Chủ tịch TPHCM: Mở thêm một số dịch vụ tạo sinh kế, thu nhập cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi
TPO - Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, việc mở thêm một số dịch vụ như quán ăn phục vụ tại chỗ, bán vé số.., sẽ tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, từ đó giảm gánh nặng về an sinh xã hội.

Chiều 19/10, kết luận tại cuộc họp trực tuyến với TP Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở ban ngành chức năng tham mưu theo hướng sắp tới thành phố sẽ mở thêm một số hoạt động, dịch vụ để tạo sinh kế và thu nhập cho người dân.

Theo ông Phan Văn Mãi, quán ăn buôn bán tại chỗ, đặc biệt là loại hình bán vé số cần nghiên cứu để mở ra nhằm tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người nghèo, giảm gánh nặng về an sinh xã hội cho thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị các sở, ban ngành, TP Thủ Đức cùng các quận, huyện tập trung phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, nguồn lực lao động và tháo gỡ các vướng mắc cụ thể để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch TPHCM: Mở thêm một số dịch vụ tạo sinh kế, thu nhập cho người dân ảnh 1

TPHCM đã cho phép dịch vụ cắt tóc, gội đầu hoạt động trở lại từ ngày 1/10 nhưng dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết căn cứ theo hướng dẫn phân cấp độ dịch của Bộ Y tế, TPHCM đang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) tương ứng với màu vàng. Tuần trước, TPHCM ở cấp độ 3, tức dịch bệnh đã giảm một cấp. Tuy nhiên, ông cảnh báo, việc đánh giá cấp độ dịch chỉ mang tính tức thì tại thời điểm hiện tại, không có giá trị vĩnh viễn.

“Nếu chúng ta chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch, cấp độ này chắc chắn sẽ thay đổi theo hướng tăng nguy cơ”, ông Tăng Chí Thượng lưu ý.

Cũng nói về vấn đề đánh giá cấp độ dịch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết hiện nhiều địa phương đánh giá cơ bản ở cấp độ 2. Nghị quyết 128 yêu cầu mỗi tuần đánh giá một lần nhưng ông cho rằng quy định thì không thể thay đổi liên tục.

Ông Đức đề xuất Chủ tịch UBND TPHCM cho phép họp, thảo luận với các nhóm về y tế, khôi phục kinh tế để thảo luận và công bố kế hoạch thực hiện Nghị quyết 128 kết hợp với Chỉ thị 18 vào ngày 21/10.

Chủ tịch TPHCM: Mở thêm một số dịch vụ tạo sinh kế, thu nhập cho người dân ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức (người bên cạnh ông Đức là Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng)

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho rằng, các dịch vụ liên quan du lịch, lưu trú rất quan trọng nên cần tính toán cho phép mở lại chuyến bay quốc tế. Ông gợi ý bắt đầu với chuyến bay giải cứu và hướng đến những chuyến bay thương mại quốc tế.

Đồng tình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho rằng việc đón các chuyến bay quốc tế sẽ giúp phát triển các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 60% cơ cấu kinh tế thành phố.

3 tháng cuối năm, TPHCM cần thêm 60.000 lao động

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn cho biết, đến thời điểm này TPHCM đã đón khoảng 150.000 lao động quay lại làm việc tại 1.400 doanh nghiệp (DN). Tổng số lượng công nhân đang làm việc khoảng 230.000 người, tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao….

Theo ông Lê Minh Tấn, dự báo, từ nay đến cuối năm, TPHCM cần thêm khoảng 60.000 lao động và quý I/2022 cần khoảng 120.000 – 140.000 lao động. Các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề tại TPHCM chuẩn bị cho ra trường khoảng 80.000 người, có thể đáp ứng được nhu cầu về lao động tại các DN của TPHCM.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu thành phố đẩy mạnh hoạt động các sàn giao dịch việc làm ở các quận – huyện, TP Thủ Đức để kết nối lao động. Nhiều DN cũng đang kêu gọi công nhân trở lại làm việc”, ông Tấn cho hay.

Về gói hỗ trợ an sinh đợt 3, ông Lê Minh Tấn cho biết đến nay TPHCM đã giải ngân được khoảng 78% (tương ứng với 5.130.000 người thuộc danh sách được các địa phương thẩm định phê duyệt). Có 11 quận - huyện và TP Thủ Đức chi trả đạt trên 90% và 8 quận đạt trên 80%. Riêng Bình Chánh và Bình Tân đạt trên 50% do số lượng người trong danh sách đông. Theo đó, các địa phương dự kiến đến ngày 22/10 sẽ hoàn thành việc chi trả.

Về hỗ trợ gạo, TPHCM cơ bản đã nhận đủ 71.000 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức cấp phát cho 4.700.000 người dân. Đến nay chỉ còn huyện Nhà Bè chưa hoàn thành. Sở đã đề nghị địa phương nhanh chóng thực hiện việc cấp phát cho người dân và hoàn thành trước ngày 22/10.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, TPHCM hiện có 2.000 trẻ em mồ côi do ba mẹ tử vong vì COVID-19 và khoảng 400 người già không có người thân nuôi dưỡng, tập trung chủ yếu ở các quận 4, 8, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức. Sở đã tham mưu UBND TPHCM ngoài chính sách hỗ trợ chung, sẽ tăng thêm mức hỗ trợ theo Nghị định 20 của Chính phủ từ 380.000 đồng lên 480.000 đồng/tháng/người. Riêng trẻ em dưới 4 tuổi có mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng. Trẻ em trên 4 tuổi có mức hỗ trợ 720.000 đồng/tháng và người già neo đơn có mức hỗ trợ từ 480.000 – 1.440.000 đồng/tháng.

MỚI - NÓNG