Tàu thép ước mơ thành hiện thực – Bài 4:

Cần lộ trình làm chủ tàu thép

Hầu hết các địa phương chỉ có cơ sở đóng sửa tàu vỏ gỗ, rất hiếm cơ sở đóng, bảo dưỡng tàu vỏ thép. ảnh: NGUYỄN HUY
Hầu hết các địa phương chỉ có cơ sở đóng sửa tàu vỏ gỗ, rất hiếm cơ sở đóng, bảo dưỡng tàu vỏ thép. ảnh: NGUYỄN HUY
TP - Tàu vỏ thép là cần thiết để nâng cao năng lực, trình độ đánh bắt ngư dân, đảm bảo an toàn, ổn định hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, ngư dân cần có lộ trình “chuyển giao công nghệ”, làm chủ tàu vỏ thép phù hợp.

Không chỉ là chuyện vỏ tàu

Quyền chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh cho rằng, đầu tư tàu công suất lớn, vỏ thép cho ngư dân là chủ trương cấp thiết, nhưng cần đồng bộ. Ngư dân muốn tiếp cận tàu vỏ thép đòi hỏi tiếp cận kỹ năng đánh bắt hiện đại, chuyên nghiệp, một nền “công nghiệp đánh cá” đúng nghĩa. Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam Lê Ngọc Phước cảnh báo cần tránh tâm lý ồ ạt đóng tàu vỏ thép theo phong trào, khi chưa hội đủ điều kiện cần thiết.

Đà Nẵng từng có thời kỳ chủ trương ồ ạt đóng tàu lớn để vươn khơi, đánh bắt bảo vệ chủ quyền. Ngư dân mạnh dạn hưởng ứng. Nhưng đầu tư không đồng bộ, ngư dân chưa thông thạo luồng cá, tập quán ngư trường, dự báo luồng cá, khiến nhiều tàu phá sản, không ít người phải bán nhà bù lỗ. 

Tàu vỏ thép, tàu công suất lớn yêu cầu kỹ năng hàng hải, khai thác, vận hành máy móc cao hơn. Theo ông Lĩnh, Nhà nước lên lập các trung tâm dự báo ngư trường, đánh giá trữ lượng thủy sản, từ đó mới có quy hoạch tổng thể, vùng nào, nghề nào phát triển tàu vỏ thép, vỏ gỗ, khai thác bao nhiêu thì phù hợp.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đồng tình: Nếu cứ tập trung phát triển tàu to, tàu vỏ sắt mà hạ tầng không đồng bộ, thì cũng không mang lại hiệu quả. Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc đóng tàu vỏ thép, trước hết cần nghiên cứu, lựa chọn những mẫu tàu phù hợp với từng lĩnh vực, ngư trường đánh bắt, vừa đảm bảo quy phạm kiểm định, vừa phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân. Các địa phương lo ngại, hạ tầng công nghiệp đóng tàu còn yếu, thiếu. Nhiều tỉnh, thành “trắng” cơ sở đóng sửa tàu thép cho ngư dân.

Ông Trương Công Minh (Thanh Khê, Đà Nẵng), Chủ tàu cá ĐNa 90304TS nhận định, trước khi tính chuyện đóng tàu vỏ sắt, bắt phải tính đến bài toán hậu cần, đầu ra cho ngư dân. Giá hải sản những năm gần đây liên tục rớt mạnh khiến ngư dân vẫn bị lỗ tổn, đuối sức bám biển.

Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... nhiều địa phương không có khu neo đậu tàu thuyền, luồng lạch bị bồi lấp, nên tàu lớn càng khó ra vào.

Lộ trình chuyển giao công nghệ

Theo ông Lê Văn Tiến (Xuân Hà, Thanh Khê), chủ tàu ĐNa 90052, ngư dân hưởng ứng chủ trương tàu vỏ thép, nhưng chưa biết hình hài tàu ra sao, cách vận hành thế nào. Để ngư dân làm chủ tàu thép, cần có thời gian học tập, chuyển giao công nghệ, “làm thuê” trên những con tàu này. 

Nhiều ngư dân cũng cho rằng: vốn đầu tư tàu sắt quá lớn 7-10 tỷ đồng, cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân chặt chẽ, nhất là vấn đề công nghệ, kỹ năng đánh bắt hiện đại, đồng thời đề xuất Nhà nước cần xây dựng những đội tàu sắt kiểu mẫu, rồi giao cho ngư dân dưới dạng thuê khoán. 

Ngư dân vừa đánh bắt vừa học tập. Lợi nhuận minh bạch, có hiệu quả, thì không cần hỗ trợ vốn, ngư dân cũng mạnh dạn đầu tư. Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng: nên tổ chức thí điểm triển khai đội tàu vỏ thép trong vài ba năm rồi đánh giá, có kế hoạch phù hợp tiếp theo.

Ông Hà Sơn Hải - Tổng giám đốc Tổng Cty Sông Thu (Đà Nẵng) cho rằng: Việc đóng tàu sắt từng bước, sự liên kết 4 nhà: nhà máy - bảo hiểm - ngân hàng - ngư dân. Trước mắt nên thí điểm từ những con tàu hậu cần, tàu cấp dầu.

Trao đổi với Tiền Phong bên lề buổi làm việc Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh với TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay: Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đầu tư 6 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với ngư trường trọng điểm ở nhiều vùng miền trong cả nước. 

Trong đó, trung tâm hậu cần nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa; Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ; Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ; 

Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản ĐBSCL. Trên cơ sở này, các địa phương sẽ có quy hoạch chi tiết để mời gọi đầu tư. Dự kiến năm 2015, Bộ thí điểm trung tâm hậu cần nghề cá tầm quốc gia khu vực miền Trung gắn với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.