Ba khía Bạc Liêu

Gỏi đu đủ ba khía
Gỏi đu đủ ba khía
TP - Xứ Bạc Liêu có hai đặc sản phi vật thể: Ca cổ (ca vọng cổ) và những giai thoại về Hắc công tử, hay công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy “đốt tiền nấu đậu để khoe mình giàu”. Những món ăn dân dã cũng rất đặc biệt.
Gỏi đu đủ ba khía
Gỏi đu đủ ba khía.
 

Bạc Liêu là nơi ông tổ của nghệ thuật vọng cổ- nhạc sỹ Cao Văn Lầu, tác giả bản Dạ cổ hoài lang kinh điển, sống phần lớn cuộc đời và phát triển nghệ thuật cải lương. Tới tận bây giờ, quán ca cổ với những kép, đào nghiệp dư phát triển nhiều hơn tụ điểm karaoke.

Người ta kể ông Hội đồng Trạch, cha của Trần Trinh Huy tích tụ được số ruộng đất khổng lồ, hơn 100.000 ha. Dưới tay nhà ấy cơ man là tá điền làm thuê. Ngôi biệt thự xa hoa ngày nào giờ là khách sạn Công tử Bạc Liêu, thuộc sở hữu nhà nước.

Con cháu ông Trần Trinh Huy, sau khi tiêu tán phần tài sản gia đình để lại, giờ nghèo hơn người bình thường. Một người con của ông Huy chạy xe ôm, hằng ngày vẫn đi qua căn nhà xưa kia lừng danh của
cha mình.

Đến Bạc Liêu, tôi được biết có những món ăn dân dã của người nghèo xưa, trong thời buổi hiện đại đâm ra trở thành đặc sản. Như món ba khía chẳng hạn. Người ta gọi giống vật họ cua ấy như vậy vì trên lưng chúng có ba cái vạch như ai lấy dao khía. Ba khía có khắp ĐBSCL ở những vùng nước lợ, nước mặn nhưng dân sành ăn nói ba khía Cà Mau, Bạc Liêu ngon hơn cả. Ở Bạc Liêu còn có món mắm ba khía
nổi tiếng.

Dân hạ bạc kể rằng, vào thượng tuần tháng 10 âm lịch hằng năm, có một hai đêm, ba khía xuất hiện nhiều vô kể. Ấy là lúc nước dâng ngập các thảm rừng tràm, rừng đước… Ba khía mẹ dẫn đàn con ra bờ nước đông đặc nên người ta gọi là hội.

Lúc ấy, dân hạ bạc miệt U Minh, Bạc Liêu chỉ việc đi xuồng, rọi đèn, tay đeo găng quơ từng nắm. Một đêm có thể bắt được cả tạ. Có nhiều, không ăn hết ngay, người ta làm mắm. Cái lu lớn, một muối ba nước, ba khía rửa sạch bỏ vô. Muốn muối ba khía ăn dần, phải điều chỉnh lượng muối, cho thêm vài tép tỏi.

Có một cách ăn ba khía rất đặc sắc mà bất cứ người dân nơi đất mũi Cà Mau, Bạc Liêu nào cũng biết. Đại để là sáng dậy đi làm đồng, nông dân chỉ việc mang theo nắm cơm, vài con ba khía còn sống ngoe nguẩy. Bóc mai, bỏ đi cái yếm rồi trộn tất cả với chanh, tỏi, ớt (có người bỏ thêm đường).

Đến trưa, giở nắm cơm ra ăn với ba khía, lúc này đã ngấu. Không qua nấu nướng nhưng cảm giác những con ba khía trộn ăn đậm đà hơn cả cua rang me mà không có vị gì hôi tanh dù thực ra miếng ba khía còn sống nguyên. Trong con ba khía đã thấm đẫm thứ mặn mòi của vùng nước lợ ven biển nên chả cần nêm mắm muối vẫn vừa miệng.

Người tá điền xưa gặp buổi trời mưa, ghé vô đâu đó trú, nhân tiện quơ đại vài thứ rau dại mọc đầy nơi bờ nước, ăn cơm với ba khía trộn cũng xong bữa. Nhưng món ba khía không dành cho những người yếu răng, vì ta phải nhai cả càng lẫn mai. Nếu muốn nhậu thì luộc ba khía chấm muối tiêu cũng rất ngon.

Ngày trước, mắm ba khía là món ăn của tá điền, dân nghèo. Bây giờ thịt cá ê hề, lắm khi thứ đồ ăn dân dã lại trở thành khoái khẩu. Tới thành phố Bạc Liêu, bạn nên ghé qua khu Nhà Mát, nơi có vựa mắm ba khía lừng danh. Mắm ba khía trứng là thứ đặc sản khó có thể bỏ qua.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG