Chữa bệnh sợ sai, 'ngại' mua sắm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm nay (23/10), Quốc hội sẽ nghe, thảo luận báo cáo của các cơ quan tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật…

Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, trước những vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra ở một số bệnh viện gần đây, đã và đang đặt ra những vấn đề về hoàn thiện quy định của pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến thủ tục, quy trình để không chỉ ngăn chặn những hiện tượng trục lợi, “thổi giá”, mà còn bảo đảm được yếu tố kịp thời trong việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế.

Trên thực tế thời gian qua, dù phải đối diện với đại dịch, song ở một số nơi, một số đơn vị, vẫn có tâm lý “sợ sai”, “ngại” mua sắm máy móc, thiết bị y tế. Một lãnh đạo đơn vị trước đây, khi được phóng viên trao đổi về việc “có doanh nghiệp muốn tài trợ tiền cho công tác phòng, chống dịch” đã thẳng thắn bày tỏ: “doanh nghiệp tài trợ trang thiết bị y tế lúc này là tốt nhất”.

Theo ông, nếu tài trợ bằng tiền, đơn vị sẽ phải thực hiện mua sắm theo thủ tục, dẫn đến không bảo đảm được yếu tố kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Ngược lại, tài trợ thiết bị thì đơn vị có thể phân bổ, đưa vào sử dụng ngay.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội; phòng, chống dịch kể lại rằng: “Khi trao đổi với một giám đốc bệnh viện lớn tại Hà Nội về công tác mua sắm trang thiết bị cho phòng chống dịch thì được biết, các bệnh viện lớn “sợ trách nhiệm không dám mua sắm, đấu thầu trang thiết bị vật tư để chống dịch mà phải đi xin tài trợ”.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà chia sẻ, trong suốt 1 tháng qua, ngành Y tế Thủ đô vừa chống dịch, vừa tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra... Bà cho rằng, điều này gây tâm lý lo lắng cho nhân viên trong ngành. “Chúng tôi là những cán bộ chuyên môn, rất cần yên tâm để hoạt động chuyên môn phòng chống dịch cho tốt…Tất nhiên chúng tôi hiểu mình không sai thì không sợ”, bà Hà nói.

Việc sợ sai, “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật cũng là vấn đề nổi cộm được lãnh đạo Bộ Y tế nêu ra trong nhiều phiên họp về công tác phòng, chống dịch trước đây. Những vướng mắc sau đó đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết.

Đặc biệt, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 đã “mở đường” để công tác phòng, chống dịch được chủ động, phù hợp với thực tiễn hơn. Trong Nghị quyết này, Quốc hội cho phép tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành; về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất… Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó đã tạo ra sự an tâm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch…

Phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm những “con sâu làm rầu nồi canh” là việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm sự trong sạch, liêm chính trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử lý thì việc sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn cũng cần phải nhanh hơn, sớm hơn, chủ động hơn để vừa khuyến khích, bảo vệ những người “dám nghĩ”, “dám làm”, vừa hướng đến mục tiêu “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng” và “không cần tham nhũng”.

MỚI - NÓNG