Rừng Phú Quốc lại bị “tùng xẻo”

Rừng Phú Quốc lại bị “tùng xẻo”
TP - Sau loạt bài của Tiền Phong phản ánh tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng trên đảo Phú Quốc vào giữa năm 2012, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang vào cuộc và tình hình có phần lắng dịu. Tuy nhiên gần đây rừng Phú Quốc lại bị tấn công, điểm nóng là xã Hàm Ninh.

> Kiểm tra tình trạng chặt phá rừng ở Phú Quốc
> Lộn xộn quản lý đất rừng ở Phú Quốc

Rừng trồng bị tấn công

Tại khu rừng phòng hộ rộng 48 ha ở ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh nhiều hộ dân ngang nhiên đưa xe cơ giới vào san phẳng, đổ đất, cất nhà, dựng quán. Sự việc diễn ra công khai giữa ban ngày, bên cạnh trục đường lộ chính An Thới - Dương Đông.

Khi phóng viên Tiền Phong đang chụp hình thì bị một thanh niên dáng bặm trợn đuổi theo. Một cán bộ Huyện đội Phú Quốc nói: “Đi với chúng tôi mà họ còn làm vậy đấy. Quá ngang nhiên và coi thường pháp luật”.

Thượng tá Huỳnh Tấn Phương - Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc cho biết: Đầu năm 2004 chúng tôi ký hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc về giao khoán bảo vệ rừng và gây trồng rừng tại địa điểm nói trên, tổng diện tích là 48 ha. Sau đó vận động cán bộ, chiến sỹ và hộ gia đình chính sách đóng góp tiền làm đường ranh cản lửa, đào rãnh nước nhằm chống cháy rừng. Khu rừng chúng tôi nhận giao khoán nhanh chóng được phục hồi, phát triển xanh tốt. Tuy nhiên gần đây có nhiều hộ gia đình đã ngang nhiên vào chặt phá, làm nhà ngay trong rừng. Chúng tôi phối hợp với kiểm lâm, công an xã... nhiều lần lập biên bản nhưng sự việc vẫn tái diễn và ngày càng nghiêm trọng.

Theo điều tra của Tiền Phong, có ít nhất 6 hộ đã vào chặt phá, bao chiếm gần 4 ha rừng tại khu vực nói trên. Trong đó hộ bà Tống Kim Ngọc đã san ủi, chặt phá trên 2 ha rừng trồng.

Bà Ngọc, sau khi bị lập biên bản nhiều lần, hiện đang tiếp tục phá rừng, cất nhà chòi, xây dựng quán với qui mô lớn. Theo một bản báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ, bà Ngọc bất hợp tác với cơ quan chức năng và có thái độ chống người thi hành công vụ.

Mặc dù là đất rừng đã được giao khoán cho quân đội quản lí từ lâu, thế nhưng qua kiểm tra, một số trường hợp đã được UBND xã Hàm Ninh xác nhận nguồn gốc đất. Thông qua việc xác nhận nguồn đất gốc này, có 5 hộ đã được nhận 1.536.654.770 đồng tiền bồi thường trong dự án xây dựng trục đường Nam - Bắc đảo, đoạn An Thới - Dương Đông. Đáng chú ý, trong danh sách nhận tiền bồi thường có cả cán bộ trong ngành kiểm lâm.

Dân tố cán bộ phá rừng

Vợ chồng cựu quân nhân ông Hứa Như Hoài và bà Định Thị Hồng Cúc ôm chồng đơn kêu oan dẫn tôi vào tiểu khu 158B (thuộc rừng phòng hộ Phú Quốc) chỉ vào rừng cây, trong đó có những cây tràm khoảng 100 tuổi, bị xe cuốc đào lật tung gốc nói: “Đây, chính khu vực rừng này năm 2008, vợ chồng chúng tôi phát dọn, lên líp trồng cây và đã bị phạt mỗi người 3 năm tù, nay cán bộ của Viện Kiểm sát huyện lại thuê xe cuốc vào đào bới, chặt phá tan nát rừng như thế này đây”.

Theo quan sát của Tiền Phong, một con đường rộng 10m, hai bên là đường mương sâu 2m, rộng 3m chạy dài gần 2km. Nơi con đường đi qua cây rừng bị đào bới, chặt phá nằm ngổn ngang, trong đó có nhiều cây tràm cả trăm tuổi. Chủ chiếc xe cuốc hiệu KOMATSU đang phá rừng ông Trịnh Văn Thanh nói: Cán bộ Viện Kiểm sát huyện Phú Quốc thuê cuốc, mỗi mét khối giá 14.000đ.

Nhiều hộ dân địa phương thắc mắc vì sao họ cũng làm đơn xin được nhận giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng nhưng không được chấp thuận mà đi giao cho cán bộ? Vì sao cán bộ thuê đưa xe cơ giới vào đào bới, phá cây rừng không ai ngăn cản, trong khi trước đó dân làm thì bị phạt?

Nhiều hộ dân địa phương thắc mắc vì sao họ cũng làm đơn xin được nhận giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng nhưng không được chấp thuận mà đi giao cho cán bộ? Vì sao cán bộ thuê đưa xe cơ giới vào đào bới, phá cây rừng không ai ngăn cản, trong khi trước đó dân làm thì bị phạt? Thực tế tại khu vực rừng giao cho Viện Kiểm sát đã có nhiều hộ dân khai phá, canh tác từ năm 2005. Có trường hợp như ông Nguyễn Văn Ta (đất có xác nhận của ấp) đã sang nhượng lại thành quả lao động hàng trăm triệu đồng. Phía người nhận sang nhượng cũng đã đầu tư trên 100 triệu đồng để lên líp, trồng cây.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Quốc nói: “Khu vực rừng tại tiểu khu 158B ở Hàm Ninh đã được giao cho tập thể cán bộ công nhân viên Viện Kiểm sát huyện, tổng diện tích 15,5 ha. Hiện đã phân 13 lô cho từng cá nhân và đã làm sổ xanh. Do khu vực rừng giao cho Viện Kiểm sát năm nào cũng cháy nên cần phải làm đường ranh cản lửa”.

Ông Hải đưa cho phóng viên xem một tờ đơn của Viện Kiểm sát huyện Phú Quốc (không ghi ngày tháng) xin cải tạo đất giao khoán tại tiểu khu 158B. Tuy nhiên chưa có cấp có thẩm quyền nào ký chấp thuận trên tờ đơn này.

Một lãnh đạo Viện Kiểm sát tỉnh Kiên Giang nói với phóng viên rằng có biết việc xin, giao đất nói trên. Tôi cũng đã yêu cầu anh em làm thật kỹ, tránh việc dân khiếu nại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG