Sẽ rút gọn tiêu chí chọn quốc hoa

Sẽ rút gọn tiêu chí chọn quốc hoa
TP - “Việc cần làm bây giờ là tập trung thảo luận tiêu chí, và đề cử hoa nào sát với tâm nguyện của nhân dân. Nếu tiêu chí chưa chuẩn thì sẽ sửa”- họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm- nơi được Bộ VHTT& DL giao soạn thảo đề án quốc hoa nói.

 >> Quốc hoa cho nhân dân vui

Ảnh: Đỗ Đức

Ảnh: Đỗ Đức.


13 tiêu chí chọn quốc hoa có vẻ quá ôm đồm, thưa ông? Chẳng hạn với tiêu chí “trồng ở hầu khắp mọi miền đất nước”, “thời gian nở hoa quanh năm hoặc kéo dài trong năm” thì may ra hoa bèo và hoa chuối đáp ứng được?

Bạn chọn hoa nào làm quốc hoa?
  •   Hoa Sen
  •   Hoa Đào
  •   Hoa Mai
  •   Loài hoa khác
  •   Không cần quốc hoa
    

Đúng là ôm đồm. Ban soạn thảo do Bộ VHTT&DL thành lập gồm khoảng chục thành viên ở nhiều bộ ngành như ngoại giao, nhà khoa học, nhà nghiên cứu sinh vật cảnh, nhà nông học, nhà xã hội học, nhà mỹ thuật, nhà nghiên cứu di sản. Bước đầu đề ra 13 tiêu chí nhưng ngay trong hội thảo “Quốc hoa Việt Nam- sự cần thiết và tiêu chí lựa chọn”, đã có ý kiến cho rằng nên rút gọn lại.

Có những tiêu chí nghe có vẻ khoa học, nhân văn nhưng thiếu thực tế. Vừa qua chỉ là dự thảo. Chắc chắn sẽ rút lại còn khoảng 5 tiêu chí chính thức, lấy ý kiến rộng rãi từ đó tiến hành đề cử chọn lấy quốc hoa.

Ông thấy sao trước luồng ý kiến cho rằng chọn quốc hoa chỉ là việc làm đua đòi mang tính phong trào; rằng có phải vì du lịch đã có nem, phở, áo dài nên nay cũng phải có hoa?

Việc chọn quốc hoa, nếu nghĩ rằng đua đòi thì thật sai lầm. Vấn đề này được đưa ra lâu rồi. Nó xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhất là lĩnh vực ngoại giao.

Hãy cân nhắc xem nếu chọn quốc hoa thì được gì và mất gì. Lợi ít hay nhiều, hại ít hay nhiều. Theo tôi việc này có tốn kém thời gian tiền của gì của nhân dân đâu. Mà rõ ràng là được rất nhiều.

Ông Vi Kiến Thành
Ông Vi Kiến Thành.

Các đồng chí lãnh đạo và bên ngoại giao đều nói, thực sự cần quốc hoa, quốc phục. Bên ngoại giao giục “làm thế nào chọn được quốc hoa sớm ngày nào tốt ngày đó”.

Trong dịp trình quốc thư, dự những lễ đòi hỏi trang trọng, thực sự chúng ta không biết làm thế nào. Phải đi mượn, đi thuê những bộ quần áo không phù hợp. Trong khi đó là dịp để tôn vinh văn hoá dân tộc. Quốc hoa cũng vậy. Việc này chẳng có gì mà vội, chẳng có gì tốn kém. Đây là việc rất dễ mà rất khó. Nếu đạt sự đồng thuận cao thì dễ, quyết được sớm. Còn không thì cứ để từ từ đã.

Qua một số đề cử ban đầu, thấy 9 người 10 ý, sợ rằng lại khó như chọn quốc phục?

Vừa qua mới chỉ có một hội thảo diện hẹp về quốc hoa. Cơ quan quản lý sẽ phải bình tĩnh sàng lọc, nhất là ý kiến qua kênh báo chí.Việc chọn quốc hoa cùng lắm tốn khoảng 3, 4 cuộc hội thảo, sau đó qua thông tin báo chí và dư luận, trình Thủ tướng quyết. Nếu nói đua đòi, lãng phí thời gian tiền của, là cách nhìn thiếu thực tế, thiếu xây dựng.

Còn quan điểm cho rằng: "người Việt rất yêu hoa nhưng không thờ phụng riêng loại hoa nào, vậy sao phải mất công xây dựng quốc hoa"?

Quốc hoa không phải để thờ phụng.

Đúng là ở trong nước với nhau thì chưa cần quốc hoa. Nhưng khi muốn quảng bá đất nước con người Việt Nam, khi tham gia các hoạt động quốc tế mà thiếu đi bản sắc, bị bất tiện, thì sao? Mà có đáng phải thiếu không, có gian nan và tốn kém đến độ phải chịu thiếu hay không. Xét về mọi mặt chỉ có lợi, sao lại không làm.

“Tạo hình và màu sắc của sen quá đẹp” - họa sĩ Vi Kiến Thành

“Tạo hình và màu sắc của sen quá đẹp” - họa sĩ Vi Kiến Thành .


Ông là họa sĩ sáng tác. Về mặt thẩm mỹ, ông thấy ứng viên nào nổi bật, phải chăng là sen? Có phải sen đã được chọn trước khi soạn tiêu chí - soạn tiêu chí để phù hợp với hoa sen? Nhưng sen đâu có “bền” như tiêu chí đặt ra?

Đúng, tôi tiến cử sen hồng.Tiêu chí “bền” có lẽ phải xem lại. Không có chuyện chọn hoa sen từ trước. Cuộc họp lấy ý kiến rộng rãi vẫn chưa diễn ra, nay tôi chỉ phát biểu với tư cách cá nhân.

Sen trắng đã có nước lấy rồi. Về mặt sinh học, hoa sen hồng phổ biến ở khắp Trung Nam Bắc. Đồng Tháp Mười rất nhiều sen hồng.

Sen hồng dễ thuyết phục, dễ tạo đồng thuận. Sen sống ở đầm nước, hồ ao, đúng là sản phẩm của một nước nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm của nền văn minh lúa nước.

Hoa sen cũng gợi cốt cách của người Việt qua bao khó khăn khổ ải, vươn lên với sự thanh sạch, cao sang, thuần khiết.

Về màu sắc- nhị vàng, lá xanh, cánh màu hồng cũng gợi liên tưởng đến cờ tổ quốc, gắn với hình ảnh đất nước. Về tạo hình thì tuyệt vời. Nhìn từ trên cao xuống, nhìn nghiêng, nhìn từ tất cả các góc đều đẹp. Nhiều loại hoa đẹp về màu sắc nhưng không đẹp về tạo hình.

Sen đi vào đời sống từ rất lâu rồi, len lỏi trong tâm linh, đời sống của người dân. Nay chúng ta chỉ làm động tác chốt lại mà thôi.

Theo ông bước tiếp theo của việc chọn xong quốc hoa là làm gì?

Chúng ta đã có cái để mà giới thiệu với bên ngoài. Mặc định trong tư tưởng, tư duy, tâm khảm rằng chúng tôi có quốc hoa.

Cũng có thể sau khi được chọn làm quốc hoa, cứ khoảng 5 đến 3 năm ta lại có một lễ hội sen. Lễ hội hoa đường phố của Hà Nội chẳng hạn, hoa sen là trọng tâm. Hay một lễ hội văn hoá Việt Nam ở nước ngoài sẽ có hình ảnh nào đó của hoa sen được giới thiệu. Một quốc tiệc cũng sẽ có bình sen, hình ảnh hoa sen. Sen vốn có chỗ đứng trong đời sống, vì sen quá đẹp. Chẳng qua bây giờ chính thức hóa mà thôi.

Tiêu chí chọn quốc hoa (dự thảo, do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ VHTT& DL soạn thảo)

1.Có nguồn gốc hoặc được trồng lâu đời ở Việt Nam

2.Thích nghi và được trồng ở hầu khắp mọi miền đất nước

3.Thời gian nở hoa quanh năm hoặc kéo dài trong năm

4.Thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tinh thần cốt cách, ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam

5.Bền đẹp về hình thức, mầu sắc và hương thơm

6.Thông dụng trong đời sống sinh hoạt của nhân dân (hoa cắt, hoa chậu, trồng phong cảnh, trang trí…)

7.Có giá trị về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho nhiều người dân

8.Có giá trị thẩm mỹ, hội họa (đã được sử dụng trong các công trình điêu khắc, hội họa, kiến trúc)

9.Có giá trị văn học, nghệ thuật (đã được đưa vào thơ ca truyền thuyết, lễ hội…)

10.Được đại đa số người dân yêu thích, chấp thuận và tôn vinh

11.Có giá trị lịch sử (gắn với nhân vật hoặc sự kiện lịch sử)

12.Có khả năng mở rộng và phát triển trong tương lai

13.Không trùng lặp với quốc hoa của các quốc gia khác 

MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.