Ama Kông có ngậm cười?...

Khăm Phết Lào chỉ bán thuốc tại nhà
Khăm Phết Lào chỉ bán thuốc tại nhà
TP - Nạn hàng rởm, hàng giả đe dọa sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng đang ngày càng tràn lan, thách thức sự nghiêm minh của pháp luật. Bài thuốc “cường dương bổ thận” của gia tộc Vua Voi Ama Kông không hề có đại lý phân phối, nhưng lại bày bán công khai trên cả nước là ví dụ điển hình của tệ nạn này.

Mạo danh tràn lan

Hiếm có bài thuốc gia truyền nào lại bị làm nhái, giả, rởm trắng trợn, bày bán khắp nơi từ trên vỉa hè, phố chợ, cho tới siêu thị, sân bay tại nhiều tỉnh thành, thậm chí công khai cả danh tính điện thoại lẫn địa chỉ trên mạng internet như loại thuốc được quảng cáo công dụng cường dương bổ thận Ama Kông!

Ngay tại Bản Đôn - nơi Vua Voi đã trở nên nổi tiếng với tài bắt voi và làm thuốc cùng những cuộc tình ly kỳ hiếm có - du khách cũng dễ sa vào mê hồn trận đủ loại “đặc sản gia truyền” dán nhãn Ama Kông. Loại nào cũng tự nhận là hàng chính hiệu. 

Thậm chí ngay trên căn nhà sàn cổ hơn trăm năm của gia tộc Vua Voi, con gái đầu của Ama Kông, bà Me Lẽn cũng bán nhiều thứ thuốc mượn danh ông bố trông mốc meo, lục cục. Khi hỏi thầy thuốc Khăm Phết Lào, em trai Me Lẽn, người được Ama Kông trao quyền thừa kế làm thuốc gia truyền, rằng có đáng tin không? Ông chỉ biết lắc đầu.

Những cây thuốc quý càng ngày càng hiếm, phải đi tìm rất xa, thử nghiệm trồng lại chả mọc được, tôi không thể sản xuất hàng loạt để chạy theo lợi nhuận. Phải để cho các cây thuốc quý còn kịp mọc lên, rải giống ra chứ!

Khăm Phết Lào

Khi Ama Kông còn sống, ông từng giao cho con trai thứ 11 Khăm Phết Lào kiện bác sĩ Hồ Việt Sang nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk ra tòa, vì tội mạo danh lập website amakong.com.vn để bán thuốc Ama Kông rởm. Chiều ngày 21/10/2008, tại TAND thành phố Buôn Ma Thuột, BS Sang đã phải xin lỗi gia tộc Ama Kông, cam kết gỡ bỏ hình ảnh Vua Voi Ama Kông khỏi website amakong.com.vn và đồng ý bồi thường danh dự cho Ama Kông số tiền tượng trưng 2 triệu đồng.

Số tiền đó Ama Kông tặng ngay cho người nghèo buôn Ko Tam, nơi Vua Voi sống những năm cuối đời với vợ chồng con trai thừa kế. Khăm Phết Lào cũng nhanh chóng nhờ bạn bè lập giúp một website mang tên Amakong-Khamphetlao.com để cung cấp các thông tin chính xác về bài thuốc cùng gia tộc này cho độc giả. 

Ngoài ra, còn cẩn thận mua đứt các tên miền liên quan đề phòng kẻ gian lợi dụng. Tuy nhiên cho tới nay, trang web mạo nhận amakong.com.vn của ông Sang vẫn tồn tại trên mạng với nhiều hình ảnh thông tin đúng-sai lẫn lộn về Vua Voi. Và ông Sang vẫn tiếp tục rao bán loại thuốc mạo danh Ama Kông với số lượng “muốn bao nhiêu cũng có”.

Ama Kông có ngậm cười?... ảnh 1 Quảng cáo bán thuốc Ama Kông rởm trên website

Đội ngũ bấu víu vào cái danh thuốc gia truyền Ama Kông để trục lợi khá đông đảo. Có kẻ không ngại rao trên mạng đã mở đại lý bán thuốc Ama Kông khắp các tỉnh thành. Chỉ cần gọi vào các số máy X, Y, Z là có người đem “thuốc” đến tận nơi. Trung Tâm Xúc tiến Thương mại-Đầu tư Đắk Lắk (TTXTTM) cũng có cán bộ không ngần ngại quảng cáo bán thuốc Ama Kông trên Taynguyen24h.com.vn với rất nhiều thông tin tự ý cóp của Khăm Phết Lào.

Ngày 14/7/2012 ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc TTXTTM bị “mắng vốn” về hành vi sai trái của nhân viên thuộc quyền, và ông gọi ngay ông Nguyễn Công Luân xuống “bốn mặt một lời” với ông Khăm Phết Lào và bác sĩ Nguyễn Đức Phồi - nguyên Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk. Trước mặt các ông này và đầy đủ chứng cứ ông Luân đã tự tay viết giấy cam kết gỡ bỏ các thông tin trên mạng liên quan tới thang thuốc Ama Kông và cam kết “từ nay trở đi tôi không tái phạm”. 

Thế nhưng các thông tin tiểu ngạch về thuốc Ama Kông đưa lên mạng Taynguyen24h tới nay vẫn sờ sờ, ai gõ vào cũng thấy. Khi viết bài này, phóng viên Tiền Phong gọi vào số điện thoại của TTXTTM, gặp ngay ông Luân đang trực, hỏi tại sao đã cam kết gỡ bỏ thông tin bán thuốc Ama Kông rởm mà không thực hiện? Ông Luân chối liền: “Cam kết nào ? Làm gì có?”.

Mối họa thường trực 

Trong cuộc đời dài 110 năm rong ruổi khắp Đông Dương để săn bắt, mua bán voi, Vua Voi Y Thu Knul - Khunjunop đã thuộc lòng nhiều phương thuốc quý để chữa lành vết thương, bảo vệ mạng sống cho đội ngũ thợ bắt voi. 

Những bài thuốc đó sau này được ông truyền lại cho con rể Y Prung Êban - Ama Kông, rồi Ama Kông thọ 103 tuổi lại trao quyền thừa kế cho Khăm Phết Lào - người con trai đã cùng ông vào rừng hái thuốc trong hơn 40 năm, hiểu rõ dược tính chữa bệnh cứu người, bồi bổ sức khỏe của vô số loại thảo mộc quý giá trong thiên nhiên.

Khăm Phết Lào sinh năm 1962 vừa hiểu rõ các bí quyết thuốc gia truyền, vừa học tốt nghiệp trung cấp Đông y. Kiến thức dày dặn về nghề làm thuốc, cùng khả năng sử dụng thành thạo hàng chục ngôn ngữ của các dân tộc khu vực Đông Nam Á đã giúp ông chăm chút hoàn chỉnh công thức bào chế Tơm Trơng- một trong những bài thuốc tăng cường sinh lực giá trị nhất của gia tộc Vua Voi, sau này được gọi là “thuốc Ama Kông”.

Ama Kông có ngậm cười?... ảnh 2 Sinh thời Ama Kông tự mình vào rừng đào củ làm thuốc

Để bảo đảm chất lượng thuốc quý, ông dứt khoát chối từ mọi lời mời dù hấp dẫn đến mấy về liên doanh, liên kết, xin mở đại lý hoặc nhượng quyền thương hiệu. 

Cho đến nay, bài thuốc Ama Kông đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu kèm mã số mã vạch chỉ có 1 địa chỉ bán ra duy nhất, đó là tại nhà riêng của Khăm Phết Lào ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, ngoại thành Buôn Ma Thuột.

Nói về việc vì sao và từ đâu ra các loại “Ama Kông vỉa hè”, ông cho biết khi kỹ sư Hồ Viết Sắc giám đốc đầu tiên của Vườn Quốc gia Yok Đôn khuyến khích Vua Voi biến bài thuốc “Uống vào yêu không biết mệt” thành sản phẩm hàng hóa để quảng bá du lịch cho Vườn, Ama Kông đã thuê nhiều nhóm người vào rừng hái thuốc.

