Bằng lái là một tài sản

Một tấm áp phích cảnh báo nguy hiểm khi vừa lái xe vừa nghe điện thoại
Một tấm áp phích cảnh báo nguy hiểm khi vừa lái xe vừa nghe điện thoại
TP - Ở Việt Nam, xe hơi là một tài sản. Ở châu Âu, bằng lái cũng là một tài sản.

Lisa, giáo viên trường dạy lái ở Bỉ vài năm gần đây nhận đến tận nhà kèm cặp với chi phí 30 Euro/giờ (bằng nửa giá của trường), dĩ nhiên phải trả tiền mặt, không hóa đơn. 

Tôi là học viên của cô, và là trường hợp đặc biệt: cô chưa từng có học viên nào tập lái lâu đến thế, nhiều lần gián đoạn mấy tháng ngừng học (vì những lý do riêng), quá trình học thực hành kéo dài suốt một năm, tốn kém nhiều tiền của, và dĩ nhiên cả mồ hôi kèm nước mắt.

Tôi biết điểm yếu của mình, lái xe máy ở Việt Nam thuộc loại yếu bóng vía, sang Bỉ loanh quanh trong nhà phản xạ càng kém đi. Nhưng tôi được an ủi một phần, nhiều người bản xứ phải thi thực hành lần thứ hai mới đỗ. Nhân- bạn gái của tôi ở Hà Lan thi lần thứ tư mới được nhận bằng, tổng cộng tiền học lái 5.000 Euro, cô sắm ngay chiếc Lexus “second hand” mới chạy vài chục nghìn cây số với giá chỉ 3.500 Euro.

Cách đây hai năm, về Việt Nam tôi tranh thủ tập 20 giờ với một giáo viên trường dạy lái tên Lương. Cách dạy của Lương thiên về đẩy nhanh tốc độ, sử dụng nhiều mẹo. Cách dạy của Lisa máy móc tuân thủ mọi bảng hiệu, không tiểu xảo. 

Lương bảo tôi lái ra giữa đường, vượt lên trước. Lisa gào thét bắt tôi ép sát lề phải, nhường nhịn nếu có thể. Lương cũng không hẳn láu cá. Lái xe ở Việt Nam mà cứ chậm, nhường thì không biết bao giờ tiến lên được giữa dòng xe đủ loại loạn cào cào.

Không nóng tính mà đôi lúc tôi chỉ muốn mở cửa xe đá Lisa ra ngoài. Chẳng có người đi bộ hoặc xe nào trước mặt cô vẫn bắt tôi dừng, quay hẳn đầu sang phải và trái, nhìn trước nhìn sau, thủ tục như rô bốt mới được tiến lên.

Lisa cũng hiểu tôi nghĩ gì. Cô gửi tôi vào trường dạy lái xe, nhắn nhủ “Cô học với tôi tạm ổn rồi, nên học thêm khoảng 4 giờ nữa với Emma- đồng nghiệp của tôi, một người nghiêm khắc nhưng luôn có lời khuyên hữu ích”.

Hóa ra Lisa là thiên thần. Lần đầu giáp mặt Emma, một cái tên rất phổ biến và đầy nữ tính ở Bỉ, tôi đã thấy nửa gương mặt của thần chết! Cũng đúng thôi, học lái chính là học cách tôn trọng và bảo vệ tính mạng con người.

Tôi ngồi chờ Emma trong một căn phòng đặc biệt của trường dạy lái. Phòng nhỏ thêm ngột ngạt bởi những tấm áp phích vẽ tử thần bay lượn trên tay lái, thông tin trung bình mỗi ngày bao nhiêu người chết vì tai nạn ô tô, ảnh một em nhỏ ngân ngấn nước mắt “tại sao các người lái quá nhanh?!”, dặn dò phải khóa cửa xe tránh kẻ trộm... 

Emma xuất hiện, gầy như một bộ xương di động, mắt to, mũi nhọn hoắt, tóc bạc lưa thưa để xoã trông càng mỏng. Tôi cười vồn vã chào cô, cô chỉ gật đầu, không cười và cũng chẳng lịch sự kiểu “Cô ổn chứ”. Cho đến giờ tiếng gào thét, mắng nhiếc của Emma vẫn văng vẳng bên tai tôi “Ôi Chúa ơi! Phải nhường đường cho xe đối diện chứ, ưu tiên bên phải cơ mà”, “Kỹ thuật của cô quá yếu, thi sao được”, “Nhìn, nhìn và nhìn, sao cô lười xoay vai thế? Người ta nháy đèn mà cô không nhìn à. Về số không quan trọng bằng dừng xe, an toàn trên hết”... Tóm lại, không một lời động viên, toàn những động từ, tính từ bi quan. Tôi thấy mình là một con ngốc trong mắt Emma.

Emma khuyên tôi hoãn thi. “Nếu thi cô sẽ trượt, tốn tiền lắm đấy”, tôi cứ thi, hoãn quá nhiều rồi, càng hoãn càng mất tự tin. Hôm ấy, lần đầu tiên xe của tôi chở đầy những người Bỉ xa lạ: Emma bên phải, người chấm thi và người dịch từ tiếng Hà Lan sang tiếng Anh ngồi ghế phía sau. Tôi trượt.

Trên đường về, tôi nghĩ Emma sẽ nhiếc móc: “Đã bảo mà cứ cố”. Nhưng không, cô im lặng. Trước khi chia tay, cô nở nụ cười đầu tiên dành cho tôi: “Cố gắng tập thêm, sẽ thành công lần sau”. Tôi suýt chảy nước mắt, và nếu có thể, tôi chấp nhận ngả đầu vào vai cô để khóc.

Nếu bạn muốn biết, hai tháng sau thi lại, tôi có nhận được bằng lái không? Kết thúc có hậu. Tổng cộng tôi tốn khoảng 3.500 Euro mới có được bằng lái xe, một tài sản theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Người chấm thi lần này là Jan, rất trẻ, dĩ nhiên rất đẹp trai với nụ cười thân thiện. Anh nhận xét khi tôi hoàn thành 45 phút thi lái để đời: “Cô lái không hoàn hảo, nhưng đủ tốt để nhận bằng. Và nên nhớ, có bằng rồi an toàn vẫn là điều quan trọng nhất”. Ở lần thi này, Lisa ngồi bên tôi chứ không phải Emma. Lisa còn hạnh phúc hơn cả tôi vì học viên đặc biệt của cô đã đậu. Trên đường về, Lisa tâm sự: “Jan còn trẻ nhưng năm ngoái đã góa vợ, cô ấy mất vì tai nạn giao thông”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.