Xây nhà tình nghĩa ở Cần Thơ: Gây khó cho người thụ hưởng

Xây nhà tình nghĩa ở Cần Thơ: Gây khó cho người thụ hưởng
TP - Dư luận TP Cần Thơ đang quan tâm đến hai căn nhà tình nghĩa xây bằng tiền của một ngân hàng, nhưng thông tin đưa lên truyền hình với quyết định giao nhà lại được giới thiệu là tiền của một doanh nghiệp. Có điều gì ở đây?

Tiền mới, nhà cũ

Hai căn nhà tình nghĩa xây tặng gia đình ông Phùng Văn Dũng và bà Phan Thị Hoa (đều là con liệt sỹ ở phường Phước Thới, Ô Môn, Cần Thơ), bằng tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), mỗi căn hơn 57,3 triệu đồng. Quyết định giao nhà lại ghi hai căn nhà xây bằng tiền của Cty CP Xi măng Tây Đô, mỗi căn 54 triệu đồng. Buổi lễ được quay phim, đưa lên truyền hình.

Chủ tịch UBND quận Ô Môn, ông Nguyễn Vũ Phương giải thích, tiền của Cty CP Xi măng Tây Đô dùng để trả nợ hai căn nhà tình nghĩa khác.

Cụ thể, theo ông Phương, năm 2012 quận được giao chỉ tiêu xây 36 căn nhà tình nghĩa và đã hoàn thành nhưng còn nợ hơn 616 triệu đồng. Quận phải tiếp tục vận động để có nguồn trả nợ và tiền của Cty CP Xi măng Tây Đô chuyển đến trong tháng 5/2013, được bù vào khoản tiền đầu tư xây hai căn nhà trước đây. Nhưng quay phim lễ trao tặng nhà lại diễn ra ở hai căn nhà xây bằng tiền của SHB.

Lý do theo ông Phương là: “Dịp 27/7, Phòng LĐ-TB&XH quận muốn có hình ảnh mới nên mượn hai căn nhà vừa xây để quay phim, thay cho hai căn nhà gia chủ đã vào ở từ đầu năm nên cũ”.

PV Tiền Phong tìm hiểu, biết thêm nhiều bất ổn trong xây nhà tình nghĩa ở TP Cần Thơ hiện nay, nợ nần dây dưa làm cho việc thi công bị kéo dài.

Dang dở, nợ nần

Đầu năm 2013, SHB tài trợ cho Cần Thơ 20 tỷ đồng để xây 350 căn nhà tình nghĩa, đã chuyển tiền để xây dựng 300 căn. Đến nay, đa số vẫn dở dang. Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B (huyện Thới Lai) Nguyễn Thành Tích cho biết, xã được phân bổ 6 căn nhà, đã giao mặt bằng từ lâu nhưng nay mới 3 căn có vật tư, 1 căn chưa khởi động.

“Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Ba muốn xây rộng thêm nên đóng cho anh Nhật của đơn vị thi công 10 triệu đồng, nay anh Nhật không quay lại và không biết đòi tiền ai”, Chủ tịch Tích nói.

 Sau ba tuần, tôi hoàn thành căn nhà, có làm lễ bàn giao nhưng đến nay, chỉ nhận được 10 triệu đồng và 9.000 viên gạch ống, còn hơn 30 triệu đồng tiền vật tư mua nợ, bị đòi liên tục. Biết trước thế này, tôi không nhận nhà tình nghĩa.

Nguyễn Thị Tư

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, ông Nguyễn Tùng Sanh, nhận xét: “Tiến độ xây dựng quá chậm”. Huyện Thới Lai được phân bổ 50 căn từ nguồn của SHB, nay mới hoàn thành 10 căn. Còn 65 căn ở quận Ô Môn, cũng mới hoàn thành 20 căn. Quận Thốt Nốt được giao 23 căn, Phó phòng LĐ-TB&XH Nguyễn Phú Đức cho biết, chưa hoàn thành căn nào.

Bà Nguyễn Thị Tư, 73 tuổi, là thương binh và vợ liệt sỹ (ở phường Trường Lạc, Ô Môn, Cần Thơ) cho biết, tháng 5/2013, bà được xét cấp một căn và bà muốn làm rộng thêm nên được vận động tự xây dựng.

“Sau ba tuần, tôi hoàn thành căn nhà, có làm lễ bàn giao nhưng đến nay, chỉ nhận được 10 triệu đồng và 9.000 viên gạch ống, còn hơn 30 triệu đồng tiền vật tư mua nợ, bị đòi liên tục. Biết trước thế này, tôi không nhận nhà tình nghĩa”, bà Tư nói.

Chất lượng kém

Chủ tịch UBND xã Trường Xuân A (huyện Thới Lai) Võ Thị Kim Son cho biết, ngày 18/7, kiểm tra tiến độ thi công nhà của bà Nguyễn Thị Văn, thấy “gặp trời mưa thì gạch bị rã nát ra”, sau đó nhà thầu hứa khắc phục “nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục”.

Hội Cựu chiến binh Cần Thơ cũng vừa kiểm tra một số căn nhà và Phó chủ tịch Phạm Quốc Triệu cho biết, theo thiết kế mỗi căn nhà cần khoảng 78 bao xi măng nhưng “thực tế đa phần chỉ xây dựng có 50 bao”. Ông Triệu nói: “Đang mùa mưa bão, tiến độ xây dựng không dứt điểm gây khó khăn cho người được thụ hưởng, chưa tính bệnh tật có thể xảy ra”.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Xuân, việc xây dựng các căn nhà từ tiền của SHB, do SHB chọn thầu. Có 16 nhà thầu được chọn để xây dựng 300 căn, trong đó, Cty TNHH Tư vấn Thiết kế Đầu tư Xây dựng Bình Lâm (Cty Bình Lâm) nhận nhiều nhất, 103 căn.

“Hầu hết các trường hợp nợ nần, thi công chậm, chất lượng kém đều rơi vào Cty Bình Lâm. Thậm chí, Cty này nhận 13 căn ở quận Thốt Nốt còn chưa khởi công”, ông Xuân nói.

Ở huyện Thới Lai, ông Nguyễn Tùng Sanh cho biết, Cty Bình Lâm nhận 40 căn, xây dựng “quá chậm chạp, còn về chất lượng thì người dân thấy rất phiền nên đa số hộ dân không đồng ý cho Cty Bình Lâm xây dựng”.

Giám đốc Cty Bình Lâm, ông Trần Thanh Lâm, giải thích: “Cty đã xây dựng xong 50 căn nhà ở quận Ô Môn và trả đủ tiền cho người dân nhưng Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn chỉ nghiệm thu bàn giao 41/50 căn, gây khó khăn về tài chính cho Cty”.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nói: Cty Bình Lâm xây nhiều căn nhà không đúng thiết kế, chất lượng không đảm bảo nên bị người dân khiếu nại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG