Bạo hành trẻ em: Đừng đổ lỗi do áp lực

Các đại biểu tại buổi tọa đàm.
Các đại biểu tại buổi tọa đàm.
TP - “Trẻ con tội nghiệp lắm, còn quá nhỏ mà phải xa cha mẹ, bước vào một môi trường mới với toàn những người lạ xung quanh. Tội tình chi mà ra tay hành hạ?”, “Nhiều bảo mẫu thản nhiên đánh đập trẻ rồi đổ lỗi cho áp lực công việc là điều không thể chấp nhận”... Đó là những ý kiến của nhiều người  tham dự buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - vì đâu nên nỗi!” do báo Tiền Phong, ĐH Sài Gòn và hệ thống giáo dục quốc tế Tesla  tổ chức vào sáng 1/12.

“Không có trái tim, xin đừng làm nghề giáo”

Cả hội trường nín lặng khi xem lại video clip được ghi lại tại trường Mầm non tư thục Mầm Xanh. Chốc chốc có người lại quay mặt đi vì không đủ can đảm xem tiếp tục những hình ảnh ấy.

“Mỗi cú tát giáng lên đầu, lên mặt trẻ là giáng chính lòng tự trọng của những người làm giáo dục, vào đạo đức vào lương tâm của con người. Trẻ thơ có tội tình chi?”, Thạc sĩ Hoàng Hữu Lượng, Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn  thốt lên như thế tại buổi tọa đàm. Ông cho rằng sẽ không có bất cứ lí do nào có thể biện minh cho việc xuống tay bạo hành với trẻ. “Tất cả đều là ngụy biện!”, vị phó hiệu trưởng nói.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi hệ thống giáo dục Tesla, 50% trẻ mầm non đều trả lời rằng “có” khi được hỏi “có sợ cô giáo hay không”?

Tại tọa đàm, đi tìm nguyên nhân của nạn bạo hành trẻ mầm non, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân cơ bản là người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề nghiệp và lòng yêu thương trẻ. Trong khi quan niệm về việc đào tạo ngành sư phạm mầm non chưa được chú trọng. Nếu như tại các nước tiên tiến, họ đầu tư giảng dạy cho giáo dục mầm non khắt khe tương tự việc đào tạo một vị bác sĩ, còn ở nước ta thì hoàn toàn khác. Việc các bảo mẫu chỉ tốt nghiệp THPT là chuyện nhan nhản ở các trường mầm non tư thục, lúc ấy cả kĩ năng chăm trẻ còn không có, thì nói gì đến việc quan sát, nắm bắt tâm lí trẻ để có phương pháp dạy học đúng đắn.

Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường Mầm non Tesla nhận định, cô giáo mầm non phải chịu nhiều áp lực, áp lực từ nhà trường chạy theo thành tích, áp lực từ phụ huynh đòi hỏi con phải tăng cân... “Theo thống kê của các chuyên gia, giờ ăn là giờ kinh hoàng nhất của trẻ. Tiếp đến là giờ học và cuối cùng là giờ chơi. Đây là ba khung giờ cô giáo mầm non cũng phải chịu áp lực nhiều nhất nên trẻ cũng bị bạo hành nhiều nhất”, bà Thu Hà cho biết. Thế nhưng vị hiệu trưởng này cũng khẳng định áp lực nghề nghiệp không phải là nguyên nhân chính đáng để dẫn đến việc bạo hành trẻ. Việc các cô giáo gắn bó với nghề, trên hết phải là cái tâm với trẻ, với nghề. Bà nhấn mạnh tại buổi tọa đàm: “Đừng đặt tương lai trẻ thơ nằm sau áp lực công việc!”.

Hãy nghỉ ngơi nếu thấy quá áp lực

Giải pháp được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm để giải quyết vấn nạn bạo hành là dù là mầm non công lập hay tư thục, đối với các cơ sở trường học, cần lựa chọn và tuyển dụng các giáo viên được đào tạo chuyên môn, có phẩm chất tốt, năng lực giáo dục trẻ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM nhấn mạnh: “Đối với những người làm công tác lãnh đạo, cần phải quản lý sâu sát, chặt chẽ hơn, làm sao để một hành vi tiêu cực nào vừa chớm xuất hiện, lập tức được ngăn chặn và giải quyết ngay. Tuyệt đối không bao biện, tạo điều kiện cho những hành vi này tiếp diễn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc”.

“Nếu làm giáo viên mầm non chỉ vì mưu sinh thì tôi khuyên các bạn nên đổi nghề khác bởi theo tôi, không có tấm lòng với con trẻ thì không thể làm được nghề này”.

Giáo viên mầm non Nguyễn Như Ngọc

Đến tham dự buổi tọa đàm, nhiều giáo viên mầm non cũng như những sinh viên đang học tập chuyên ngành này cũng bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở. Một sinh viên năm cuối ngành sư phạm mầm non cho rằng hiện tại các giáo viên phải chịu áp lực rất nhiều về thời gian. “Một ngày giáo viên phải làm từ sáng đến tối, tổng cộng hơn 10 giờ đồng hồ thì việc stress là không tránh khỏi. Vậy làm sao để giải tỏa được những áp lực của bản thân để không ảnh hưởng đến công việc? Hơn nữa, có phải chăng bạo hành cũng mang tính “lây lan” khi trong lớp có 3 cô giáo thì cả 3 đều bạo hành với trẻ?”, sinh viên này bộc  bạch.

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Như Ngọc (có 8 năm làm giáo viên mầm non) chia sẻ: “Nếu bản thân quá áp lực, thì giáo viên có thể nghỉ ngơi hoặc đi vài vòng để giải tỏa, tránh trường hợp khi mệt mỏi, nóng giận vẫn tiếp xúc với học sinh. Trẻ mầm non còn nhỏ, khó tránh khỏi những nghịch ngợm, không vâng lời. Do đó, khi cảm thấy tinh thần không tốt thì nên hạn chế tiếp tục đứng lớp chăm trẻ để tránh những hành động đáng tiếc có thể xảy ra”.

Còn đối với TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, nguyên nhân cơ bản của những hành vi bạo hành nằm ngay trong chính con người chúng ta: đó là vấn đề tâm lý. Áp lực nhiều, lương thấp chính là lí do dẫn đến stress ở người giáo viên. Thậm chí có nhiều cô mắc bệnh tâm lý “thích hành hạ người khác”. “Nhiều trường công lập cũng chỉ yêu cầu đến đúng giờ chứ có rất ít hoạt động xả stress. Theo tôi, điều các nhà quản lý quan tâm là sức khỏe tinh thần của giáo viên mầm non chứ không chỉ là vấn đề lương, thưởng”, TS Dao bày tỏ.

“Ở những trường có cách quản lý, giáo dục tốt cũng là môi trường giảm áp lực cho giáo viên mầm non. Còn về tính “bạo lực” có lây không? Chúng tôi đang tạo cho các bạn một kháng thể, để chống lại điều ác, điều xấu. Thấy ở bất kỳ ở nơi nào có điều xấu thì phải chống lại, đừng để nó lây nhiễm đến chúng ta”, vị trưởng khoa Giáo dục mầm non nhấn mạnh với sinh viên.

Bạo hành trẻ em và nhất là trẻ mầm non là độc ác. Do đó sẽ không có một hành vi bạo hành trẻ em nào được bỏ qua, tha thứ.

“Việc trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ để lại những cú sốc tâm lí ảnh hưởng nặng nề về sau. Những hậu quả đó có thể ngay bây giờ chúng ta vẫn chưa nhìn thấy được. Bạo hành kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển nhân cách. Trẻ dễ hung hăng, không biết chia sẻ, đồng cảm trong cuộc sống, rơi vào stress, dễ gặp những bệnh về tâm lí thần kinh, thậm chí là động kinh”.         

            Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao

MỚI - NÓNG