Bác gái BN 17 ra viện sau nhiều lần 'thập tử nhất sinh' vì COVID-19

BN 19 là bác gái BN 17 đã được ra viện vào sáng 3/6.
BN 19 là bác gái BN 17 đã được ra viện vào sáng 3/6.
TPO - Sau gần 3 tháng điều trị COVID-19 với nhiều thời điểm thập tử nhất sinh, ngày 3/6 bệnh nhân 19 là bác gái bệnh nhân 17 đã được xuất viện và trở về với gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện bệnh nhân 19 (BN) đã có thể tự đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Tâm trạng vui vẻ và phấn chấn, bà tâm sự nhiều chuyện với nhân viên y tế của bệnh viện. Được biết, sau khi về TP.HCM, bà tiếp tục được theo dõi tim mạch tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bà Lê Tuyết H., 64 tuổi, là bệnh nhân COVID-19 thứ 19 tại Việt Nam, khởi phát bệnh sau khi tiếp xúc trực tiếp với cháu gái - bệnh nhân 17.

Trước đó, bà H. ra Hà Nội ngày 28 Tết, hỗ trợ cháu gái (bệnh nhân 17) lau chùi, dọn dẹp khách sạn, đồng thời phụ tuyển giúp nhân viên. Ngày N.H.N. về nước, thấy cháu có biểu hiện ho sốt, bà đưa N. vào bệnh viện thăm khám. Nhưng bà không ngờ được rằng, chính mình cũng là bệnh nhân COVID-19 được công bố chỉ một ngày sau.

Ngày 5/3, bà có biểu hiện lâm sàng như ho, sốt,... 2 ngày sau, xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, bà được xe cấp cứu đưa tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay trong đêm. Thời điểm đó, sức khoẻ bà ổn định, ăn uống bình thường trong tuần đầu nhập viện.

Ngày thứ 8, bệnh tình của bà diễn biến xấu. Đến ngày thứ 10, trong lúc đang xem vô tuyến, bà rơi vào trạng thái hôn mê, triệu chứng khó thở tăng lên.

22h ngày 15/3, bà có biểu hiện suy hô hấp nặng, phải đặt ống khí quản, thở máy và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực để lọc máu và theo dõi điều trị.

Đêm 18/3 - sau 3 ngày thở máy, oxy hóa máu của bệnh nhân tụt rất nhanh và thở máy tối ưu không thể đảm bảo được tình trạng oxy máu. Lúc này, kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) là cách duy nhất để giữ mạng sống cho bà. Đội ngũ y bác sĩ "tinh nhuệ" nhất được giao trọng trách thiết lập ECMO cho bệnh nhân 19. Gần một tiếng sau, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đã tạm thời ổn định.

Sang ngày 4/4, bà H. đã có thể tự thở, cai ECMO sau 20 ngày liên tục, tình trạng tốt dần lên. Các bác sĩ nghĩ rằng đã đi được 70% chặng đường, cho đến thời điểm gần 1h sáng 8/4, bệnh nhân rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nói rằng "khó có thể tưởng tượng 3 lần ngừng tuần hoàn mà vẫn quay lại được với cuộc sống, vì bình thường có khi ngừng 2 lần gia đình đã xin về. Đó là sự hồi phục vượt cả tưởng tượng của chúng tôi".

Sau ngừng tuần hoàn, các cơ quan của bệnh nhân 19 đều bị tổn thương, phát sinh nhiều vấn đề, được các bác sĩ theo dõi 24/24h. Từng ngày, bà dần phục hồi cả về tri giác, nhận thức, có thể giao tiếp, tập ăn uống và đi lại. Các dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Ngày 15/5, bà được rút ống thở, tập vận động mỗi ngày. Đến ngày 27/5, BN 19 có kết quả xét nghiệm 7 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở, tự thở khí phòng, tim đều, phổi không rales. Bà đủ điều kiện công bố khỏi bệnh, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.