Bộ Tài chính quyết không giảm thuế với quặng sắt thô

TPO - Theo Bộ Tài chính, quặng sắt qua tinh chế có giá gấp 200 lần quặng sắt thô xuất khẩu, nên việc giảm thuế xuất khẩu cho quặng sắt thô là không hợp lý, và không khuyến khích được việc đầu tư cho công nghệ tuyển quặng.

Bộ Công Thương cho rằng, hiện các doanh nghiệp khai thác quặng sắt tồn kho lớn, do nhu cầu trong nước giảm. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu quặng sắt tồn kho, quặng sắt limonit trong nước không sử dụng hết; quặng sắt manhetit. Thời gian xuất khẩu tới hết năm 2017. 

Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép giảm thuế xuất khẩu đối với quặng sắt chế biến chất lượng cao, nếu sản phẩm này được phép xuất khẩu.

Bộ Tài chính cho rằng, hiện thuế xuất khẩu với quặng sắt và tinh quặng sắt là 40% - bằng mức trần khung thuế suất do Quốc hội quy định.

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến quặng sắt có hàm lượng cao từ quặng sắt nghèo, Bộ Tài chính đề xuất phương án chi tiết dòng thuế riêng cho tinh quặng sắt đã qua chế biến, với mức thuế xuất khẩu thấp hơn 40%. 

Riêng với các quặng và tinh quặng sắt chưa qua chế biến, hoặc không đáp ứng tiêu chí kỹ thuật về tuyển quặng vẫn giữ nguyên mức thuế xuất khẩu 40% hiện hành. Mức thuế xuất khẩu cao với tài nguyên khoáng sản ở dạng thô, chế biến đơn giản để hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản.

Bộ Tài chính sẽ tổng hợp kiến nghị của Bộ Công Thương để đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 122/2016, để trình Chính phủ trong tháng 9/2017.

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất khai thác các mỏ quặng sắt đã được cấp phép khoảng 13 triệu tấn/năm. Trong khi các lò cao trong nước phần lớn quy mô nhỏ, tiêu hoa nhiên liệu lớn, dẫn tới hoạt động không hiệu quả nên đã dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Các lò cao hoạt động liên tục, có hiệu quả hiện chỉ có tổng công suất khoảng 2,6 triệu tấn phôi thép/năm, sử dụng lượng quặng sắt khoảng 4,6 triệu tấn/năm.

Trong khi quang sắt chủ yếu khai thác ở khu vực miền núi phía Bắc, điều kiện khai thác khó khăn, chi phí vận tải lớn, chất lượng quặng thấp, nên giá thành sản xuất cao. 

Một số thời điểm giá quặng sắt trên thị trường thế giới giảm sâu, nên năm 2016 Cty CP Gang thép Hòa Phát đã chuyển sang sử dụng nguồn nhập khẩu với khối lượng trên 1 triệu tấn, thay vì sử dụng quặng sắt trong nước.

Do tiêu thụ trong nước khó khăn, tới hết tháng 11/2016, quặng sắt tồn kho trên cả nước khoảng 1,9 triệu tấn. 

Trước đó, Cty CP Phát triển số 1 (Yên Bái) và tỉnh Yên Bái cũng có đề nghị cho phép công ty này xuất khẩu lượng quặng thép tồn kho, và được ưu đãi thuế xuất khẩu. Sau đó, Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu tới hết năm 2017. Nhưng tới nay công ty này chưa xuất khẩu được lô hàng nào, do thuế xuất khẩu cao, công ty bị lỗ.

Theo Bộ Tài chính, quặng sắt Cty CP Phát triển số 1 được phép xuất khẩu là quặng nghèo, hàm lượng sắt thấp. Nhưng nếu đưa vào dây chuyền sản xuất với 9 công đoạn giá sẽ tăng hơn 200 lần. Quặng thô có giá từ 7.400 – 15.000 đồng/tấn, chỉ dùng san lấp mặt bằng, qua chế biến giá quặng sắt cô đặc khoảng 3 triệu đồng/tấn.

Trong khi Cty CP Phát triển số 1 đã đầu tư dây chuyền tuyển quặng khá hoàn chỉnh, đồng bộ để tuyển quặng sắt hàm lượng sắt từ 16-18%, thành quặng hàm lượng sắt trên 68%, có giá trị kinh tế cao. Điều này đã được đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương kiểm tra, báo cáo Thủ tướng. 

Vì vậy, theo Bộ Tài chính, nếu sản phẩm của công ty này đạt các chỉ tiêu về hàm lượng sắt sau chế biến, sẽ được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu dưới 40%.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.