Ấn: Mua và bán

Cảnh mua bán ấn vẫn diễn ra ở đền Trần
Cảnh mua bán ấn vẫn diễn ra ở đền Trần
TP - Khai ấn đền Trần (Nam Định) không còn cảnh tranh cướp ấn, nhưng ngoài chuyện chuyển sang cướp đồ thờ, người ta mua bán ấn ngay tại đền.

> Bán Ấn tại đền Trần

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày 6-2, tại các bàn phát ấn khu vực đền Trần diễn ra cảnh mua, bán, ngã giá rất nhộn nhịp. Để có được một lá ấn, người dân phải trả tối đa là 10.000 đồng, muốn lấy thêm phải trả thêm tiền.

Chị Ngô Thị Minh, TP Nam Định, đến khu vực phát ấn (phía tay phải đền Thiên Trường) trong túi chỉ còn lại 10.000 đồng, chị Minh nài nỉ xin thêm một lá ấn nữa nhưng không được. Anh Thắng, người dân TP Nam Định đưa 70.000 đồng, nhưng người phát ấn chỉ đưa cho anh 5 lá, nên đã xảy ra đôi co.

Anh Thắng nói, thấy Ban tổ chức nói rằng, sẽ phát ấn miễn phí, nên tôi muốn xin thêm cho người thân và hàng xóm, ai ngờ đến đây họ lại thu tiền.

Khu vực phát ấn bán 10.000 đồng/lá, khu vực bãi xe bán giá 20.000 đồng, 30.000 đồng, 50.000 đồng, tùy mặt du khách mà chặt chém.

Chị Trần Thu Hà, Thanh Trì (Hà Nội) nói, việc thu 10.000 đồng/lá ấn không phải cao, tuy nhiên, Ban tổ chức Lễ hội đền Trần nên để người dân tự nguyện, bởi phần lớn họ tới đây đều tự nguyện bỏ tiền vào thùng. Việc làm này đang thương mại hóa ấn đền Trần làm mất đi ý nghĩa và nét đẹp truyền thống.

Chiều 6-2, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Cao Thị Tính (Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định) cho biết: Không có chuyện bán ấn, vì vậy không có giá cả gì. Việc người dân đến xin một lá, hai lá, hay bốn, năm lá ấn… là tùy theo nhu cầu, việc bỏ tiền tùy tâm mỗi người.

Thông tin từ bà Cao Thị Tính cho hay, đến 18 giờ ngày 6-2, người dân vẫn đổ về đền Trần xin ấn khá đông, nhưng không tái diễn cảnh chen lấn xô đẩy như năm trước.

Nhiều du khách về lễ đền Trần có cảm nhận công tác tổ chức lễ hội năm nay được chuẩn bị chu đáo hơn, không còn cảnh chen lấn để cướp ấn trong đêm 14 nữa.

Điều này thể hiện việc Ban tổ chức thay đổi thời điểm phát ấn – lùi vào sáng hôm sau và kéo dài đến hết tháng Giêng là có phần hợp lý. Ban Tổ chức bố trí 4 điểm phát ấn, nhưng chỉ có điểm phía trong đền là đông đúc lúc đầu giờ sáng, sau đó thưa dần.

Đền Trần đã giảm tải số người kéo về xin ấn vào đêm khai ấn. Theo ước tính, đêm 14 tháng giêng năm trước lượng khách đổ về tới 17-20 vạn người, nhưng năm nay, đêm khai ấn chỉ có khoảng 2-3 vạn du khách ở lại, chờ đợi để vào lễ đền đầu năm.

Vạn người cầu duyên xin lộc ở thác Pongour

Giới trẻ nô nức trẩy hội Pongour
Giới trẻ nô nức trẩy hội Pongour.
 

Lâm Đồng - Từ ngày 5 đến 6-2 (14 và 15 tháng giêng âm lịch), hơn 8.000 du khách cùng hàng ngàn người dân địa phương tham quan thác Pongour (xã Tân Thành, Đức Trọng) nguyện ước tình yêu son sắt, hôn nhân bền vững.

Theo các già làng, thuở xa xưa, tù trưởng dân tộc K’ho là nàng K’Nai xinh đẹp, thủy chung đã đột ngột từ trần khiến 4 chúa sơn lâm tê giác thương tiếc tuyệt thực chết theo. Sừng của tê giác hóa đá và suối tóc của nàng K’Nai đã biến thành dòng nước.

Pongour từng rất hùng vĩ, được xưng tụng là Nam Thiên đệ nhất thác. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay, dòng suối phía thượng lưu đã bị chặn dòng để vận hành Nhà máy thủy điện Đại Ninh nên nguồn nước về thác Pongour khá ít ỏi.

Lượng khách trẩy hội vì thế giảm dần. Đơn vị quản lý khu du lịch Pongour phải xây dựng hệ thống điều tiết nước để dòng thác không bị cạn khô.

Năm nay xuất hiện nhiều cơn mưa xuân bổ sung đáng kể lượng nước ở thượng nguồn dòng thác khiến Pongour có sức sống hơn.

Nhiều đôi trai gái tắm mình trong dòng thác hoặc bơi lội ở hồ nước dưới chân thác; một số bạn trẻ dùng chai, lọ hứng nước từ khe suối mang về cho người thân rửa mặt nhằm cầu xin duyên lành, may mắn. - Kim Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG