Chuyện cô thợ xây trở thành nhà thơ

Chuyện cô thợ xây trở thành nhà thơ
TP - Bất cứ khi nào gặp Hoàng Việt Hằng ở đâu đó trên phố xá Hà Nội hay giữa những cuộc hội họp văn chương, tôi đều thấy bà “một mình”. Không phải trạng thái lẻ loi của người lạc lõng giữa đám đông, mà là sự thản nhiên của một người vượt qua được những so đo, ham muốn vặt vãnh tầm thường.

> Trần Anh Hùng: Đừng gồng lên khi xem phim của tôi
> Nhuệ Giang và 'Tâm hồn mẹ'

Tranh: Nguyễn xuân hoàng
Tranh: Nguyễn xuân hoàng.

Sáng thứ 7, tôi bấm số máy của nhà thơ Hoàng Việt Hằng trong nỗi hồi hộp. Gần như tất cả các buổi sáng bà không nghe điện thoại của bất kỳ ai, bởi đó là "khoảng thanh sạch quý giá nhất để bắt đầu một trang viết mới trong ngày" - theo bà.

Tôi thở phào khi tiếng chuông ngừng reo và đầu kia cất tiếng: “A lô…”. Hẹn ngồi cà phê, nhưng rồi bà lại đến phòng làm việc của tôi để uống trà trong bộ cánh rất kỳ cục: giày bata sờn rách, quần ngố rộng lùng thùng và chiếc áo bông tay lửng xanh cốm, tất cả đều lem nhem màu sơn tường.

Nhà thơ giải thích với tôi bằng một nụ cười: “Mình đang sửa nhà, lúc nghe điện thoại là đang đứng trên thang gấp để sơn tường”. Và câu chuyện bắt đầu từ việc nhà cửa đến chuyện thơ văn, chuyện tình đời…

Một đời sốc vác

Nếu ở thời điểm cách đây dăm năm, khi thị trường bất động sản sốt sình sịch từng ngày thì nhà thơ Hoàng Việt Hằng cũng được xếp vào hàng… tỷ phú với hai căn nhà ở Đại La và Vân Hồ (Hà Nội). Có thời gian, giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” mà bà và cậu con trai lại mỗi người ở một nhà để dành cho nhau không gian tự do tuyệt đối của người viết lách.

Căn phòng nhỏ ở Đại La mang tên nhà văn Triệu Bôn, sau này bà tích cóp để xây thành hai phòng rộng rãi dành làm nơi thờ tự, thư viện và phòng trưng bày những kỷ vật chiến trường của người chồng tài hoa đã quá cố. Còn căn nhà ở Vân Hồ là tài sản riêng của bà sau nhiều năm lao động (cả tay chân và trí óc) dành dụm xây cất. Nhiều người xúm vào góp ý hai mẹ con nên thu về một mối để dành chỗ cho thuê lấy tiền hàng tháng. Bà nghe theo, bắt tay vào sửa sang căn nhà ở Đại La để cho thuê, những mong kiếm được chút đỉnh coi như tiền lương hưu.

Bà không kể, nhưng tôi được một người bạn văn mách chuyện: Người thuê là hai cậu sinh viên trường Đại học Y, tiền nhà đã giảm xuống mức tối thiểu nhưng hàng tuần qua lại thấy trên bếp chỉ có nồi cơm trắng với chai nước mắm, bà chủ nhà tất tả ra chợ mua về mấy lạng thịt, ít rau quả, vừa mắng vừa ép: “Hai đứa ăn đi mới có sức mà học, nếu không là bác không cho thuê nhà nữa”.

 Gần đây, nhà thơ Hoàng Việt Hằng phải vào viện. Vì đi quá vội nên bà vẫn mặc chiếc áo cũ, lại đi theo tiêu chuẩn nhân dân nên cô y tá nhìn bà hỏi: “Bà có biết chữ không?” Bà nói: “Không ạ”. Cô y tá liền lấy mực bôi vào ngón tay cái để nhà thơ điểm chỉ vào bản cam kết trước khi mổ 

Quay lại chuyện sửa nhà đón tết Giáp Ngọ sắp tới, nhà thơ Hoàng Việt Hằng không giấu những tình huống cười ra nước mắt. Chỉ là sửa chữa đôi chút và sơn lại toàn bộ nhưng chi phí phát sinh vượt lên quá nhiều so với dự tính ban đầu, từ cân đinh bị mua hớ cho đến cảnh người chở vật liệu ép trả thêm tiền mới chịu bốc dỡ hàng vào nhà.

Oái oăm nhất là cảnh bị hàng xóm sang bắt bí, chửi bới ngay giữa đêm khuya hay lúc sáng sớm. Gần 12h đêm, anh hàng xóm bên phải sang đập cửa yêu cầu phải gọi thợ hàn đến “thổi” ngay cái đinh đóng nhờ lên tường nhà anh ta; vừa mở cửa ngày mới, chị sát vách bên trái đứng ngay ngoài cửa rông rổng chửi vào, bắt đền vì “sao bà dám tự tiện lợp hai tấm tôn mới lên mái nhà của tôi”… Tất cả những việc đó muốn giải quyết được đều phải cần tiền, vì nhà thơ dẫu có dáng vóc cao lớn xốc vác cũng không thể tự tay làm được.

Và để có tiền, cách duy nhất là ngồi viết. Hai tản văn, ba truyện ngắn ra đời trong tiếng sa sả dọa nạt, chửi bới dội vào từ hai bên vách tường đang sơn dở chừng, được gửi mail đến các báo quen biết với lời nhắn gửi: “Anh/ chị/ em đăng cho Hoàng Việt Hằng nhé, thời gian này đang cần tiền để…mua sự yên tĩnh”.

Chuyện cô thợ xây trở thành nhà thơ ảnh 2

Các tác phẩm được bấm nút gửi cũng chính là lúc nhà thơ bị đẩy đến tận cùng của sức chịu đựng, bà đứng giữa nhà gào lên điên dại: “Trời ơi là trời, sao người ta lại ác như thế? Con có sống ác với ai bao giờ đâu mà sao lại phải chịu những cảnh này? Trời còn có mắt không hả trời ơi?”.

Rồi bà gục xuống ôm đầu khóc rưng rức, tủi hờn uất nghẹn. Khi ngẩng lên, bà không còn nghe thấy tiếng bấc tiếng chì nào ném vào căn nhà loang lổ vôi vữa, hình như tiếng nấc đau đời của nhà thơ đã đánh động chút nhân tâm ẩn lấp trong mỗi con người… Kể lại những chuyện đó với một vẻ hồn nhiên, dường như với Hoàng Việt Hằng, mọi nỗi buồn đều được cân đối bằng một sự tính toán rất đặc trưng của người sống bằng nghề viết: “Cái mình được lãi chính là nhân vật và tình tiết cuộc sống, sẽ có lúc tự nó nhảy vào tác phẩm của mình một cách điệu nghệ vô cùng. Cũng phải nhờ những sức ép như thế mình mới có sách ra đều hàng năm được chứ”.

Cô thợ xây trở thành người "cày" chữ

Thời ở độ tuổi đôi mươi, Hoàng Việt Hằng làm nghề xây dựng - một công việc đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối cả trong suy nghĩ và hành động. Nhưng rồi có một mối tơ duyên đặc biệt đã buộc cô công nhân ngày ấy vào mối nợ văn chương, để mấy chục năm sau vẫn không nguôi lục vấn: “hẹn gì với những đam mê/mà em bùa ngải viết thuê lần hồi?”. Nợ văn chương, nợ nhân tình đã đeo đẳng, chất chồng lên đôi vai người đàn bà ấy biết bao gánh nặng.

Sau khi theo học khóa Bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá (năm 1974), Hoàng Việt Hằng chuyên tâm vào sáng tác, thành công đầu tiên là tập truyện ngắn “Những lời chưa nói hết” đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (1980). Vậy mà tiếp đó, mười truyện ngắn của cây viết trẻ Hoàng Việt Hằng gửi đến Tạp chí Văn nghệ quân đội đều rơi vào…sọt rác trong phòng văn của biên tập viên Triệu Bôn.

Tìm đến tận nơi để hỏi cho rõ lý do của im lặng thì chỉ nhận được nụ cười “đủ khiến người ta phải chui xuống đất vì xấu hổ” (lời HVH), bởi lẽ những truyện ngắn viết về chiến tranh của một cô nàng quan sát chiến trận từ tầm xa không thể qua mắt được một người lính chiến đã từng ngược bom đạn trở về thành phố.

Nhà văn Triệu Bôn chân thành góp ý: “Em viết văn xuôi buồn cười lắm, chỉ nên làm thơ thôi”. Sau này khi thành duyên, nhà văn Triệu Bôn tặng lại cho người vợ trẻ món quà cưới của nhà văn Tô Hoài, đó là lời khuyên: “Tôi giao cho Triệu Bôn nhiệm vụ dạy bảo Hoàng Việt Hằng trở thành một nhà văn. Vì tôi nhìn thấy con đường dài của cô ấy ở phía trước”.

Từ lời khuyên ấy, người vợ trẻ chuyển hẳn sang nghề viết, nhưng những bài báo ngô nghê đầu đời, những trang viết vụng về từ dấu chấm, dấu phẩy khiến một người làm nghề biên tập lâu năm không thể giữ nổi bình tĩnh và đã không ít lần Hoàng Việt Hằng “ăn” những cú bạt tai của ông chồng nhà văn khó tính và nóng nảy.

Bao nhiêu nước mắt tủi hờn rơi xuống bản thảo rồi lại tự khô đi theo những lo toan thường nhật. Cho đến những ngày cuối đời, vào phút tỉnh táo hiếm hoi sau 10 năm lâm trọng bệnh, nhà văn Triệu Bôn thú nhận: “Anh xin lỗi em. Nếu anh không đánh em thì biết đến bao giờ em mới khá lên để sống được bằng nghề viết. Thời gian của anh không còn nữa, em phải viết hay thì mới sống và nuôi con thay anh được”.

Đã thêm 10 năm sau ngày nhà văn Triệu Bôn rời xa cõi thế (năm 2003), một mình nhà thơ Hoàng Việt Hằng ở lại đối diện với “Những ngày làm lữ thứ tha hương/ Đi viết nuôi con/ Như người mẹ đi nương/ Rắc ngô và rắc lúa/ Tôi cày trên đồng chữ…”.

10 năm in 9 tập sách cho chồng

Cũng trong 10 năm đơn độc ấy, bà sắp xếp di cảo của nhà văn Triệu Bôn để in 9 tập sách bằng những đồng nhuận bút cần mẫn nhặt nhạnh từ những tờ báo lớn nhỏ trong Nam ngoài Bắc và tiền vay mượn của bè bạn. Năm 2012, nhà văn Triệu Bôn được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, vẫn một mình bà đến Nhà hát Lớn nhận giải thưởng thay chồng.

Rồi sau đó lại phải một mình cân nhắc xử lý số tiền thưởng sao cho vẹn toàn những quyền lợi riêng - chung mà người ra đi vẫn còn để lại cõi trần ai, để còn lại cho mình chút ấm lòng với thắc mắc của cậu con trai: “Mẹ ơi, vậy thì mẹ không có gì à?” khi nhìn lại mình hai bàn tay trắng. Mà không hẳn thế, 10 năm qua bà đã kịp có cho mình năm tập sách, trong đó hai tập thơ được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, một tiểu thuyết được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Quen với việc tự làm, tự chịu, ngay cả khi cận kề sự an nguy của sinh mệnh, bà vẫn không muốn mình là mục tiêu thương xót của đám đông. Gần đây nhất, trước ngày lên bàn mổ tim, nhà thơ Hoàng Việt Hằng dặn lại một người bạn thân thiết: “Nếu em không qua khỏi thì chị lấy số tiền in hai cuốn sách để hỏa táng em và mang lọ tro cốt đưa cho thằng Cóc (tên gọi ở nhà của cậu con trai nhà thơ - PV) đổ xuống sông Hồng. Bảo nó đừng báo cho ai biết, kể cả Hội Nhà văn”. Nằm trên giường bệnh sau ca phẫu thuật, nhà thơ đã mở máy tính, tay gõ bàn phím với phép tính trong đầu: “Bài này đủ cho mũi tiêm ngày mai…”.

Ước đoạt giải thưởng đủ mua 1 cây vàng

Hoàng Việt Hằng bảo bây giờ bà không sợ chết, mặc dù suốt 20 năm trước đã nhiều lần muốn chết đi cho thoát khỏi những khốn khổ, cay cực của cuộc đời. Điều bà lo nhất là bị ốm, vì ốm sẽ không viết báo đều đặn được, tiền nhuận bút hao hụt, mà lương hưu thì không có, cậu con trai lại chưa thể tự kiếm tiền đủ sống.

“Lúc nào mình cũng dự trữ sẵn vài truyện ngắn, mấy bài thơ, dăm cái tản văn thuộc loại xuất sắc chưa công bố, để khi cần tiền gấp là có thể “bán” đi ngay cho các báo” - nhà thơ bảo.

Rồi bà vụt cười: “Còn mơ ước hiện nay của mình là được một giải thưởng đủ mua một cây vàng”. Để làm gì? Bà giơ ngón tay ra dấu bí mật, nhưng lại tiết lộ ngay rằng: “Để không phải khiến con trai lo tiền đưa mẹ đi hóa thân Hoàn Vũ”… Tôi không thể hình dung nổi một người hồn nhiên nói cười và tinh tế đến từng chi tiết đời sống như bà lại cứ canh cánh nỗi lo hậu sự bên lòng như thế.

Nhưng có lẽ nhà thơ Hoàng Việt Hằng còn rất lâu nữa mới có cơ hội thực hiện dự án tích cóp một cây vàng, bởi vì chỉ cần một chút rủng rỉnh tiền bạc trong túi là bà lập tức thiết kế ngay một chuyến đi, và lại tiêu đến tận đồng bạc cuối cùng cho những cảm xúc của mình ở đâu đó, trong và ngoài đất nước này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG