Bão số 8 di chuyển nhanh, gây mưa rất to từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vào ngày mai

0:00 / 0:00
0:00
Bão số 8 di chuyển nhanh, gây mưa rất to từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vào ngày mai
TPO - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay, từ ngày mai, bão số 8 bắt đầu ảnh hưởng đến nước ta. Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương huy động tối đa lực lượng vào cuộc, không để xảy ra thiệt hại không đáng có như bão số 7 vừa qua.

Chiều 12/10, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp khẩn cấp ứng phó với cơn bão số 8. Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia cho biết, vào hồi 16 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 116,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông Đông Bắc, cách đất liền khoảng 1.000 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ tâm bão.

Trong đêm nay, bão sẽ mạnh hơn. Dự báo trong 12-36 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thanh Hóa – Quảng Bình.

Bão số 8 di chuyển nhanh, gây mưa rất to từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vào ngày mai ảnh 1

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày mai bão số 8 bắt đầu gây mưa to đến rất to cho khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị

Theo ông Khiêm, từ ngày mai, ở khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị bắt đầu có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9. Một số nơi ở phía Bắc hoàn lưu bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 do kết hợp với không khí lạnh.

Ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao từ 5-7m; biển động dữ dội.

Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, từ ngày mai (13/10) tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3-5m, biển động rất mạnh.

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, hiện các tỉnh gồm Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tiếp tục duy trì việc cấm biển. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã lên kế hoạch sơ tán gần 65.500 hộ với 247.997 người dân nếu bão đổ bộ với cấp 9-10.

Không để xảy ra thiệt hại về người như bão số 7

Theo các địa phương, hiện lo nhất là tình hình an toàn hồ chứa. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài liên tục, số lượng hồ chứa đầy nước ở khu vực Bắc Trung Bộ tăng vọt lên tới 1.803/2.117 hồ đầy nước. Trong đó, Thanh Hóa có 370/610 hồ đầy nước Nghệ An có 1031/1.061 hồ; Hà Tĩnh 261/323 hồ; Quảng Bình: 141/153 hồ. Đặc biệt số hồ có nguy cơ mất an toàn 361 hồ (Thanh Hóa 97, Nghệ An 89, Hà Tĩnh 86, Quảng Bình 55, Quảng Trị 34, Thừa Thiên Huế 5).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, vừa qua cơn bão số 7 không quá lớn nhưng vẫn xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người. Hiện, bão số 8 được dự báo là cơn bão mạnh hơn nhiều, di chuyển nhanh, từ ngày mai bắt đầu ảnh hưởng đến nước ta.

Bão số 8 di chuyển nhanh, gây mưa rất to từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vào ngày mai ảnh 2

“Đến thời điểm này, thiệt hại do bão lũ gây ra khoảng 100 người. So với mọi năm đây là con số thấp. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta đã chịu ảnh hưởng lớn về kinh tế và con người. Nếu để ra thiệt hại do bão nữa, sẽ rất nặng nề. Các địa phương cần phải huy động tối đa lực lượng, hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó với cơn bão số 8, không được chủ quan lơ là để xảy ra thiệt hại với những tình huống nhỏ”, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm tới các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều. Các địa phương cần cắt cử lực lượng 24/24 túc trực tại các hồ, thường xuyên thông tin đến chính quyền, người dân, không xả lũ bất ngờ gây ảnh hướng đến vùng hạ du.

Về số lượng người dân di chuyển từ phía Nam về quê vẫn còn khá lớn, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần tận dụng các nhà văn hóa, trường học….bố trí nơi ở cho người dân đang di chuyển từ phía Nam về tránh dịch, đảm bảo người dân không di chuyển từ nay cho đến khi bão số 8 kết thúc. Đồng thời, các địa phương chuẩn bị sẵn nơi trú tránh khi phải di dân, không để xảy ra tình trạng người dân trú bão ở cùng với người về quê.

Trong ngày 13/10, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ thành lập các đoàn công tác vào Nghệ An, Hà Tĩnh kiểm tra nơi ở, khu cách ly và công tác chống bão số 8.

Để chủ động ứng phó bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Các bộ, ngành địa phương kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Bộ Công Thương chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ đập thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Bộ Công an phối hợp với chính quyền các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan thông tin kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở; chỉ đạo, triển khai phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn đối với những người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

(Văn Kiên)

MỚI - NÓNG