Mỗi người được hướng dẫn cách lấy một vài loại thuốc khác nhau, sản phẩm thu về được cha con ông tự tay bào chế. Sau này, ai biết loại cây nào cứ đi hái loại cây đó về bán và nghiễm nhiên xưng danh thuốc Ama Kông, dù họ không hiểu gì về nguyên lý bào chế thuốc, không hiểu từng loại hoa-lá-cành-thân-rễ-củ nào chỉ được hái về mùa nào, giờ nào, sao tẩm kiểu gì, phối trộn tỉ lệ bao nhiêu để triệt tiêu độc tính, phát huy dược tính.

Chính vì vậy, những gói thuốc “Ama Kông” in nhái nhãn hiệu trông na ná nhau, nhưng giá cả trên trời dưới đất, uống vào lợi- hại ra sao chẳng biết đâu mà lần, chẳng ai chịu trách nhiệm. Thực tế đã từng có nhiều người mua nhầm thuốc rởm uống vào đau bụng, ngộ độc, không biết kêu ai.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Phồi- người nhiều năm làm Chủ tịch Hội Đông y Đắk Lắk từng phối hợp với trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, và Đại học Y Dược Huế tiến hành nghiên cứu về bài thuốc Ama Kông, than: Những kẻ làm ăn thất đức thậm chí còn mở trang web lấy tên “thaoduocsach.com” và công khai rao Ama Kông rởm là “thuốc kê đơn theo đề tài nghiên cứu của Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk”, mà chẳng có cơ quan chức năng nào quan tâm, xử lý.   

Một sáng giữa tháng 3/2014 tại sân bay TP Buôn Ma Thuột, phóng viên Tiền Phong cùng vợ chồng Khăm Phết Lào tình cờ gặp nhóm nữ tuyển thủ vừa đoạt cúp vàng giải bóng chuyền nữ mới thi đấu ở Đắk Nông lên, chuẩn bị ra Hà Nội, trên tay cô nào cũng xách những túi thuốc Ama Kông rởm. Được chủ nhân bài thuốc thương tình gọi lại bày cách phân biệt thuốc thật thuốc giả, các cô đùng đùng nổi nóng trở lại quầy sân bay trả lại hàng rồi hỏi: “Sao chú không đấu tranh chống bọn bán hàng giả?”.

Thầy thuốc Khăm Phết Lào buồn bã: Làm sao tôi chống được hàng trăm kẻ gian dối, khi họ công khai phạm pháp mà không ai đứng ra can thiệp, cũng không có cơ quan chức năng nào lên tiến

g cảnh báo để người dân phòng tránh nguy cơ ngộ độc thuốc rởm. Nhiều nhà đầu tư biết bài thuốc Ama Kông chân truyền đã được các bộ ngành chức năng quyết định cấp giấy chứng nhận độc quyền thương hiệu và nhãn hiệu từng đến đặt vấn đề xin đặt đại lý bán thuốc và rượu.

Những cây thuốc quý càng ngày càng hiếm, phải đi tìm rất xa, thử nghiệm trồng lại chả mọc được, tôi không thể sản xuất hàng loạt để chạy theo lợi nhuận. Phải để cho các cây thuốc quý còn kịp mọc lên, rải giống ra chứ!

Bài thuốc gia truyền Ama Kông - đối tượng chính trong đề tài khoa học chuyên ngành y dược mã số KX 03-07/DL2002, cơ quan chủ quản là sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, cơ quan thực hiện là trường Đại học Y Huế. 

Sau hơn ba năm nghiên cứu tại khoa Dược trường Đại học Y Huế, Viện Xạ hiếm Việt Nam, Trung tâm Phân tích Hóa hữu cơ Viện Khoa học Việt Nam đã được GS.TS Đặng Tuấn Đạt, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đại diện cho Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu xếp loại tốt.

MỚI - NÓNG