Chợ dịch - ai bán ai mua

Chợ dịch - ai bán ai mua
TP - Một nhóm khoa học gia có ý định kỷ niệm 66 năm Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam theo một cách độc đáo: Khai trương chợ dịch máy. Cụm từ chưa có trong từ điển tiếng Việt này phản ánh một loại hình kinh doanh đang nổi và đầy sôi động thời hội nhập nhưng đang còn ngái ngủ ở Việt Nam.

Bên đường Tôn Thất Tùng náo nhiệt, trước cổng Trường Đại học Y khoa Hà Nội, một số sinh viên hỏi chỗ để thực hiện một loại bài tập mới, dịch tài liệu chuyên khảo y khoa từ tiếng Anh sang Việt. Mỗi sinh viên trong lớp được giao dịch một trang. Chẳng mấy chốc, thấy giáo có bộ tài liệu tham khảo tiếng Việt tiến bộ y khoa mới nhất của thế giới.

Khác với dịch các văn bản cố định kiểu như công chứng, dịch tài liệu khoa học gần như là thách đố với không it người. Vì thế, giá dịch mà sinh viên y khoa nọ thuê cho một trang là 10 USD. Vậy mà không phải dễ tìm được nơi tin cậy. Dịch sách và tài liệu rộn rã khắp nơi. Tốc độ dịch chậm nên có vẻ cầu cao hơn cung. Giá dịch có nơi ngất ngưởng, cao hơn nhiều mức giá mà sinh viên y khoa phải trả. Dịch dự án văn bản luật, có nơi trả 20-30 USD/trang. Có văn bản pháp quy của Ngân hàng Thế giới (WB) được trả 60 USD/trang.

Bởi thế, còn ngái ngủ mà tổng doanh thu từ những hoạt động dịch thuật ở Việt Nam năm 2010 không dưới 30-40 triệu USD, theo TS Nguyễn Ái Việt – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phi dịch máy bất thành chiến thắng

TS Việt được xem là một trong những con sói trên thị trường dịch thuật gần đây. Có một thứ bùa giúp đưa ông vào tốp ít người có thể vượt qua bất cứ đối thủ dịch thuật nào trong nước hiện nay. Đấy là bùa gì?

Trước hết, cần trả lời câu hỏi “Ai nhận được những hợp đồng dịch béo bở?”. Thì ra, phần to nhất của cái bánh dịch thuật mấy năm qua, dự kiến không dưới 40-50 triệu USD cho năm 2011, bị các công ty dịch thuật nước ngoài ẵm gọn.

Ngoài yếu tố làm tốt công tác thị trường, các công ty dịch thuật nước ngoài có đội ngũ hơn hẳn. Hẳn ai cũng nghĩ đấy là sự “hơn hẳn” về năng lực cá nhân thuần túy của các phiên/biên dịch viên. Nhận định ấy chỉ đúng một nửa. Nửa còn lại không đúng kia mới quyết định thành bại trên thị trường dịch thuật thời hội nhập. Đấy là sự hỗ trợ của máy dịch hay, nói cách khác, là dịch máy.

Dịch máy, mà linh hồn là các phần mềm phiên dịch, có sức tăng trưởng lạ lùng. TS Đào Hồng Thu, chuyên gia ngôn ngữ học khối liệu – một bộ môn liên quan chặt chẽ đến công nghệ và thiết kế các phần mềm dịch thuật, cho hay, lợi nhuận trước thuế của hoạt động dịch máy toàn cầu chỉ riêng từ các công ty dịch thuật lớn năm 2010 là 13 tỷ USD; dự kiến, năm năm sau, số này sẽ gấp đôi.

Công bố hồi đầu tháng 8-2011 về doanh thu của các giải pháp Quản lý Thông tin Toàn cầu (GIM) cho thấy, tính từ đầu năm 2011 đến ngày 30-6-2011, doanh thu các dịch vụ công nghệ ngôn ngữ trên toàn cầu - chủ yếu là dịch máy - tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xưa rồi Diễm thời chỉ dùng thuần túy cái đầu của phiên dịch. Ngày nay, hầu hết công ty dịch thuật quốc tế chỉ tuyển phiên dịch nào biết dùng máy dịch, tức là biết sử dụng phần mềm dịch ngôn ngữ. Máy dịch trở thành trợ thủ đắc lực giúp biên/phiên dịch viên tăng tốc độ dịch lên gấp 3-4 lần so với dịch thông thường. “Số nhân viên biết dùng máy dịch chiếm không dưới 83% tổng số biên/phiên dịch viên chuyên nghiệp toàn cầu hiện nay”, TS Việt nói.

Công nghệ dịch bằng tay ở VN vẫn cần mẫn tiến triển với doanh thu không nhỏ. Công ty Phương Nam mỗi năm dịch tám cuốn, lợi nhuận không dưới 10 tỷ đồng. Nhưng so với tiềm năng thị trường đích thực, doanh thu từ dịch bằng tay bé xíu so với dịch kết hợp với máy.

Tiềm năng thị trường dịch thuật Việt Nam được đánh giá không dưới 200-300 triệu USD/năm. Các công ty dịch thuật nước ngoài nhảy vào chiếm lĩnh hầu hết các hợp đồng với các tổ chức và tập đoàn lớn như Samsung, Toyota, Panasonic, WB. Tài liệu kỹ thuật, văn bản pháp lý của các tổ chức ấy hầu như không bao giờ được đưa cho các nhóm dịch thuật ở VN vì vừa chậm vừa không chính xác. Hầu như chủ đầu tư các dự án dịch đều yêu cầu dịch theo chuẩn trong đó có sử dụng công nghệ dịch máy.

