Cần xác minh nghi vấn tài sản dù đương chức hay về hưu

Cần xác minh nghi vấn tài sản dù đương chức hay về hưu
TP - Liên quan những chuyện “lùm xùm” tại Thanh tra Chính phủ dưới thời Tổng thanh tra Trần Văn Truyền, trả lời Tiền Phong, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Khi phát hiện cán bộ có tài sản tăng bất minh, cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm minh, bất kể người đó đương chức hay đã về nghỉ”.

“Tuy nhiên, cũng phải bảo vệ danh dự cho người ta, nếu tài sản đó của người ta là hợp pháp” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi, ông Lê Như Tiến nói.

Kê khai thiếu trung thực

Kê khai tài sản của cán bộ công chức (CBCC) là quy định quan trọng góp phần ngăn ngừa tiêu cực, chống tham nhũng được thực hiện từ nhiều năm qua. Ông thấy tác dụng việc này ra sao?

Kê khai tài sản phải trung thực, phải công khai. Nhưng lâu nay chúng ta kê khai xong giao cho cơ quan quản lý CBCC cất ngăn nắp vào trong tủ, thậm chí hàng năm, hàng nhiệm kỳ không sờ đến. Nếu chỉ kê khai như thế, không công khai cũng bằng không. Thứ hai là, việc kê khai hiện nay rất thiếu trung thực. 

Cần xác minh nghi vấn tài sản dù đương chức hay về hưu ảnh 1

Có người có nhiều nhà nhưng họ chỉ kê khai một nhà thôi. Và người ta cũng đủ sức thông minh, chuyển dịch tài sản, sang tên cho con cháu người thân trong gia đình. Hỏi đến thì họ nói đây là nhà em tôi, nhà con tôi, nhà mẹ tôi...nhưng thực chất vẫn chỉ là một chủ sở hữu thôi, họ biến báo để không phải kê khai. 

Việc giấu nhà đất của những người ấy cũng giống như gửi tiền vào tài khoản ở nước ngoài, với nhiều chủ tài khoản khác nhau. Chúng ta không kiểm soát được.

Thêm nữa, cho đến nay chúng ta vẫn không có một cơ chế hiệu quả bằng pháp luật để người dân - nơi CBCC cư trú, ứng cử, có thể kiểm soát được tài sản của họ. Cần phải tạo điều kiện để cho người dân có thể kiểm soát tài sản của CBCC.

Để người dân tích cực tham gia đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng nhất là trong việc phát hiện gia tăng tài sản đáng ngờ của CBCC, cần giải pháp gì thưa ông ?

Có một vấn đề là ngay cả khi đã có thông tin rồi, có người cung cấp rồi nhưng cơ quan chức năng lại làm không đến nơi đến chốn. Có khi họ “im lặng đáng sợ”, hoặc làm cho qua loa, rồi kết luận không có gì lớn, chỉ phê bình nhắc nhở, cùng lắm là cho nghỉ theo kiểu “hạ cánh an toàn”. 

Cần xác minh nghi vấn tài sản dù đương chức hay về hưu ảnh 2

Ông Lê Như Tiến

Có cán bộ có hai ba nhà nhưng chứng minh được tài sản đó do thừa kế của tổ tiên, ông bà hay do công sức lao động chính đáng của người ta. Cho nên cũng cần tránh tình trạng cứ thấy CBCC có nhiều nhà đất, tài sản mà dư luận nghĩ ngay tham nhũng thì cũng không đúng.

Ông Lê Như Tiến

Chính cái đó đã làm người dân bị mất lòng tin. Thậm chí, có vị làm sai, làm thất thoát cả khối tài sản rất lớn còn luân chuyển đến một cơ quan khác cao hơn. Những vụ việc như thế phải điều tra, xử lý cả trách nhiệm của người có thẩm quyền thì mới đủ sức răn đe.

Bên cạnh việc công khai minh bạch tài sản của CBCC cần xử lý thật nghiêm minh những người vi phạm, thu hồi tài sản trả cho nhà nước. Nhưng tôi thấy lâu nay khi đã phát hiện ra tham nhũng và tài sản bất minh thì chưa thu hồi được bao nhiêu.

Khi phát hiện hay có dư luận về một ai đó, nhất là với những người có chức có quyền từng giữ vị trí cao trong xã hội, cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, điều tra, làm rõ nguồn gốc tài sản đó. Người có tài sản phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh nguồn gốc tài sản đó của anh ở đâu mà có.

Phải “thổi còi” ngay

Dư luận cho rằng, việc kê khai của chúng ta hiện nay có phần hình thức, cho nên cần thay đổi cách kê khai và phải công khai rộng rãi hơn?

Thường thì mỗi lần có bầu cử, ứng cử ĐBQH, HĐND, đề bạt, bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng, hay trước mỗi kỳ đại hội thì người ta mới kê khai. Kê khai xong rồi cũng để đấy thôi. Không có ai đi điều tra xem việc kê khai như thế đó đúng hay sai, trước nay chưa có ai đi kiểm tra như thế cả.

Cần xác minh nghi vấn tài sản dù đương chức hay về hưu ảnh 3

Biệt thự được cho là của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Ảnh: S.H

Tức là vẫn kê khai theo nhiệm kỳ hoặc đột xuất khi bổ nhiệm ai đó. Chúng ta cần có kê khai định kỳ, hàng năm, để xem tài sản của anh tăng lên bao nhiêu. Có cán bộ cấp phòng ở một đô thị nọ, một năm tài sản tăng lên cả chục tỷ đồng. 

Cái đó chắc không thể bình thường được, nếu anh không chứng minh được đó là tài sản chính đáng. Anh là CBCC thu nhập cao lắm thì 10 triệu đồng/tháng, vậy số tăng lên đó anh phải giải trình ở đâu ra.

Cho nên để thực chất, tài sản phải kê khai hàng năm, phải được kiểm tra, kiểm soát. Các nước yêu cầu hàng năm có cơ quan kiểm soát tài sản CBCC, khi thấy khối tài sản lớn lên mà anh không chứng minh được thì người ta thổi còi ngay.

Không phải về nghỉ rồi thì thôi

Vậy với những CBCC đã về nghỉ rồi mà mới phát hiện ra có tài sản tăng lên bất thường - như dư luận đang đặt dấu hỏi về một nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý như thế nào?

Tôi nghĩ dù đương chức hay về hưu thì vẫn có cơ quan quản lý. Không phải anh về nghỉ hưu rồi thì thôi. Anh vẫn phải sinh hoạt ở một địa phương nào đó, chính cơ quan, tổ chức ở địa phương ấy phải làm rõ.

Còn nếu anh là đối tượng thuộc trung ương quản lý thì chính những cơ quan này phải có trách nhiệm. Tôi nghĩ, khi có dư luận về cán bộ, Ủy ban Kiểm tra trung ương có thể vào cuộc để làm rõ những vấn đề mà dư luận đang đặt ra. Nếu cơ quan có chức năng chứng minh được khối tài sản của anh tăng lên trong quá trình làm việc, do vi phạm mà có, thì phải đưa ra ánh sáng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG