Bắc Vân Phong yên ắng

Các văn phòng giao dịch BĐS tại Vạn Giã yên ắng. Ảnh: L.C.C.
Các văn phòng giao dịch BĐS tại Vạn Giã yên ắng. Ảnh: L.C.C.
TP - “Tại riêng Vạn Giã, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) có tổng cộng 30 văn phòng giao dịch đất đai, tuy nhiên gần đây, đều đồng loạt đóng cửa” - ông Nguyễn Công Bằng - Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, cho biết. Hàng loạt văn phòng giao dịch kín cổng, giám đốc, nhân viên “tháo chạy”, thậm chí dỡ bỏ bảng hiệu, chỉ dùng để ở, sinh hoạt bình thường.

Ngày 13/6, hai ngày sau thời điểm Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) được Quốc hội tạm dừng thông qua, ghi nhận của PV Tiền Phong khi đến vùng đất “nóng” Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) là sự im ắng khó tin.

“Nhìn các văn phòng ở đây là hiểu. Một ngày tiếp từ hàng chục lượt, nay chúng tôi chỉ ngồi ngáp ruồi” - đại diện một văn phòng giao dịch BĐS tại thị trấn Vạn Giã, ngao ngán. “Làm ăn không ra. Nên phải kiếm cách khác. Một số công ty môi giới đất đai, tuy đặt ở đây (Vạn Giã - PV) nhưng thực ra là bán đất ở nơi khác” - ông Mai V.H giám đốc một công ty BĐS có tiếng tại Vạn Giã, chia sẻ. Theo ông H, điều này cũng không có gì bất ngờ. Khi những người buôn đất ở đây đều kì vọng giá đất sẽ tăng. Nhưng sau lệnh tạm dừng, giá đất lại chững, không xuống cũng không lên. Khiến không chỉ các công ty, mà các nhà đầu cơ, cò đất lai vãng cũng “chết đứng”.

Lý giải cho việc giá đất không tăng, Chủ tịch thị trấn Vạn Giã Nguyễn Công  Bằng, cho biết, đất tại Vạn Giã là đất đô thị nên khi qua đi cơn sốt đất đặc khu, nó vẫn bình ổn với mức tăng ban đầu. Tuy nhiên, đối với giới đầu cơ đất thì đây hoàn toàn không phải là sự bình ổn đáng mong đợi. Ông Bằng cũng cho biết, phạm vi xử lý đất tại thị trấn Vạn Giã cũng chỉ giới hạn 2 loại là đất chuyển nhượng và thừa kế, hiện mỗi ngày cũng chỉ xử lý 1-2 hồ sơ giao dịch đất đai.

Trước tình thế này, một số người đầu cơ đất phải tìm cách chuyển nhượng vội vã với mong muốn thu hồi vốn, “thoát lỗ”. Ông Nguyễn Công Bằng cũng cho biết, đã xuất hiện tình trạng người bán làm thủ tục ủy quyền sử dụng đất cho người mua, thay vì làm hợp đồng chuyển nhượng như trước. Đồng thời,  sau quyết định tạm dừng thông qua Dự án Luật Đặc khu, tình trạng bảo kê hoàn toàn vắng bóng. Các văn phòng giao dịch còn sót lại cũng cho biết, không còn thấy nhóm thanh niên địa phương đến “mời uống cà phê” và đòi hỏi tiền bảo kê nữa.

Theo báo cáo của địa phương, riêng Vạn Giã chỉ trong quý I đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.250 hồ sơ đất đai (bằng 186,4% tổng số hồ sơ so với cả năm 2016 và bằng 65,3% năm 2017).
MỚI - NÓNG