Năm 1978, tại Paris, Quách Thị Hồ (1911-2001) được Hội đồng Âm nhạc Quốc tế UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc So sánh trao Bằng Danh dự “Vì những đóng góp đặc biệt cho những truyền thống âm nhạc có giá trị văn hóa và nghệ thuật đỉnh cao”. Mười năm sau, bà được phong Nghệ sĩ Nhân dân. Những năm cuối đời, bệnh viêm khớp biến chứng gắn chặt bà với chiếc giường- sân khấu cuối cùng của đời nghệ sĩ... |
Bà được đánh giá cao do kỹ thuật hát và phách riêng.
Ông Đặng Hoành Loan - nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, người chủ trì hồ sơ ca trù đệ trình UNESCO công nhận di sản nhân loại cho rằng: “Quách Thị Hồ sử dụng cách hát phá cách để đẩy tính nghệ thuật, tính âm nhạc trong ca trù đến đỉnh cao”.
Khi bà Hồ mở quán hát ở Vạn Thái (Bạch Mai bây giờ), cô đào Nguyễn Thị Chúc đang hát ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, Hà Đông.... Năm nay 78 (kém bà Hồ hai chục tuổi), bà Chúc chỉ được nghe giọng hát đàn chị qua băng đĩa.
Bà Chúc nói: “Bà Hồ hát tôi không biết có hay nhất hay không, nhưng một mình một kiểu, đặc biệt là lối luyến láy, nẩy hạt. Phải rất khỏe mới nẩy được”.
Bà cũng cho rằng nhiều người hát hay nhưng “bà Hồ đặc biệt ở chỗ hát như là người ta cáu gắt ấy, nghe khó nhọc lắm, nhưng lại hay, không tốn giọng bằng người khác”.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhớ lại: “Vào những năm 1980-1985 lúc bà còn khỏe khoắn, ca trù vẫn bị coi là không đứng đắn, nên không được phát huy. Bà có dạy cho cháu gái nhưng cô không có tố chất nên cũng không theo được nghề”.
Khi ca trù bị bãi bỏ, bà cũng chung số phận. Tuy nhiên, bà không dễ đầu hàng. “Đấy là con người có sức sống tuyệt vời,” ông Loan kể.
“Tôi vẫn nhớ bà nói ngày bà đi gánh nước, đêm ngồi gõ phách thầm, không dám gõ mạnh mà cũng không dám hát to...”. Nhờ kiên định giữ nghề, sau hơn 20 năm không hát, với sự giới thiệu của GS Trần Văn Khê, bà được tưởng thưởng xứng đáng (năm 1978).
Hình ảnh cuối cùng mà ông Loan còn nhớ về Quách Thị Hồ là lần ông theo GS Trần Văn Khê đến thăm bà trước khi bà mất ít lâu. Bằng máy quay M10, ông ghi được cảnh bà đang ngồi trên giường, rất yếu.
Nhưng khi GS Khê đến, bà ngồi dậy ngâm ngay bài thơ do bà tự sáng tác để đón khách quý. Bà là đào nương cuối cùng của thế kỷ XX được biết đến với khả năng xướng họa thơ ca.
NSND Quách Thị Hồ (hát) và nhà thơ Ngô Linh Ngọc (cầm chầu) |
Tiếp sức cho ca trù
Do mẹ bà Hồ là một đào nương có tiếng ở Bắc Ninh, có người phỏng đoán, kỹ thuật nảy hạt của bà Hồ có nguồn gốc quan họ. Bà đã mở ra một trường phái ca trù riêng và đáng tiếc không ai kế tục. |
Bảy năm sau khi Quách Thị Hồ ra đi, một CLB ca trù với đội ngũ đào kép khá hùng hậu hát lại những bài bà từng hát trong đêm tưởng nhớ bà, tuy họ hát với một phong cách khác- phong cách Ngãi Cầu (làng nghề ca trù ở Hà Tây cũ)- do bà Nguyễn Thị Chúc truyền dạy.
