Báo động tình trạng trẻ em Việt Nam bị xâm hại

Báo động tình trạng trẻ em Việt Nam bị xâm hại
TPO - Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đã tiếp nhận 4 triệu cuộc gọi cần tư vấn bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại trong 15 năm qua.

Thông tin này được đưa ra tại Đối thoại Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em, do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em tổ chức, ngày 13/12, tại Hà Nội.

Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), 15 năm qua, Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em - Phím số diệu kỳ 18001567 nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã nhận được trên 4 triệu cuộc gọi đến. Trong đó, Tổng đài đã tư vấn 307.546 ca và hỗ trợ can thiệp cho 4.956 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị báo lực, mua bán, trẻ bị lạc, bị bỏ rơi, trẻ cần hỗ trợ về tài chính.

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em nhận định: Tại Việt Nam, hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em rất phổ biến. Theo số liệu của UNICEF cung cấp, 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, xếp thứ 27/75 quốc gia. Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo cũng có những hành vi bạo lực với trẻ em.

Kết quả khảo sát của Viện MSD về các vấn đề bảo vệ trẻ em tại một xã miền Bắc được bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng thông tin: 77% trẻ em được khảo sát khẳng định đang phải chịu một số loại hình bạo lực tại gia đình như bị cha mẹ, người lớn trong nhà quát mắng, đánh đòn.

Còn ngay tại buổi đối thoại, 100% trẻ em nam tham gia thảo luận nhóm khẳng định bị đánh tại gia đình và nhà trường vì các lý do không làm bài tập, trêu chọc bạn bè, bị đánh/tát bằng tay hoặc đánh bằng các vật dụng như thước kẻ, dây lưng, dây điện, chổi, gậy...

Nhân dịp này, ChildFund Việt Nam, Cục Trẻ em và Microsoft Việt Nam chính thức công bố ứng dụng phần mềm App Tổng đài 111 Bảo vệ trẻ em trên hai nền tảng điện thoại thông dụng IOS và Android.

MỚI - NÓNG