Chạy bộ có hại cho sức khoẻ?

Các VĐV phong trào tham gia giải Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 59-2018. Ảnh: Lê Tùng.
Các VĐV phong trào tham gia giải Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 59-2018. Ảnh: Lê Tùng.
TP - Nhiều người nói rằng chạy bộ không tốt cho sức khoẻ, nó sẽ làm cơ thể teo tóp, ảnh hưởng đến khớp gối, và sẽ chết sớm hơn.

Tôi nghĩ đó chỉ là cảm giác của những người không chạy bộ - thực sự là một hiểu nhầm tai hại. Cơ thể con người không phải máy móc như chiếc xe ô tô. Với một chiếc xe ô tô, bạn càng sử dụng nhiều, xe càng chóng hỏng. Xe ô tô không phải cơ thể sống, không có cơ chế tự hồi phục và thích nghi.

Cơ thể con người có khả năng thích nghi. Khi bạn tập luyện, cơ thể sẽ mỏi và đau đớn tạm thời. Nhưng nó sẽ hồi phục, và trở nên khoẻ hơn, nhanh hơn. Khi bạn không tập luyện, cơ thể bạn cũng thích nghi, trở nên lười biếng và yếu đuối hơn. Mọi người tập thể thao đều nhận thấy cơ thể biến đổi như thế nào. Những người đang tập mà dừng tập cũng nhận ra sự biến đổi như vậy – theo chiều ngược lại.

Không chỉ có hệ tim mạch và cơ bắp thích nghi với quá trình luyện tập. Hệ xương, gân, dây chằng, sụn khớp, hệ nội tiết và các hormone… cũng đáp ứng tương thích với hoạt động thể lực. Sụn khớp của bạn hoạt động êm ái nhờ những chất bôi trơn gọi là hoạt dịch. Hoạt dịch không tự nhiên tiết ra. Nếu khớp phải vận động nhiều, cơ thể sẽ tiết ra dịch khớp. Nếu khớp không chuyển động, bề mặt khớp sẽ khô đi. Dịch khớp cũng đóng vai trò dinh dưỡng cho khớp, do không có mạch máu cấp máu cho khớp. Nếu không vận động, sụn khớp sẽ thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết.

Ý kiến nhiều chuyên gia y học cũng như các kết quả nghiên cứu cho thấy, chạy bộ không hề ảnh hưởng xấu đến khớp gối - bệnh thoái hoá khớp thường do yếu tố gene quyết định. Ngược lại, chạy bộ còn giúp người béo phì giảm cân, đồng nghĩa với giảm tải cho khớp gối và hạn chế nguy cơ đau khớp.

Một nghiên cứu của đại học Stanford (Mỹ) theo dõi 538 người chạy bộ trong vòng 20 năm, kể từ lúc họ ngoài 50 tuổi. Kết quả cho thấy, người chạy bộ có tỷ lệ tử vong thấp hơn (15% so với 34%) so với nhóm dân số không chạy. Hiển nhiên, nghiên cứu này có sai số nhất định, do quá nhiều yếu tố ảnh hưởng trong một quãng thời gian theo dõi quá dài. Tuy nhiên, điều rõ ràng là: chạy bộ đốt calories hiệu quả, giúp hệ cơ xương khớp và dây chằng dẻo dai bền bỉ hơn, đồng thời khiến người bộ có được tinh thần thoải mái và hưng phấn.

Cũng đôi khi, truyền thông đăng tin về một vài trường hợp thương tâm khi tham gia các giải chạy. Mới đây nhất là trường hợp tử vong của một trọng tài Việt Nam sau một bài kiểm tra chạy. Xin lưu ý rằng tỷ lệ biến cố tim mạch khi chạy bộ là cực kì thấp. Mỗi ngày, trên thế giới có hàng trăm, hàng ngàn giải chạy bộ. Mỗi giải chạy lại có hàng trăm, hàng nghìn, hay cả chục nghìn người tham gia. So với con số khổng lồ đó, vài ca đột tử chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ.

Tờ New England Journal of Medicine, tạp chí y khoa uy tín nhất trên thế giới, đã thống kê xác suất này vào khoảng 0,54/100.000 người chạy bộ. Vì vậy, Hiệp hội Tim mạch Mỹ kết luận rằng, không cần thiết tiến hành thường quy các thăm dò chức năng tim mạch (thường là rất phức tạp và tốn kém) để tầm soát nguy cơ trước khi chơi thể thao, trừ những đối tượng có nguy cơ cao, như tiền sử gia đình có người đột tử, tiền sử khó thở hay đau ngực.

Giờ đây, các bệnh lý chính đe dọa con người không phải bệnh nhiễm khuẩn (như lao, viêm phổi, HIV) mà là bệnh lý chuyển hoá, ung thư, rối loạn tâm lý, và bệnh liên quan quá trình lão hoá. Trong đó, các bệnh chuyển hoá như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, xơ vữa động mạch luôn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng đầu, ảnh hưởng đến tuổi thọ, sức khoẻ, cũng như chất lượng cuộc sống của chúng ta. Chạy bộ, xét trên bất cứ khía cạnh nào (một thú vui, một môn thể thao, một biện pháp phòng bệnh) đều có tác dụng ngăn chặn quá trình chuyển hoá có hại ấy, giúp chúng ta sống lâu hơn, tốt hơn, khoẻ mạnh và vui vẻ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.