>> Loạt bài về Quốc hoa Việt Nam
Hoa tử vi (tường vi, từ bi) Ảnh độc giả cung cấp. |
Bạn chọn hoa nào làm quốc hoa? |
|
Chọn quốc hoa là chuyện vui cho toàn dân, không cứ chọn ở thời điểm nào. Cuộc sống có thứ này, thứ kia, nếu làm cho nhân dân vui, tôi nghĩ nên làm, không phải mình bày vẽ.
Đúng là không có quốc hoa thì chẳng chết ai, nhưng con người luôn hướng tới chân-thiện-mỹ. Quốc hoa mà làm cho đời thêm tươi thì sao ta phải từ chối. Hơn nữa, bây giờ khác rồi, không còn sống trong thời đói kém nữa.
Tôi đến Nhật, nghe nói rất nhiều về lễ hội hoa anh đào. Người Nhật tự hào về hoa anh đào là đúng. Còn ở Việt Nam, hoa sen vốn đi từ trong tiềm thức nhân dân. Bông sen biểu trưng cho con người Việt Nam đau khổ nhưng vươn lên. Chúng ta đẹp như một bông sen.
Ấn Độ chọn sen làm quốc hoa, tôi thấy chẳng sao. Sen Việt Nam và sen Ấn Độ có những tương đồng, nhưng khác ở suy nghĩ. Sen biểu trưng cho con người Việt Nam đi lên từ bùn lầy, gian khó, bây giờ là dân tộc có tiếng tăm trên thế giới.
Sen không chỉ có sen hồng, còn sen trắng nữa. Họ chọn rồi thì kệ họ. Khi chọn quốc hoa nên có một hình dạng dễ nhận thức, biểu hiện điều gì đó tròn trịa. Còn hoa lúa là những chấm phá, ít biểu tượng. Trong ca dao, tục ngữ người ta ít nhắc tới hoa lúa. Còn hoa đào thì phôi pha lắm. Hoa sen tượng trưng cho con người Việt Nam, phẩm chất người Việt Nam. Tôi rất thích.
GS Tô Ngọc Thanh. |
Chọn quốc hoa để làm gì? Để biểu hiện đất nước ấy, con người ấy. Và đất nước ấy, con người ấy có lịch sử. Nếu chúng ta chọn hoa lúa, chúng ta chỉ nói đến một nền nông nghiệp lúa nước thôi, như thế không thể trở thành biểu tượng.
Nhìn vào quốc hoa người ta hiểu, bản thân quá trình sinh trưởng của cây hoa ấy có biểu trưng cho quá trình phát triển của một dân tộc không. Tôi thấy hoa sen đáp ứng nhiều tiêu chí nhất.
Khi tôi đi giảng ở nước ngoài, tôi luôn lấy hình ảnh bông hoa sen làm biểu trưng cho người Việt Nam: Nó không chỉ là bông hoa, nó là tâm thức của chúng tôi về dân tộc mình. Nhiều người nước ngoài nói, hoa sen là biểu tượng xứng đáng cho người Việt Nam.
Cho rằng hoa sen không đại diện cho 54 dân tộc anh em, vì không phải dân tộc nào cũng có? Nếu thế một vườn hoa mới đủ. Tư duy như thế làm sao thành một quốc gia? Ở thời đại sinh ra một quốc gia, có nghĩa các dân tộc dù trước kia anh như thế nào, bây giờ phải sống chung trong một quốc gia. Chính vì thế, chọn quốc hoa nghĩa là chọn một loài có thể đại diện.
Khi chọn điệu múa tập thể, ai dám bảo điệu múa xòe của người Thái là của riêng người Thái. Tại các festival quốc tế, chúng ta mang văn hóa cồng chiêng đi, ai dám bảo đó không phải là Việt Nam. Biểu trưng quốc gia là tinh hoa của cả dân tộc, chứ không riêng lẻ của một dân tộc.
Nói khó tìm được bản sắc người Việt, rằng nhà cửa, đình chùa miếu mạo của ta giống người khác là không đúng. Nhác qua cũng mái cong, đầu đao đấy, nhưng vào trong mà xem. Những vì kèo ở nhà rường Huế, đố thấy giống Trung Quốc hay Nhật Bản. Thực ra, đến thời đại hôm nay, không còn một dân tộc nào hoàn toàn thuần chủng. Dân tộc nào cũng học hỏi của một dân tộc khác. Văn hóa có những cái chung và cái riêng. Khẩu hiệu của khu vực Đông Nam Á từ bao lâu nay là thống nhất trong đa dạng.
Toan Toan (ghi)
Tôi kiến nghị chọn hoa tử vi (tường vi, từ bi) Căn cứ tiêu chí chọn quốc hoa của bộ VHTT&DL, tôi đề nghị chọn hoa tử vi. Cây hoa tử vi (tường vi) họ Lagerstroemia indica L, lythraceae. Lá mọc đối, hoa mọc thành chùm ở ngọn cành. Hoa to, màu đỏ hoặc hồng nhạt, hương thơm nhẹ. Ra hoa vào mùa hạ- thu. Trồng phổ biến khắp nước ta để làm cảnh, vì hoa đẹp. “Hoa tượng trưng cho vẻ đẹp bình dị, dân dã” (Từ điển hoa-NXBGD 2006-trang 420). Tại một số nhà chùa cổ, tử vi còn có tên gọi là hoa từ bi. Theo các sư “Hoa từ bi là lòng yêu thương con người. Phật dạy: Trong con có sẵn cái mà con đang tìm (tính bản thiện), phải biết tự thắng chính mình thì có sức mạnh, biết từ chối mọi thèm khát dục vọng để cuộc sống thanh thản, tự do và hạnh phúc”. Cây hoa tử vi (tường vi, từ bi) chính là biểu hiện lẽ sống đạo lý, nhân văn, là tinh thần cốt cách, ý chí của dân tộc. Từng có bài hát ca ngợi hoa từ bi do Nguyễn Thị Ngọc Ngoan thể hiện. Cách đây 10 năm, đến Nhật, chúng tôi thấy hoa anh đào trồng đại trà, hoa nở đẹp từ tháng Ba nhưng chỉ được 15 đến 20 ngày. Nơi nào ở thành phố chỉ cần có 10m2 trở lên, vùng rừng núi phủ cây anh đào, đều tạo cảnh quan đẹp, rất thư giãn. Chúng tôi nảy ý tưởng: Việt Nam có thể trồng đại trà cây hoa tử vi ở khắp mọi nơi, nhất là dọc các phố, công viên, chậu cảnh ở ban công, dọc bờ sông. Nhiều khu đá, suối ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Lâm Đồng nhiều cảnh quan đẹp hơn ở Nhật. Hoa tử vi dễ trồng, cắt cành bánh tẻ 8 đến 10 cm trồng như hom sắn, cây cao 2 đến 3 m, lá nhỏ, không sợ bão, không có sâu bọ, trồng vào mùa xuân hoặc mùa mưa. Sự ưu việt của cây hoa tử vi, như đã nói, nằm ở triết lý đạo đức, nhân văn cao. Hoa bền kéo dài 2 đến 3 tháng, trồng đại trà dễ, màu sắc đẹp. Khác với sen đã có hai nước dùng, chỉ mọc ở ao đầm, chóng tàn. Đào-mai-ban thì chỉ có từng miền. Hoa gạo khi rụng, ruồi muỗi nhiều. Hoa mào gà chỉ có ý nghĩa tượng hình, không rõ bản sắc văn hóa dân tộc... Bùi Liên - Giang Hà (38B/8 Lý Nam Đế Hà Nội) |