Làm giàu từ nuôi động vật hoang dã

Làm giàu từ nuôi động vật hoang dã
TP - Vài năm trở lại đây, tại Buôn Ma Thuột, phong trào nuôi động vật hoang dã mang lại kinh tế cao và được xem là nghề mới.

Theo thống kê của Hạt kiểm lâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), thành phố hiện có 411 hộ chăn nuôi động vật các loại với hơn 17.800 con, gồm các loài như: heo rừng, nhím, hươu, nai, cầy vòi hương, kỳ đà, ba ba, khỉ, rắn… và tập trung chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi gia đình.

Anh Nguyễn Cảnh Thành, cán bộ Bảo tồn thiên nhiên của Hạt cho biết: Khoảng 5 năm nay, việc nuôi động vật mang lại hiệu quả kinh tế cao nên số hộ đăng ký nuôi tăng lên rất nhanh. Chỉ tính riêng xã Cư Êbur đã có 376 hộ đã được cấp phép nuôi hươu, nai với tổng đàn hơn 1.000 con, trung bình 4 - 5 con/hộ.

Những người chăn nuôi cho biết, đàn hươu, nai được nuôi ở đây từ khoảng năm 1975, khi nhiều hộ dân đi kinh tế mới từ Nghệ An mang vào, ban đầu chỉ một vài con. Do đặc điểm phù hợp với việc phát triển chăn nuôi kinh tế hộ gia đình, dễ nuôi, ít bệnh nên gần như nhà nào ở xã Cư Êbur cũng có nuôi một vài con hươu, nai.

Không giống như các loài như nhím, kỳ đà, heo rừng..., thịt được dùng làm các món ăn đặc sản ở nhà hàng, khách sạn, nuôi hươu, nai chủ yếu để lấy nhung làm thuốc trị bệnh và bán giống. Ngoài ra, phân hươu, nai còn được dùng để bón cây cà phê rất tốt. Hằng năm, mỗi hộ nuôi hươu, nai có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

“Ban đầu chỉ nuôi tự phát, bây giờ Nhà nước có chủ trương cho nuôi, cấp giấy phép quản lý nên việc xuất nhập giống cũng như nhung hươu dễ hơn. Kết hợp làm vườn với nuôi hươu, nai nên đời sống của người dân đã nâng cao rõ rệt, nhiều hộ làm giàu nhanh chóng”, ông Quách Minh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Êbur, cho biết.

Hiện nay, giá 1 kg nhung trên thị trường hơn 10 triệu đồng, con giống có giá khoảng 20 đến 30 triệu đồng, muốn nuôi cần có số tiền đầu tư trên dưới 100 triệu đồng. Từ khi đàn hươu nai đông đúc lên, nghề cắt nhung cũng “ăn theo” với những nhóm thanh niên cắt nhung chuyên nghiệp hơn 10 người.

Ở xã Cư Êbur, mỗi khi con cái lập gia đình, cha mẹ thường cho 1 - 2 con hươu, nai để làm của hồi môn và vì thế, số hộ nuôi ở Cư Êbur tăng lên nhanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.