Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ: SGK không phải viết xong là phát hành

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
TPO - Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã dành nhiều thời gian nói về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và vấn đề sách giáo khoa (SGK).

Băn khoăn nhất vẫn là vấn đề SGK

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh “điều băn khoẳn nhất của tôi vẫn là vấn đề SGK”. Cụ thể, điều 31, về chương trình giáo dục phổ thông, quy định mỗi môn học có một hoặc một số SGK, thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK. Trong khi đó, Nghị quyết T.Ư không nói cụ thể như thế, còn Nghị quyết Quốc hội là cụ thể hóa Nghị quyết của T.Ư. Không thể nói ban soạn thảo thoát ly quan điểm của Nghị quyết T.Ư.

Theo bà Ngân, một số vấn đề có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra lại không mâu thuẫn. Ví dụ, Bộ GD&ĐT thực hiện biên soạn 1 bộ SGK, bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Còn việc lựa chọn sử dụng giảng dạy là việc của mỗi trường sau khi tham khảo ý kiến của phụ huynh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

“Quy định như vậy thì phức tạp quá. Làm sao mà cha mẹ học sinh nói nên chọn sách nào được. Rồi lại có xu hướng chạy để bộ sách của mình sử dụng ở trường này, tỉnh nọ. Vậy có lãng phí không?

Thêm nữa, có những môn học không thể có nhiều bộ sách. Ví dụ như lịch sử Việt Nam, có thể có câu chuyện minh họa, bổ sung, nhưng lịch sử Việt Nam thì có ai dám biên soạn khác hay không? Hay như địa lý Việt Nam, núi non, sông ngòi, làm sao một môn học có nhiều sách giáo khoa được? Không được!”, bà Ngân quả quyết.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, đây là vấn đề cử tri rất quan tâm, vì trong thời gian vừa qua, SGK không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, có nhiều sách tham khảo bắt học sinh phải mua, gây bức xúc xã hội.

“Đây là nội dung rất quan trọng, nhưng trong Điều 31 dự thảo quy định “mỗi môn học có một hoặc một số SKG”. Như vậy tính tất cả các bậc học thì mỗi môn học có 1 hoặc 1 số SGK, còn cơ sở giáo dục thì lựa chọn trên cơ sở tham khỏa ý kiến giáo viên, cha mẹ học sinh… Nếu quy định như dự thảo thì có thể lãng phí, chưa định hướng được cấp bậc học tiểu học, mầm non. Còn đến cấp 3, THPT thì chúng ta hướng nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để cho hướng nghiệp thì có thể có nhiều bộ sách để tham khảo thì có thể phù hợp”, ông Chiến nêu băn khoăn.

Bộ trưởng hướng dẫn chọn SGK

Xoay quanh nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình lý giải, vấn đề đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT có nhiều thay đổi trong cách học, cách dạy. Như vậy, quan trọng là chuyển từ giảng dạy kiến thức qua đánh giá, đào tạo năng lực cho học sinh. Vì thế, điều quan trọng nhất là chương trình GDPT là pháp lệnh, còn SGK chỉ là công cụ, tài liệu giảng dạy chứ không phải duy nhất. Có thể trên một kiến thức nhưng nhiều nguồn, có thể sử dụng kiến thức trên internet để giảng dạy.

Ông Bình cho hay, việc thực hiện chương trình GDPT sẽ thống nhất trên toàn quốc. Điều này rất quan trọng, nên Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành 1 chương trình thống nhất, quy định cụ thể chi tiết. Trên cơ sở đó mới viết SGK cụ thể chương trình.

“SGK không quyết định chương trình mà chương trình quyết định SGK. Hiện Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình tổng thể, đang xây dựng chương trình từng môn, đã xong chương trình môn học. Trên chương trình đó mới viết SGK và trên chương trình có sẽ có nhiều người viết nhưng phải đúng chuẩn, được hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và công bố. Luật quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chương trình GDPT và chất lượng SGK. Còn lựa chọn SGK thì Bộ trưởng hướng dẫn chọn thế nào”, ông Bình cho hay.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, việc đổi mới chương trình GDPT lần này rất khác. SGK là cơ sở pháp lý để tất cả công việc phải đi theo. Lần này phát triển phẩm chất năng lực. Nội dung quan trọng là soạn chương trình GDPT và chương trình các môn học. Các chuyên gia thống nhất 80% thống nhất toàn quốc, 20% là địa phương. Chương trình tổng thể, môn học, soạn xin ý kiến rất kỹ. Cho đến nay, các địa phương, cơ sở giáo dục đã bắt đầu triển khai”, ông Nhạ cho hay.

SGK khác lần trước là cụ thể hóa chương trình có tính pháp lệnh thống nhất trong toàn quốc, và người dạy theo chương trình mới không nhất thiết bám chặt vào SGK, ngoài ra còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp. Vì mục đích chính của đổi mới lần này là đổi mới dạy và học.

Bộ trưởng Nhạ cũng cho hay, trong quá trình chuẩn bị, biên soạn SGK rất chi tiết, huy động các nhà khoa học, nhà giáo, khác hẳn phát hành sách thông thường. Bộ chỉ đạo biên soạn để có một bộ sách chủ động khi đến tiến độ thì có sách rồi đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn nhưng phải bám vào chương trình, quy trình thủ tục biên soạn theo thông tư.

“Khi có bản thảo rồi thì có Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, đảm bảo công bằng giữa các bộ sách. Có điều kiện tiêu chuẩn người viết sách giáo khoa chứ không phải ai cũng biên soạn. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ ký ban hành sách đó sau khi thẩm định chứ không phải viết xong là phát hành”, ông Nhạ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG