Cách nào phòng ngừa những đối tượng như Trịnh Xuân Thanh?

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, thực tiễn vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn cho thấy cần phải có giải pháp khắc phục.
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, thực tiễn vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn cho thấy cần phải có giải pháp khắc phục.
TP - Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh điều hành doanh nghiệp gây thua lỗ nhưng vẫn được đưa vào lộ trình quy hoạch, luân chuyển cán bộ, đến khi pháp luật vào cuộc thì lại bỏ trốn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc sửa đổi luật.

Quy định về “dấu hiệu bỏ trốn”

Theo ông Lê Thanh Vân, trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về sửa đổi BLHS chưa đề cập đến mối quan hệ với Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. “Sửa đổi BLHS thì ba luật trên sẽ thế nào, có phải sửa không”, ông Vân đặt vấn đề và dẫn chứng việc báo cáo thẩm tra đề xuất lấy lại quy định về “dấu hiệu bỏ trốn” vốn đã từng được quy định trong BLHS năm 1999. Nhưng nếu đưa quy định trên vào thì nó sẽ tác động thế nào đến quy trình điều tra hình sự, ngăn chặn việc nghi can tội phạm bỏ trốn.

Thực tiễn, theo ông Vân vì pháp luật không có quy định chặt chẽ nên đã dẫn đến trường hợp như của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. “Vụ ông Trịnh Xuân Thanh, mặc dù các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng dấu hiệu vi phạm pháp luật là có. Vì thế yêu cầu đặt ra phải có biện pháp ngăn chặn thế nào cho phù hợp? Thẩm quyền điều tra của các cơ quan tố tụng ra sao để chúng ta có thể khắc phục ngay thực tiễn vừa diễn ra trước mắt qua vụ việc Trịnh Xuân Thanh”, ông Vân nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Bộ luật Hình sự, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số các ý kiến trong ủy ban tán thành với việc lấy lại “dấu hiệu bỏ trốn” quy định tại Điều 140 của BLHS năm 1999. Việc BLHS năm 2015 bỏ dấu hiệu “bỏ trốn” trong cấu thành tội phạm dẫn đến rất khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bổ nhiệm sai, có phạm tội hình sự?

Một vấn đề khác được ông Vân đề nghị lưu tâm, là việc dư luận đang bức xúc trước hiện tượng lạm dụng quyền lực, chiếm đoạt quyền lực, bổ nhiệm người nhà, người thân. Đây là thực trạng đã diễn ra từ lâu, tích lũy nhiều năm và vừa qua mới vỡ ra. Nguyên nhân được ông Vân chỉ ra là do người đứng đầu cơ quan có quyền lực, sử dụng quyền lực đó một cách trá hình dưới nhiều hình thức và hợp thức bằng quy trình để bổ nhiệm người không xứng đáng, người thân vào các cơ quan.

“Tôi nói thật khi báo chí phản ánh thì nhân dân, cử tri rất bức xúc. Điển hình nhất như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh. Một người mà có quá trình sai phạm rất nhiều, tích lũy sai phạm ngày càng lớn thế mà vẫn được đưa vào lộ trình quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Đấy có phải là hành vi tội phạm không, tôi nghĩ chúng ta cần phải nhận diện vấn đề trên khi sửa đổi BLHS”, ông Vân kiến nghị.

Không phải chỉ xử lý tội phạm

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đối với mỗi cộng đồng dân cư có nhận thức về pháp luật khác nhau cần có chính sách xử lý hình sự khác nhau vì không phải mọi người đều được bình đẳng trong giác ngộ, trang bị kiến thức về pháp luật. Ông Lâm kể, đi kiểm tra án tham nhũng, có những vụ vi phạm của cán bộ xã thấy đau lòng vì bản chất là không hiểu biết về pháp luật. Hay tội ma túy ở các vùng đồng bào dân tộc, nếu cứ áp luật bình thường mà so thì gần như toàn bộ thanh niên trong làng đều là tội phạm. “BLHS xây dựng không phải chỉ để xử lý tội phạm, không phải chỉ là quy định về hình phạt mà quan trọng là phải giúp ngăn chặn tội phạm, phòng ngừa tội phạm nhưng liều lượng quy định về ngăn chặn, phòng ngừa chưa được chú trọng - mới chỉ tập trung nhiều vào phần xử lý tội phạm”, Bộ trưởng Công an nói.

Đề cập đến quy định Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, ông Vũ Trọng Kim (Hải Dương) lưu ý, khi xử lý vấn đề trên không thể bỏ qua vấn đề thể nhân trong pháp nhân. Ví dụ, một công ty có hành vi làm ô nhiễm môi trường thì công ty đó sẽ bị xử lý. Nhưng cũng cần phải cụ thể hóa hành vi phạm tội của các cá nhân để từ đó buộc tội, chứ không thể vì pháp nhân mà bỏ qua thể nhân. “Nếu chúng ta quy định không rõ thì cá nhân dễ trốn trách nhiệm vào trong pháp nhân”, ông Kim nói và dẫn chứng, khi xảy ra vụ Formosa, nhà đầu tư đã khắc phục hậu quả gây ra. Nhưng đó chỉ là pháp nhân, còn các cá nhân thì sao? “Đây là điều mà xã hội đang rất quan tâm”, ông Kim nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị khi sửa đổi BLHS cần quy định rõ, cá biệt hóa dấu hiệu của tội phạm, các yếu tố cấu thành tội phạm. Ví dụ như vụ Formosa, mặc dù do việc dừng lại các quy định của BLHS nên chưa xử lý pháp nhân. Nhưng nếu có thì dấu hiệu phạm tội của pháp nhân như thế nào? Trong đó mặt chủ quan, yếu tố lỗi từ tâm lý, ý định chủ quan ra sao? Hay vụ hồ thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh), cứ nói là đúng quy trình nhưng yếu tố lỗi chủ quan ra sao? “Những điều đó cần phải làm rõ trong phần chung của dự thảo luật. Có như thế thì mới góp phần để các cơ quan pháp luật nhận diện đúng tội phạm”, ông Vân nói.

MỚI - NÓNG