Biển quảng cáo bịt mặt cầu vượt: Cơ quan quản lý bất lực?

Biển quảng cáo bịt mặt cầu vượt: Cơ quan quản lý bất lực?
TP - Hơn 6 tháng trôi qua, hệ thống biển quảng cáo bịt mặt cầu vượt ở Hà Nội vẫn tồn tại và hoạt động cả đêm, ngày cho dù Giám đốc Sở VH-TT đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động này.

Theo Quy hoạch và Quy chế quản lý quảng cáo của UBND thành phố Hà Nội, không cho phép quảng cáo mặt ngoài cầu vượt và chiều cao biển quảng cáo không vượt quá lan can thành cầu. Tuy nhiên tại cầu vượt đi bộ trên đường Giải Phóng đoạn trước bệnh viện Bạch Mai, biển quảng cáo sản phẩm nước uống được lắp đặt ở mặt ngoài.

Chưa hết, chiều cao biển quảng cáo gấp đôi thành cầu vượt, chiếm toàn bộ mặt tiền của cầu, chắn tầm nhìn của người đi bộ. Ngoài ra, biển quảng cáo này dạng biển đèn hộp, phát sáng về đêm và vừa được thay đổi mẫu mã quảng cáo trong 1 vài tháng gần đây - tức là sau thời điểm (9/2019) ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội yêu cầu đơn vị quảng cáo phải dừng và tháo dỡ biển, hộp đèn do vi phạm quy định.

Tại cầu vượt đi bộ có mái che đoạn qua các khu vực nút giao Xã Đàn - Kim Liên, trước cổng trường Đại học Lao động và Xã hội (đường Trần Duy Hưng), trước ĐH Luật (đường Nguyễn Chí Thanh), trước ĐH Công đoàn (phố Tây Sơn), trước ĐH Điện Lực (đường Hoàng Quốc Việt)… biển quảng cáo các sản phẩm nước uống, xe ô tô và điện tử vẫn hiện diện và đặt lắp hoàn toàn phía mặt ngoài lan can, chiều cao khung quảng cáo cũng vượt quá lan can thành chớm tới mái cầu, bịt toàn bộ không gian người đi bộ nhìn ra phố. Tại các cầu vượt đi bộ không có mái che trên các tuyến phố Thái Thịnh - Thái Hà, Giảng Võ - Láng Hạ, Nguyễn Trãi, Liễu Giai, Võ Chí Công cũng đang hiện diện các biển quảng cáo từ năm 2019 đến nay, vị trí và diện tích lắp đặt đều nằm ở mặt ngoài và cao hơn cả lan can thành cầu vượt.

Biển quảng cáo bịt mặt cầu vượt: Cơ quan quản lý bất lực? ảnh 1 Biển quảng cáo về hãng hàng “Panasonic” trên cầu vượt Hà Nội được Sở VH-TT yêu cầu tháo dỡ, nhưng đơn vị quảng cáo chưa thực hiện

Được biết, năm 2017 lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định (không thông qua đấu thầu) giao Cty CP thương mại và truyền thông Vinasing (viết tắt Cty Vinasing) thực hiện dự án xây dựng 500 nhà vệ sinh, đầu tư 10 xe bồn, 50 cây lọc nước và 200 ghế gang đúc phục vụ công cộng trên địa bàn thành phố; tổng giá trị của dự án là 193 tỷ đồng. Để hoàn vốn dự án, doanh nghiệp thực hiện được phép khai thác quảng cáo trên hệ thống hơn 40 cầu vượt đi bộ hiện có trong vòng 10 năm. 

Về tiến độ thực hiện, quyết định trên nêu rõ: đến quý III/2017 phải hoàn thành. Với việc quảng cáo, chỉ được khai thác quảng cáo trên các cầu vượt khi đã bàn giao 2/3 số công trình. Tuy nhiên, đến nay thời điểm hoàn thành dự án đã qua hơn 2 năm nhưng ghi nhận đến ngày 7/2/2020, đơn vị thực hiện dự án là Vinasing mới bàn giao cho bên cho đơn vị quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng công cộng Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) 84/500 nhà vệ sinh, 5/10 xe bồn 1/50 cây nước.

Cầu vượt vẫn bị lạm dụng

Tại thời điểm tháng 9/2019, Vinasing đã chào bán quảng cáo trên 40 cầu vượt đi bộ, trong đó có các cầu vượt nêu trên, hiện nay vẫn đang thực hiện quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp. Tại vị trí cầu vượt đi bộ Trần Duy Hưng đoạn qua ĐH Lao động và Xã hội giá quảng cáo được Vinasing niêm yết và ghi “đã bán” là 200.000 USD/năm (4,6 tỷ đồng); mức giá này cũng được Vinasing đang áp dụng với 2 cầu vượt trên đường Nguyễn Chí Thanh đường Phạm Ngọc Thạch. Với biển quảng cáo tại cầu đi bộ trước bệnh viện Bạch Mai cũng được Vinasing niêm yết “đã bán” với 150.000 USD/năm (3,4 tỷ đồng). Với nguồn thu này, nếu cộng cả 40 cầu vượt đi bộ đã niêm yết giá bán quảng cáo nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp có thể nhanh chóng thu hồi vốn chỉ vài năm chứ không phải mất 10 năm như dự án đưa ra.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, việc thực hiện chủ trương xã hội để phát triển hạ tầng công cộng là chủ trương đúng của thành phố, tuy nhiên trong quá trình thực hiện quảng cáo trên cầu vượt đi bộ do đơn vị thực hiện là Vinasing có một số vi phạm về quảng cáo nên Sở VH-TT đã tạm thời dừng việc cấp phép quảng cáo tại 45 cầu vượt đi bộ đã giao cho Vinasing làm đối ứng dự án từ tháng 9/2019. Cùng với đó, yêu cầu Vinasing phải tháo dỡ các biển quảng cáo đã lắp đặt trên các cầu vượt đi bộ thời gian qua.

Khi chúng tôi đề cập và liệt kê hàng loạt cầu vượt vẫn đang thực hiện quảng cáo cả ngày và đêm (bằng hộp đèn), ông Tô Văn Động cho biết, ông vừa ký văn bản số 1149 yêu cầu Vinasing tháo dỡ toàn bộ các biển quảng cáo này.

Các chuyên gia giao thông, quảng cáo cho rằng, sự việc diễn ra sờ sờ trên đường phố và đập vào mắt nhiều người đi đường nhưng từ thành phố cho đến cơ quan quản lý chuyên ngành là Sở VH-TT Hà Nội dường như lại không hay biết, để cho hàng chục cầu vượt đi bộ bị xâm hại lạm dụng.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.