Cần một loài người khác?

TP - Vừa đọc trên báo: “Ngày 9/12, nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, các vật liệu do con người tạo ra đã có tổng khối lượng lớn hơn các sinh vật sống trên Trái Đất”. Người đưa tin thể hiện độ thảng thốt nhất định. Còn tôi thì cũng hơi ớ ra, tưởng các thứ nhân tạo phải vượt quá tự nhiên từ lâu rồi chứ!??

Kể ra Trái Đất cũng thật bao dung và kiên nhẫn với những thực thể nhỏ bé là con người. Chúng ta từ chào đời cho tới khi nhắm mắt xuôi tay không ngừng bòn rút, đào bới, cưa xẻ, xây cất rồi lại phá bỏ, lặp lại quy trình… từ đời này sang đời khác, vậy mà mãi vẫn chưa hết tài nguyên (!). Mãi đến hôm kia nhân loại mới “làm nên chuyện”, thể hiện vị trí ra gì của mình trên mặt đất. Một tiến bộ rất đáng kinh hãi vì đầu thế kỉ XX, khối lượng vật liệu nhân tạo chỉ bằng 3% khối lượng sinh vật sống.

 Bài báo cho biết cứ 20 năm, khối lượng đường sá, các công trình hoặc vật liệu do con người tạo ra lại tăng gần gấp đôi, hiện nặng khoảng 1.100 tỉ tấn, ước tính sẽ tăng lên 3.000 tỷ tấn vào 2040. Nông nỗi này chủ yếu do việc chuyển đổi nguyên liệu xây dựng từ gạch sang bê tông từ giữa thế kỷ 20.

Và tất nhiên song song với tiến trình nhân tạo, khối lượng sinh vật sống đã giảm 50% kể từ thời đại nông nghiệp, nay chỉ còn 1.000 tỷ tấn. Trái Đất đã bắt đầu chật, nói cách khác loài người đang tiến tới hoàn tất nhiệm vụ quét sạch sự sống nơi đây, bao gồm cả chính mình. Vì rõ ràng là chúng ta tiến hóa, văn minh đến đâu thì cũng vẫn chỉ ăn cây, con chứ nào ăn được bê-tông hay nhựa đường (trừ một số tội phạm tham nhũng).

Tác giả nghiên cứu Emily Elhacham (Israel) cảnh báo, con người không thể chối bỏ vai trò then chốt trong thế giới tự nhiên và phải “cùng chịu trách nhiệm cho hành động của mình”. Khốn thay con người là thực thể làm chủ tối cao trên Trái Đất rồi(?). Họ đâu còn ai để chịu trách nhiệm ngoài con cháu mình?!

Ba mươi năm trước, khái niệm dấu chân sinh thái (ecological footprint) được các nhà khoa học Anh đưa ra để thể hiện khả năng tái sinh của Trái Đất nhằm phục vụ con người. Đây là thước đo nhu cầu của con người căn cứ trên các diện tích đất, nước có khả năng cung cấp thực phẩm, gỗ, mặt bằng xây dựng, khả năng hấp thụ cacbon điôxít, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải… Đơn vị tính là gha (global hecta) tương đương một ha diện tích đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của con người. Con người càng khai thác quá đà, lượng gha càng giảm.

Kịch bản xấu nhất nhưng dễ xảy ra nhất cho diễn biến dấu chân sinh thái toàn cầu: Nếu xu hướng tăng dân số, tăng tiêu thụ thực phẩm, len sợi và phát thải cacbonic tiếp tục như hiện nay thì đến 2050, loài người sẽ cần một lượng gha gấp đôi khả năng cung ứng của tự nhiên hiện nay. Hiểu nôm na là lúc đó phải cần thêm một Trái Đất nữa thì nhân loại mới sống nổi. Còn Trái Đất, để sống còn có khi cũng đang xúc tiến tìm một “loài người” khác rồi cũng nên?! Dù sao thì nhu cầu của con người lúc này cũng đã vượt quá sức chịu tải của hành tinh 1,4 lần.

Con người đang sống một cách thừa mứa mà không cần gắng sức như các thế hệ trước đây. Đơn cử vài chục năm trước, một chiếc xe máy tương đương cái nhà thì ngày nay một người trung lưu thừa khả năng mua vài xe máy. Còn người giàu đồng nghĩa với có vài căn nhà không ở tới… Rồi một ngày nhìn quanh bỗng thấy mình có tất cả, có điều toàn là đồ nhân tạo bao gồm chính mình. Khi đó người thật đã bị thay bằng người máy cả rồi.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.