Băn khoăn hình ảnh cô học trò ngủ gục trong thang máy

Chỉ khoảng vài phút trong thang máy, cô học trò vẫn tranh thủ gục xuống chợp mắt khi đang cùng bố xuống hầm gửi xe để đến trường.

Hai cha con họ bước vào thang máy của khu chung cư ở Q. Thủ Đức, TPHCM từ tầng 7 để đi xuống hầm lấy xe lúc hơn 6h sáng. Cô nữ sinh bậc THPT bám vào tay vịn thang máy và gục trên thành thang, tranh thủ chợp mắt thêm chút ít.

Đến tầng hầm, người bố phải kéo tay con gái. Cô học trò bước theo bố không giấu nổi vẻ mệt mỏi, rã rời.

Băn khoăn hình ảnh cô học trò ngủ gục trong thang máy ảnh 1 Cô học trò ở TPHCM ngủ ngục trong thang máy ngay trên đường đến trường (Ảnh: Hoài Nam)
Mới đây nổi lên "bão" dư luận về lối giáo dục “hà khắc” của một trường dân lập ở Hà Nội, phụ huynh phản ánh học sinh sẽ bị viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh lên gặp giáo viên với các lỗi như nói chuyện trong làm, làm thiếu bài tập về nhà, đi muộn và cả... ngủ gật trong lớp. Và tự nhiên trong tôi hình ảnh cô học trò ngủ gục trong tháng máy lại hiện lên mồn một, luẩn quẩn và ám ảnh.

Đến các trường học, lớp học rất dễ thấy hình ảnh học sinh ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gục ngay trong giờ học. Nhiều người thầy đầy cái tôi tự ái cho rằng học trò ngủ gật trong giờ của mình là vô kỷ luật, là thiếu tôn trọng... và đi cùng đó là hình phạt.

Hiển nhiên, không thể nói học trò ngủ gật trong lớp là điều đáng khuyến khích. Nhưng các em ngủ gật có thể vì thiếu ngủ, sức khỏe có vấn đề, lịch sinh hoạt chưa phù hợp và ít thầy cô dám thừa nhận vì bài giảng, cách giảng của mình “có tính chất gây mê”. Trước lệnh trường phạt, liệu có bao giờ nhà trường, thầy cô đặt ra những tình huống mà chính mình hay con cái mình cũng mình cũng có thể gặp phải để cảm thông, sẻ chia?

TS Lê Nguyên Phương, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển Học đường Thế giới kể cách đây vài năm, ông được mời dạy lớp Tổng quan Tâm lý học bằng tiếng Anh tại một lớp Điều dưỡng của Đại Học Y Hà Nội. Một chương trình 15 chương trong 4 tháng ở một số trường ĐH của Hoa Kỳ thì giờ dạy cho sinh viên năm nhất, năm 2 của ĐH Y trong... 2 tuần.

Ông nhớ như in trời mùa hè nóng nực, trong lớp chỉ có 2 quạt trần. Bước vào lớp khoảng 10 phút là người ông vã mồ hôi nhưng các em vẫn chăm chú lắng nghe.

“Một hôm, tôi nhìn xuống và bắt gặp vài em nam sinh đang ngủ ngon lành trên bàn. Tôi chưa kịp nói gì thì nam sinh ngồi cạnh đứng dậy thưa các bạn quá mệt nên phải thay phiên nhau ngủ. Đứa thức sẽ ghi bài giùm cho mấy bạn. Và em còn nói thầy đừng lo”, ông Phương kể và cho hay lúc đó ông nghe cảm động đến muốn chảy nước mắt.

Theo TS Lê Nguyên Phương, nếu học sinh ngủ gục trong lớp thì nhiều khi các em ham chơi trong tuổi đang lớn nên thiếu ngủ, nhiều khi các em phải đỡ đần phụ việc gia đình nên mệt mỏi. Và rất nhiều khi giáo viên dạy quá dở.

Bản thân ông, ông nói mình cũng đã từng ngủ gục trong lớp và bây giờ ngẫm lại thì cũng... chẳng chết ai.

Thầy Lê Viết Chung, một giáo viên kể, khi ông hỏi mấy học sinh lớp 8, các con thích giải lao bằng hình thức nào nhất thì cả lớp đồng thanh: Ngủ! Và lý do có thể nhìn thấy rõ ràng là do lịch học quá nhiều, quá dài trong ngày, chưa kể là đi học ngoài, học thêm.

Băn khoăn hình ảnh cô học trò ngủ gục trong thang máy ảnh 2

Hình ảnh học trò ăn cơm ngay lúc ngồi trên xe lúc đến trường gây xôn xao dư luận

Không chỉ chuyện thiếu ngủ, chúng ta có thể thấy mọi sinh hoạt tối thiểu của con người bị biến dạng. Các em thiếu thời gian ngủ, nhiều em ăn uống tạm bợ, ăn vội vã ngay lúc ngồi sau xe máy cha mẹ chở đến trường, thậm chí nhịn ăn sáng mới kịp giờ đến lớp...

Học để làm người, để cuộc sống tốt đẹp hơn vậy mà con trẻ lại đang vật vờ, lờ đờ vì học... Ăn không ra ăn, ngủ không ra ngủ, chơi không ra chơi nhưng lại yêu cầu các em như những robot chạy bằng điện, công tắc bật thế này thì phải “quay” theo như thế.

Một nhà tuyển dụng ở TPHCM chia sẻ, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng, ngoại ngữ hay trình độ chuyên môn gì đó thật ra không đáng sợ bằng những bạn trẻ suy kiệt, yếu ớt về thể chất, tinh thần rệu rã thiếu sức sống.

Không cần đến các nghiên cứu cũng có thể thấy, học trò của chúng ta đang suy kiệt về thể chất lẫn tinh thần. Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đặt câu hỏi: Với lối học như thế này, trong tương lai nguyên khí quốc gia sẽ ra sao?

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG