Ý tưởng tỏ, lời thoại “lu”
Đầu tiên, phải khẳng định ngay rằng, rất khó để nói đây là một phim dở hoặc hay, vì nó đi chính giữa, với cái chất khá điện ảnh, nhưng làm thì chưa tới.
Sự “lưỡng lự” này nhìn thấy rõ nhất ở mối quan hệ giữa ý tưởng và lời thoại kịch bản. Trong lúc ý tưởng về cái chết oan trong ngôi biệt thự của gã doanh nhân bạo dâm (Dustin Nguyễn) được xây dựng khá kín, nó khiến cho khán giả vài phen hồi hộp vì cuốn hút (đây cũng là nguồn cơn của các mối dây tạo sinh nhân vật: Với cô gái đẹp, buồn và gợi tình - Đinh Ngọc Diệp đóng; với anh chàng tay sai lừa Mị - Đình Hiếu đóng; với đứa trẻ loạn trí; với ông già bán sách; với bóng ma - Tâm Tít đóng…) thì lời thoại lại khá “non tay”, tính đáp chát kiểu kịch nói lộ khá rõ, nhiều chỗ nói dài mà thiếu, nói ngắn lại thừa.
Phim thuộc thể loại vụ án bí ẩn pha tâm lý xã hội, nhưng vì lời thoại không tốt, nó đã “lấy được” tiếng cười không cần thiết ở nhiều đoạn. Với một câu chuyện như thế này, nếu có một “bác sĩ” lời thoại giỏi nghề, thì chắc chắn sự hồi hộp, tính bí ẩn… sẽ tăng lên gấp bội.
Dựng phim đơn điệu
Đừng nói gì đến thế giới, kinh nghiệm tại Việt Nam cũng cho thấy, một đạo diễn giỏi ở phim trường chưa hẳn đã giỏi ở phòng dựng, nhiều trường hợp còn vụng về nữa là khác. Chính vì vậy mà Sài Gòn mới xuất hiện các chuyên gia dựng và “bác sĩ” chữa bệnh dựng cho phim trong mấy năm gần đây.
Vì thời gian quay ngắn (17 ngày) và kinh phí trung bình thấp (khoảng 2 tỷ đồng), nên có thể thấy bộ phim khá tiết kiệm về bối cảnh. Tuy nhiên, với chất ma quái, tiết kiệm bối cảnh chưa hẳn là dở, vì cái cảm giác cùng nhân vật như bị “sa lầy” vào một không gian, khó thoát ra được cũng khá hấp dẫn. Cái đáng nói nhất là sự đơn điệu về góc máy và ít thay đổi về khuôn hình, nhiều trường đoạn liên tục là cảnh ráp nối của những khuôn hình đơn, kéo dài quá mức bình thường, nhưng lại ít phục vụ cho ý đồ thể hiện.
Với cách quay như vậy, đáng lý, người dựng phim phải “chịu khó” cắt và ráp liên tục các “thước phim” thật ngắn, thật tinh, nhằm xen kẽ các khuôn hình, để thay đổi và cuốn hút thị giác người xem. Khi để một khuôn hình hơi lâu, việc chuyển góc máy, chuyển cảnh… thường dễ gây “tức mắt”.
Cảnh trong phim Giữa hai thế giới. |
“Đối sách”cùng ngôi sao
Rõ ràng, sự xuất hiện của các diễn viên như Dustin Nguyễn, Đinh Ngọc Diệp, Tâm Tít… đã tạo được sự thu hút của dư luận từ khi phim mới bấm máy. Chính đạo diễn Vũ Thái Hòa cũng chia sẻ: “Được hợp tác với anh Dustin Nguyễn là một điều rất may mắn của tôi”.
Thế nhưng, với môi trường điện ảnh như Sài Gòn, có thể đoán cát-sê trong phim này vào khoảng 700 triệu đồng cho tất cả, riêng Dustin Nguyễn (diễn viên cao giá hạng nhất) và Đinh Ngọc Diệp cũng đã khá “nặng gánh”. Nên khi có được ngôi sao thì còn lại ít tiền để sản xuất, nên khó đầu tư vào “phần cứng”, tất cả chỉ còn trông chờ vào tài năng diễn xuất của các vai chính.
Vai doanh nhân trong phim này có một “tiểu sử” khá khác với các nhân vật mà Dustin Nguyễn từng đảm trách. Cách diễn của anh tuy không đột phá, nhưng đã khắc họa được tính cách của nhân vật, với một bề ngoài hào nhoáng, nhưng trong lòng có những mặc cảm và ẩn ức. Đây là một vai chính khá ít lời thoại, tất cả đạo diễn muốn biểu hiện qua cử chỉ, cảm xúc.
Nếu xử lý khéo, cái nền tâm trạng của nhân vật này sẽ rất lôi cuốn, thế nhưng, với cách mà người vợ (Ngọc Diệp) đối thoại với các nhân vật còn lại thì hoàn toàn “mất chất”, gây cười vô cớ. Nếu đạo diễn cho vai của Ngọc Diệp hoàn toàn trầm uất, nói ít hơn nữa, thì có lẽ không khí căng thẳng của phim sẽ tăng lên gấp bội.
Chính vì vậy, mà có ý kiến đặt ra rằng, liệu một phim gần như đầu tay, với kinh phí thấp, đạo diễn hay đoàn phim có nên mời gọi các ngôi sao hay không? Cũng với kinh phí này, nếu chỉ gọi các diễn viên giỏi nghề, chịu khó, phần còn lại san sẻ cho các bộ phận khác thì chắc quá trình sản xuất sẽ hiệu quả hơn.
Phim Giữa hai thế giới (KB: Đỗ Minh Viên, ĐD: Đỗ Thái Hòa) ra rạp sai kế hoạch vì 9 nhát cắt vào phút cuối của cơ quan kiểm duyệt, khiến cho tác phẩm chỉ còn khoảng 85 phút, thay vì 90 phút. |