Bị VCCI 'tố' vi phạm nghị quyết của chính phủ, Hải Phòng nói gì?

Bị VCCI 'tố' vi phạm nghị quyết của chính phủ, Hải Phòng nói gì?
TP - Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói: “Chúng tôi thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”.

Doanh nghiệp quan ngại

Theo ông Tùng, kể từ ngày 1/1/2017, khi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực, Hải Phòng bắt đầu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển. Trước đó từ 13/12/2016, HĐND TP đã ra nghị quyết về thu phí phí sử dụng hạ tầng cảng biển, trong đó quy định 3 mức thu phí đối với 3 loại hàng hoá. Cụ thể, mức phí với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu là 250.000-500.000 đồng/container (20 feet và 40 feet); hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu từ 500.000-1.000.000 đồng/container; hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan từ 2,2-4,8 triệu đồng/container. Hải Phòng đã giao cho UBND quận Hải An thực hiện việc thu phí.

Tuy nhiên, ngày 6/2, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã báo cáo Thủ tướng cho rằng việc Hải Phòng thực hiện thu phí cảng biển từ 1/1/2017 đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đang gây nhiều quan ngại cho các doanh nghiệp. Theo VCCI, mức phí mà Hải Phòng đặt ra tăng cao (gần 70%, thậm chí có loại gấp đôi) đối với những loại phí đang thu và bổ sung thêm loại phí mới. Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng tại cửa khẩu cảng Hải Phòng trong 3 năm liên tục điều chỉnh tăng lên, không phù hợp nguyên tắc xác định mức phí của Luật Phí và lệ phí.

Kiến nghị của VCCI cho rằng quy trình ban hành Nghị quyết 148 của Hải Phòng chưa phù hợp quy trình lấy ý kiến của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khoảng thời gian từ khi nghị quyết được ban hành (13/12/2016) đến thời điểm có hiệu lực (1/1/2017) chỉ có 17 ngày, không đủ cho doanh nghiệp chuẩn bị áp dụng chính sách mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải thêm thủ tục nộp phí mất thêm khá nhiều thời gian. VCCI đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Hải Phòng giải trình căn cứ đưa ra mức phí nếu không giải trình hợp lý, đề nghị giữ nguyên các mức phí trước thời điểm Nghị quyết 148 có hiệu lực. Nếu giải trình hợp lý, đề nghị kéo giãn thời gian áp dụng ít nhất là 6 tháng để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị.

Đúng căn cứ pháp luật?

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng Nghị quyết 148 của HĐND TP Hải Phòng được xây dựng đúng quy định của pháp luật. Theo ông Tùng, Hải Phòng ban hành nghị quyết căn cứ theo khoản 1 điều 21 và điều 22 của Luật Phí và lệ phí, UBND cấp tỉnh trình và HĐND quyết định mức thu phí thuộc thẩm quyền. Thông tư 250/2016 của Bộ Tài chính (ngày 11/11/2016) hướng dẫn về phí và lệ phí quy định phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh.

Trước đó, ngày 3/8/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh xây dựng mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích trong khu vực cửa khẩu. Bộ Tài chính cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh có cửa khẩu biên giới đất liền và cảng biển sớm trình HĐND cùng cấp ban hành nghị quyết về thu phí, mức thu tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của địa phương.

Ông Tùng cho rằng khoảng thời gian từ khi ban hành nghị quyết đến khi có hiệu lực (17 ngày) đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại khoản 1 điều 151 luật này quy định thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành không dưới 10 ngày. Đề án thu phí cảng biển đã được đăng liên tiếp 3 kỳ trên báo đài địa phương,  HĐND TP đã tổ chức 99 cuộc tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp  lấy ý kiến. Sau khi nghị quyết được ban hành, UBND TP đã tổ chức 3 hội nghị triển khai với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp. Hơn nữa, Luật Phí và lệ phí (trong danh mục có phí hạ tầng cửa khẩu) được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ 1/1/2017 là khoảng thời gian khá dài để các doanh nghiệp nắm bắt chứ không hề bất ngờ.

Không có chuyện phí chồng phí

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng, cho rằng trước khi xây dựng đề án thu phí cảng biển, Hải Phòng đã tham khảo mức phí của các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai. Theo ông Thành, mức phí mà Hải Phòng đặt ra thấp hơn so với Lào Cai 50-62%. Cụ thể, Lào Cai thu phí hàng xuất nhập khẩu 500 nghìn đồng/container 20 feet, 800 nghìn đồng/container 40 feet, trong khi đó Hải Phòng chỉ có mức thu đối với loại hàng này là 250-500 nghìn đồng/container. Hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, Lào Cai thu 4 triệu đồng/container 20 feet, 6 triệu đồng/container 40 feet nhưng Hải Phòng chỉ có mức thu từ 2,2-4,8 triệu đồng/container tương ứng.

Ông Thành cho biết việc chia mức thu phí chênh lệch giữa hàng xuất nhập khẩu và hàng tạm nhập tái xuất cao là do hàng xuất nhập khẩu đã được thu thuế khi thông quan còn hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu chỉ mượn đường của Việt Nam để chuyển đi nước khác, không phải chịu các sắc thuế xuất nhập khẩu.

Theo ông Thành, phí cảng biển mà Hải Phòng thực hiện thu từ 1/1/2017 là khoản thu của ngân sách địa phương nhằm tạo nguồn thu để đầu tư trở lại, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội. “Việc thu phí này phù hợp với quy định của pháp luật, chứ không phải tình trạng phí chồng phí. Các khoản thu này là một phần bù đắp để đầu tư khắc phục tình trạng hư hỏng đường sá, giảm ùn tắc giao thông, khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động cảng biển gây ra”-ông Thành nói.       

Việc thu phí cảng biển từ 1/1/2017 làm nóng TP cảng

Ngày 23/1, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, cho rằng những năm qua sản lượng hàng hoá thông qua các cảng Hải Phòng tăng với tốc độ chóng mặt với mức hơn 80 triệu tấn trong năm 2016, gấp 5,4 lần so với năm 2005, gây quá tải cho giao thông nội đô, tăng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.

MỚI - NÓNG