Đã nhanh và hiệu quả thì chớ, các tập đoàn dịch thuật có máy hỗ trợ còn làm giá trên cơ sở tính số từ, số chữ. Trong khi đó, ở ta vẫn ì ạch dịch tay và tính giá trên cơ sở số trang. Bộ Tài chính định giá theo trang với mức 45.000 đồng/trang từ tiếng Anh sang tiếng Việt (dịch xuôi) và 50.000 đồng/trang từ Việt sang Anh (dịch ngược). Nhiều năm, nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước không thuê được người dịch vì giá bèo quá.

Không thuê được ai dịch thì chỉ còn cách nhờ cây nhà lá vườn dịch. TS Đào Hồng Thu, từng là giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, kể một chuyện xảy ra hơn chục năm trước. Một trường quân đội thuê một cán bộ Trường ĐHBK dịch với giá nhà nước. Dựa trên sản phẩm dịch, họ tổ chức cho học viên lắp khí tài quân sự. Kết quả, không lắp được súng và trường nọ phải bỏ tiền tươi ra thuê dịch lại nghiêm chỉnh.

Năm nay, đơn giá dịch được Bộ Tài chính điều chỉnh lên các mức 70.000 đồng/trang và 90.000 đồng/trang tương ứng cho hai thể loại dịch xuôi và dịch ngược. Bên cạnh đó, có một mức giá dịch cao hơn hẳn, 140.000 đồng/trang và 150.000 đồng/trang cho dịch xuôi và dịch ngược. Mức này xấp xỉ giá thị trường, 7 USD/trang và 10 USD/trang. Đấy là “dịch để tiếp khách”. “Tôi không không thể hiểu nổi là loại hình dịch gì”, TS Việt nói.

Manh nha thị trường dịch máy Việt Nam

Cũng đến lúc phải thức tỉnh khi thế giới bắt đầu ngộ ra từ cách đây nửa thế kỷ. Đứng đầu một viện nghiên cứu công nghệ thông tin lớn nhất của một trong những cơ sở đào tạo lớn nhất nước, TS Việt cùng cộng sự âm thầm từ bốn năm nay. Ông cho ra đời những phần miềm dịch thuật mới nhất để tạo ra một trong những máy dịch được đánh giá tin cậy nhất VN hiện nay. “Phần mềm của chúng tôi khác hẳn Google cả về quy trình và chất lượng”, TS Việt tự tin. “Không ai hiểu ngôn ngữ Việt bằng người Việt. Công nghệ thông tin chỉ là phương tiện. Chất lượng của máy dịch được quyết định bởi chất lượng của phần mềm hỗ trợ ngôn ngữ”.

Chả thế mà Trung tâm Biên-Phiện dịch Quốc gia của Bộ Ngoại giao đã đặt mua chiếc máy dịch Anh-Việt của nhóm nhà khoa học do TS Việt đứng đầu. Máy dịch ấy được xây dựng với tổng chi phí 100.000 USD. Trong khi đó, máy dịch Anh-Việt của Google không dưới 10 triệu USD nhưng lại không có các công đoạn xử lý tinh sản phẩm dịch như bộ sản phẩm trọn gói của các nhà khoa học Việt Nam.

Với lá bùa máy dịch trong tay, ông có thể cạnh tranh với bất cứ đối thủ dịch thuật bằng tay nào, vừa nhanh gấp ba lần, vừa đảm bảo chính xác, nhất là với nhóm tài liệu văn bản, khoa học, kinh tế. TS Việt không giấu việc ông nhận dịch cho Bộ Thông tin&Truyền thông với giá đầy cạnh tranh, 100.000-150.000 đồng/trang, cho những văn bản hóc búa nhất mà tốn không bao lăm công sức.

Nhà khoa học đã tự đầu tư 600.000 USD để thiết kế hệ thống hạ tầng hỗ trợ dịch hai chiều Việt-Anh-Việt để phục vụ cộng đồng. Hệ thống ra mắt từ năm 2009 và không ngừng được cải tiến nhằm đuồi theo và vượt Google. . Không dừng ở đó, tổ chức một hội chợ dịch máy đầu tiên để bố cáo với thiên hạ về một thị trường tiềm năng cũng đang được ông ấp ủ. Cái chợ đặc biệt ấy, ông dự định khai trương tháng 9-2011, thời điểm cả nước long trọng kỷ niệm 66 năm quốc khánh nước Việt Nam mới.

Chợ dịch - ai bán ai mua ảnh 1

“Không ít phiên dịch viên chuyên nghiệp thề không bao giờ đụng đến máy dịch vì như thế sẽ không còn bản sắc. Thờ ơ với máy dịch có lẽ còn thể hiện cả ở cấp quản lý khi một đề án xây dựng một máy dịch sáu ngôn ngữ chính trên thế giới ở Đại học Quốc gia Hà Nội với giá 1,5 triệu USD không được hoan nghênh. Theo đề án, nhà nước chỉ phải chi 1/5 tổng kinh phí, tức 300.000 USD, tương đương sáu tỷ VND. Số còn lại, nhóm nghiên cứu sẽ tự lo. Thế mà đề xuất vẫn được xem là lớn quá, không đủ kinh phí. Hy vọng đề xuất khiêm tốn hơn, làm một máy dịch chỉ một ngôn ngữ, từ Trung sang Việt, với giá ba tỷ đồng sẽ được chấp nhận” - TS Nguyễn Ái Việt (ảnh), người tiên phong chế tạo máy dịch made in Việt Nam

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG