đòi hỏi hay thắc mắc.

Không điện thoại, không facebook

Đảm đương trách nhiệm là lớp phó học tập (ở trường THPT Đông Quan, Phú Xuyên, Hà Nội), Nam cho hay, bạn bè trên lớp nhiều người dùng điện thoại và thích chơi facebook nhưng anh em Nam, Hòa chỉ tập trung học. Trong ngôi nhà nhỏ lợp ngói đơn sơ chẳng có vật dụng gì có giá trị ngoài các giấy khen học sinh giỏi dán khắp nhà và từng chồng sách vở xếp ngăn nắp.

Nam chia sẻ, ở lớp em thường đọc kỹ sách giáo khoa và chăm chú nghe giảng. Khi về nhà Nam mới học nâng cao và nghiên cứu thêm phương pháp giải toán khác. Thông tin quan trọng Nam thường ghi chép vào cuốn sổ tay nhỏ để thi thoảng giở ra xem. Những cánh cửa gỗ ở nhà ông bà, được hai bạn ghi chi chít công thức Toán, Lý, Hóa. 

“Cuộc sống như ngọn đèn trước gió không biết tắt lúc nào, chỉ sợ chúng tôi ra đi mà các cháu chưa ăn học xong lại không biết trông cậy vào đâu”.

Ông Giao trầm ngâm

Nam nói: “Từ nhỏ ông dạy hai anh em cách ghi nhớ công thức bằng cách viết nhiều lần ở nơi mình hay đi qua”. Thói quen đó anh em Nam duy trì từ đó đến nay. Nam chia sẻ thêm, ông nội rất nghiêm khắc và bài bản trong việc dạy các cháu. Đêm ông thường không cho các cháu thức khuya học bài nhưng sáng đúng 5 giờ ông đã gọi dậy tập thể dục, ôn qua bài ăn sáng rồi mới đến trường. 

Ngày học cấp III, Nam thường mơ ước, mình sẽ đỗ thủ khoa đại học. Trên bàn học tập, Nam thường xuyên ghi những câu “Không có việc gì khó”, “Học, học nữa, học mãi” để tự tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho mình.

Biết con đỗ thủ khoa nhưng chị Cốm vẫn không dám về nhà vì với 3 đứa đang ăn học, cùng món nợ lớn thì chị phải tiết kiệm tối đa các chi phí. Mẹ con chỉ biết nói qua điện thoại, mừng mừng, tủi tủi…

MỚI - NÓNG