Chỉ 30% cử nhân công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Gần 1/3 sinh viên ngành CNTT ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng (ảnh chụp trước 22/4). Ảnh: Như Ý
Gần 1/3 sinh viên ngành CNTT ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng (ảnh chụp trước 22/4). Ảnh: Như Ý
TP - Một báo cáo về thị trường công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021 cho thấy, 70% sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ năng, chuyên môn.

Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 của TopDev, một trong những công ty hàng đầu về tuyển dụng ngành công nghệ thông tin (CNTT), trong số hơn 55.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.

Có tới 61,5% số chuyên gia nhân sự tham gia khảo sát nói rằng, khó khăn lớn nhất khi phụ trách tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT là tìm kiếm ứng viên có năng lực; tiếp theo là hiểu yêu cầu tuyển dụng các vị trí của ngành… Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực CNTT dù số lượng đào tạo hằng năm của Việt Nam khá cao.

Nhu cầu nhân lực tăng mạnh

Trong 5 năm gần đây, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT Việt Nam không ngừng tăng cao. Theo TopDev, năm 2021, Việt Nam cần đến 450.000 nhân lực ở ngành này, trong khi số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người. Năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu 150.000 nhân lực khi nhu cầu thị trường tăng lên 530.000 người.

Theo Dự thảo Chiến lược quốc gia về công ty công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, dự kiến có khoảng 70.000 công ty công nghệ với 1,2 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực này. Việt Nam đặt mục tiêu có 100.000 công ty công nghệ số, 1,5 triệu công nhân kỹ thuật số vào năm 2030.

Hiện chưa có chuẩn để đánh giá chất lượng đào tạo ngành CNTT, người học có thể dựa vào các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo trực tiếp để lựa chọn ngành học ở các trường, như sinh viên tốt nghiệp được làm đúng ngành, mức lương được trả, cơ hội thăng tiến sau tốt nghiệp (5-7 năm). Còn các yếu tố gián tiếp gồm điểm chuẩn đầu vào, điều kiện học tập.

Trước nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT luôn tăng nhanh và mạnh, báo cáo dự đoán mức lương của nhân viên CNTT được doanh nghiệp tuyển dụng trong thời gian tới sẽ được phân loại rõ ràng hơn tùy theo trình độ của họ.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn vững vàng, những kỹ năng mềm như khả năng tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian, trình độ ngoại ngữ... là yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển chọn và đánh giá ứng viên của nhà tuyển dụng.

Sự biến động của tình hình chung do dịch bệnh gây ra cũng như sự đổi mới liên tục của công nghệ đòi hỏi các lập trình viên khả năng thích ứng nhanh và nhạy bén với mọi sự biến đổi. Các lập trình viên cần nâng cao kỹ năng công nghệ của bản thân với sự hiểu biết về các công nghệ mới và đột phá, như an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và máy học, điện toán đám mây...

Đào tạo theo kiểu ăn xổi

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng, số liệu trên phản ánh đúng tình hình thực tế đào tạo ngành CNTT tại Việt Nam hiện nay.

Đa số trường ĐH tại Việt Nam đều đào tạo ngành CNTT, nhiều trường thuần túy khoa học xã hội cũng đào tạo ngành này. Thậm chí có những trường có truyền thống về các ngành khác nhưng ngành thu hút thí sinh nhất lại là ngành CNTT.

Ông Dũng cho rằng, nguyên nhân là vốn bỏ ra để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành CNTT không lớn, chỉ cần có máy tính và đội ngũ giảng viên.Tuy nhiên, chất lượng đào tạo giữa các trường không đồng đều.

“Ví dụ như ở TPHCM, nơi có mật độ các trường ĐH đào tạo ngành CNTT thuộc top lớn nhất cả nước, qua nghiên cứu thống kê từ tuyển sinh, chỉ có 4 trường ĐH chất lượng đào tạo tốt. Điều này được thể hiện bằng điểm chuẩn đầu vào cao qua các năm”, ông Dũng nói. Tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH cũng là một vấn đề.

“Nhiều trường đào tạo theo kiểu ăn xổi, chạy theo nhu cầu của người học để tuyển sinh. Ngành CNTT hay ngành kinh tế cũng đều trong thực trạng này”, ông Dũng nhận định.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định, chất lượng đào tạo được đánh giá thông qua năng lực của người tốt nghiệp gồm năng lực chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng xã hội.

Do đó, trong chương trình đào tạo, các trường phải tìm các giải pháp để tăng kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xã hội cho sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn.

Ông Điền đề xuất, Bộ GD&ĐT cần xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của mỗi ngành. Mỗi trường xây dựng chương trình đào tạo phải minh chứng được sinh viên tốt nghiệp đạt được chuẩn này.

Trong chuẩn này, ông Điền đề nghị nên có 3 mục: chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, chuẩn về tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người học. Sinh viên vào bất kỳ trường nào học đều phải đạt được chuẩn của ngành khi ra trường. "Còn đào tạo như hiện nay, mạnh trường nào trường đó làm, cùng dàn hàng ngang để tiến thì đúng là vàng thau lẫn lộn", ông nói.

Ông Điền cho rằng, không khó để lý giải vì sao muốn vào học ngành CNTT của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh năm nay phải đạt 30 điểm/tổ hợp, trong khi nhiều trường khác có khi chỉ cần gần 20 điểm là đỗ.

MỚI - NÓNG