Nam Lào bứt phá

Nam Lào bứt phá
TP - “Attapư đang vượt Kon Tum” - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nói như vậy. Ba tỉnh Nam Lào còn lại cũng đang bứt phá.

Hợp tác xây “mái nhà chung”

Từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) đi vào địa phận tỉnh Attapư (Lào), dãy Trường Sơn nằm giữa lãnh thổ hai quốc gia tạo cảm giác không khác nào “mái nhà chung” của hai dân tộc.

Một thắng cảnh đẹp tại Salavan
Một thắng cảnh đẹp tại Salavan.

Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Kon Tum, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng để vun đắp cho tình nghĩa Việt-Lào, thời gian qua tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ bạn đào tạo bậc cao đẳng và trung cấp, dạy nghề may, mộc… cho nhiều con em tỉnh Attapư; cử giáo viên sang dạy tiếng Việt 2 năm cho học viên tỉnh Attapư và 3 năm cho tỉnh Sê Kông.

Đáp lại, tỉnh Champasak hỗ trợ 8 suất học bổng cho các học viên tỉnh Kon Tum sang học tiếng Lào. Trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, tỉnh Kon Tum đã giúp tỉnh Attapư xây dựng và bàn giao Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Phu Cưa, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; giúp tỉnh Sê Kông khảo sát, lập quy hoạch tổng thể, kế hoạch khám chữa bệnh, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt và lập dự án cấp nước sạch,… tại bản Đăk Bar, huyện Đăk Chưng; giúp tỉnh Champasak đào tạo cán bộ kỹ thuật trồng cà phê.

Phía bạn Lào phối hợp tỉnh Kon Tum hoàn thành việc cắm 65 cột mốc biên giới; giúp tìm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong chiến tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt sang đầu tư làm ăn ở Nam Lào.

Bứt phá

Trong 4 tỉnh Nam Lào, tỉnh Attapư cùng tỉnh Kon Tum của Việt Nam được gọi là cửa ngõ tam giác phát triển. Tỉnh Attapư, Sê Kông, đất có màu xám bạc, không phì nhiêu bằng đất đỏ bazan trên cao nguyên Bô lô Ven của tỉnh Salavan, Champasak và dường như khí hậu cũng có phần khắc nhiệt hơn. Tuy nhiên, mỗi vùng đất có một lợi thế riêng.

Đoàn công tác tỉnh Kon Tum thăm khu du lịch cộng đồng tại Salavan
Đoàn công tác tỉnh Kon Tum thăm khu du lịch cộng đồng tại Salavan.

Nếu như ở tỉnh Champasak có lợi thế về cây cà phê, cao su, rau quả… thì tỉnh Attapư, Sê Kông có lợi thế về cây cao su, mía… Trong lòng đất của các tỉnh bạn có nhiều kim loại (vàng, đồng, bô xít, than đá…) và sông, suối nước chảy xiết để phát triển thủy điện.

Với tầm nhìn rộng mở, tại Hội nghị hợp tác phát triển giữa Kon Tum với các tỉnh Ubon ratchathani, Sisaket (Thái Lan), Champasak, Salavan, Sê Kông, Attapư (Lào), Bình Định, Quảng Ngãi (Việt Nam) năm 2011 đã mở ra nhiều chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và phát huy lợi thế cửa ngõ tam giác phát triển, được sự quan tâm của chính phủ hai nước, sự hợp tác, giúp đỡ chí tình của Việt Nam cùng những chính sách thu hút đầu tư của Lào, những năm gần đây, Nam Lào có sự bứt phá mạnh, đặc biệt là tỉnh Attapư.

Ông Khăm Phanh-Phôn Ma Thắt-Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh trưởng Attapư đã thông báo với Đoàn công tác cấp cao của tỉnh Kon Tum: “Năm 2012, GDP bình quân đầu người của tỉnh Attapư đạt 1.300 USD/năm, tăng gấp đôi năm 2005. Cây trồng chủ lực: 20.000 ha cao su, 5.000 ha mía và dự kiến đến năm 2015 sẽ phát triển 30.000 ha cao su, 12.000 ha mía...”.

Cây cao su, mía ở Attapư được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đầu tư trồng và tưới bằng hệ thống nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel đang phủ xanh những cánh đồng và rừng nghèo kiệt ở Attapư.

Ngoài việc đầu tư trồng cây công nghiệp, HAGL đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm, nhà máy đường có công suất 7.000 tấn mía cây/ngày, nhà máy nhiệt điện chạy bằng bã mía công suất 30 MW, riêng nhà máy cồn Ethanol công suất 30.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất phân bón 50.000 tấn/năm dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm nay. HAGL còn đầu tư xây dựng sân bay, bệnh viện, khách sạn… ở tỉnh Attapư.

Hà Ban Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Chúng tôi thật sự vui mừng trước những đổi thay đầy ấn tượng của bạn. Attapư đang vượt Kon Tum…”.

Từ một vùng đất nghèo, khó khăn về nhiều mặt, Attapư đang có những bước phát triển nhanh về nhiều mặt. Các tỉnh Sê Kông, Salavan, Champasak cũng có nhiều doanh nghiệp Việt sang đầu tư làm ăn và để lại những dấu ấn đẹp với bạn.

Tại thành phố Pakse (Champasak), thủ phủ của Nam Lào, Tập đoàn kinh tế Đào Hương kinh doanh khá thành đạt trên nhiều lĩnh vực: chế biến cà phê, nước giải khát, xây dựng, xuất nhập khẩu, thương mại... Chủ Tập đoàn này là bà Lê Thị Lượng, người gốc Huế.

Trung tâm thương mại Đào Hương có khoảng 1.000 gian hàng, chủ yếu do người Việt buôn bán và là đầu mối lớn cung cấp hàng hóa cho người dân thành phố Pakse và các tỉnh Nam Lào. Hàng hóa ở đây không thiếu thứ gì, nhưng phần lớn có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… Riêng cà phê Đào Hương đang thống lĩnh thị trường Lào, Thái Lan.

Bài và ảnh:
Nguyên Khanh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG