Bộ Y tế cập nhật thông tin mới nhất về dịch corona

Người dân Thủ đô đeo khẩu trang tại nơi công cộng ảnh: mạnh thắng
Người dân Thủ đô đeo khẩu trang tại nơi công cộng ảnh: mạnh thắng
TP - Việt Nam chưa có ca bệnh trong cộng đồng. Thông tin trên được PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết tại cuộc họp báo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới. Tuy nhiên, dịch đang diễn biến quá nhanh và cần các biện pháp phòng chống quyết liệt từ cộng đồng. 

Tại Việt Nam có 5 trường hợp đều là ca xâm nhập từ Vũ Hán, Trung Quốc về. Trường hợp một bệnh nhân (là người con của bệnh nhân mắc corona) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là do tiếp xúc gần. TS Phu khẳng định: “Việt Nam chưa có ca bệnh lây lan trong cộng đồng. Điều này rất quan trọng, cho thấy chúng ta đang đáp ứng tốt với phòng dịch. Do chưa phát hiện ca lây lan trong cộng đồng nên Bộ Y tế chưa khuyến cáo ngành Giáo dục cho học sinh nghỉ học. Nếu có học sinh mắc bệnh ngành y tế sẽ kiểm soát chặt ca bệnh và người tiếp xúc, khi cần thiết sẽ cho học sinh nghỉ học”.

Về việc người dân có nên tụ tập đi lễ hội hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện tại virus corona mới còn nhiều ẩn số, nếu không có việc, người dân không nên đến chỗ đông người. Nếu không khẩn cấp cũng không tổ chức các sự kiện đông người, kể cả lễ hội để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. “Dịch đến đâu Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu, căn cứ vào tình hình dịch bệnh lây lan. Nếu có sự lây lan khác thì sẽ có các động thái xử lý tiếp theo”- ông Phu nói.

Bà Satoko, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, ngày 30/1 Tổng Giám đốc của WHO đã triệu tập cuộc họp và công bố dịch virus corona mới là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu gây quan ngại quốc tế. Quyết định này dựa trên các yếu tố như nguy cơ lây lan quốc tế và sự phối hợp toàn cầu trong nỗ lực đáp ứng dịch. “WHO rất hiểu sự lo lắng của dân chúng về việc công bố sự kiện này. Tuy nhiên đây không phải nâng cấp độ nguy cơ hay đe dọa trên toàn cầu vì phần lớn ca bệnh vẫn chỉ ở Trung Quốc. Ý nghĩa của việc công bố sự kiện này nhằm khẳng định, cần sự hỗ trợ toàn cầu để đáp ứng dịch bệnh và đưa ra biện pháp tốt nhất chống lại dịch bệnh”, bà Satoko chia sẻ.

“Chúng tôi đánh giá rất cao và tin tưởng Chính phủ, ngành Y tế Việt Nam trong việc phát hiện, giám sát và điều trị bệnh”, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp của WHO nói. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi nào Việt Nam công bố tình trạng y tế khẩn cấp, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, đây là lần thứ 6 WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng Việt Nam và nhiều nước chưa từng công bố tình trạng khẩn cấp, chưa đóng cửa biên giới. Theo ông Phu, ngành Y tế đã thực hiện nhiều hoạt động mạnh mẽ đáp ứng công bố khẩn cấp y tế toàn cầu của WHO từ trước khi WHO ra quyết định đó. “Việt Nam chỉ đưa ra công bố khẩn cấp khi không đáp ứng được tình hình phòng dịch bệnh”, TS Trần Đắc Phu thông tin.

Sẽ đáp ứng đủ thuốc, khẩu trang

Về nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế phòng chống dịch bệnh, TS Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay việc cung cấp khẩu trang cho người dân khó khăn do các đơn vị sản xuất chưa hoạt động vì chưa có nhân công. Nhiều đơn vị thông báo ngày 7/2 mới trở lại sản xuất. Chúng tôi đã yêu cầu trong thời gian tới các doanh nghiệp phải đảm bảo giá, không bán cho những đơn vị gom hàng tăng giá. Ưu tiên cho các cơ sở y tế để phòng chống dịch. Hiện có hơn 30 đơn vị sản xuất khẩu trang, đáp ứng được nhu cầu trong nước”. Tuy nhiên, ông Hiếu thừa nhận, có tình trạng gom hàng nâng giá khẩu trang trong thời gian qua.

Trả lời thắc mắc về việc sử dụng loại khẩu trang nào phòng dịch an toàn, ông Phu cho hay: “Hiện dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng nên dùng khẩu trang y tế tại những nơi đông đúc và phương tiện công cộng, trong bệnh viện. Thậm chí có thể dùng khẩu trang vải để phòng bệnh nhưng phải giặt hàng ngày. Bộ Y tế khuyến cáo những người đi vào ổ dịch, nhân viên y tế mới dùng khẩu trang N95. Người dân không nên hoang mang khi sử dụng khẩu trang y tế vì đó là loại đáp ứng tốt phòng dịch ở cộng đồng”.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, để hỗ trợ người dân tiếp cận đường dây nóng 19003228 phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp miễn cước gọi đến số dịch vụ này trong vòng 3 tháng và bắt đầu từ 0h ngày 1/2/2020. Trước đó, Bộ Y tế đã công bố đường dây nóng 19003228 tiếp nhận thông tin về phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Tuy nhiên, một số ý kiến phản ánh khi gọi tới số đường dây nóng 19003228, tổng đài viên thông báo cước phí cuộc gọi là 5.000 đồng/phút.

Liên quan đến thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc virus corona mới, Phó cục trưởng cục quản lý Dược cho biết, thế giới chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị virus này. Bác sĩ hiện điều trị triệu chứng của bệnh nhân như thuốc giảm ho, thuốc hạ sốt, dịch truyền. Trong trường hợp bệnh nhân rối loạn điện giải, dinh dưỡng được truyền điện giải. Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bác sĩ sẽ dùng kháng sinh đặc trị. Những loại thuốc này hiện được các bệnh viện điều trị hàng ngày cho nhiều bệnh nhân khác. Nguồn thuốc đáp ứng đủ cho vụ dịch. Nếu thiếu thuốc sẽ đấu thầu khẩn cấp để đủ thuốc cung ứng cho điều trị.

TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, dịch đang phức tạp và ngành Y chưa thật rõ ràng về loại virus này nên người dân không tụ tập đông người, không nên tổ chức lễ hội du xuân. Bộ Y tế sẽ có tham mưu thêm cho Chính phủ để có những quyết định hợp lý nhất.

MỚI - NÓNG