Theo chị Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long: “Bắt chước được giống như bà Hồ cũng không phải là hay.
Bắt chước cái khuôn khổ, mẫu mực, thẩm mỹ của bà chứ mình hát ra phải là mình”.
Huệ biết đến ca trù năm 17 tuổi- khi còn là sinh viên nhạc viện- sau khi nghe một băng cassette của Quách Thị Hồ. Cảm giác của cô gần 20 năm trước: “Một loại âm nhạc như vọng về từ cõi nào. Không thấy nhịp phách đâu cả. Kỹ thuật thanh nhạc cũng không thể nào hiểu nổi...”.
Một đào nương trẻ đang lắng nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc hát trong lễ giỗ tổ ca trù tại đình Lỗ Khê, Hà Nội tháng 12/2008 - Ảnh: N.M.Hà |
Khi đó, Huệ không dám mơ theo đòi ca trù. Nay chị trở thành truyền nhân của bà Nguyễn Thị Chúc và, với khả năng đàn- hát- phách, truyền dạy cho gần chục đào nương thế hệ 8x, 9x.
Một trong những học sinh của Phạm Thị Huệ là Nguyễn Kim Ngọc- SV ĐH năm III, Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ngọc là con gái NSƯT Kim Sinh- từng đệm đàn cho bà Hồ.
Khi chưa học ca trù, nghe bố khen bà Hồ hát hay, Ngọc nói: “Thực sự con chưa cảm thấy cái hay của bà!”. Nhưng “Khi hiểu rồi, tôi thấy bà đúng là đỉnh cao”, Ngọc nói.
Ngọc nghe bố kể, bà từng phải kiếm tiền trả nợ thay chồng. Bà chính thức đi hát từ 11-17 tuổi, sau đó lấy chồng và nghỉ hát. Năm bà 40 tuổi, chồng bị tai nạn và phá sản, bà hát trở lại. Tuy nhiên, ban ngày bà vẫn phải đi gánh nước thuê, làm phụ hồ lấy tiền nuôi con.
Kim Ngọc khẳng định: “Ca trù không thể thiếu trong sự nghiệp tương lai của tôi”. Ngọc chỉ là một trong số các nữ sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia đang theo đuổi ca trù tại CLB Thăng Long.
Với sự hỗ trợ của những người yêu ca trù (có người đều đặn từ TPHCM gửi tiền ra nuôi CLB), hàng tháng CLB tổ chức một buổi hát cửa đình miễn phí với các nghi lễ trang trọng như nhã nhạc, múa Dồn Đại Thạch.
Thăng Long cùng các CLB ca trù khác ở Hà Nội đang ra sức gìn giữ ngọn lửa từ những người như Quách Thị Hồ truyền lại.
Của tin còn lại chút này... Theo tổng kết của Viện Âm nhạc, hiện có gần 40 bản ghi âm các bài ca trù do bà Hồ trình bày, chủ yếu thu cuối những năm 1970, ước đoán vào khoảng 1/4 số vốn ca trù của bà. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 15 bản là tư liệu âm thanh đủ chất lượng để thưởng thức. Số còn lại chỉ có giá trị nghiên cứu. Trong số đó phải kể đến bản Tỳ bà hành trọn vẹn 45 phút- từng được Hội Đồng Âm Nhạc Quốc tế (UNESCO) xếp vào danh sách chín tiết mục xuất sắc nhất tại Diễn đàn Âm Nhạc châu Á, họp tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên- 1983. Được biết, hát Tỳ bà hành phải đủ năm cung Nam, Bắc, Huỳnh, Pha, Nao. Phải gõ đủ phách dồn, phách mau, phách thưa, phách dãn... rất phức tạp. “Tất cả các nghệ nhân tôi gặp, không ai gõ phách và hát nổi toàn bộ bài Tỳ bà hành” Đặng Hoành Loan khẳng định. Hiện bài hát đã được đưa lên website của Viện Âm nhạc. Đến nay, bà Hồ vẫn vô địch trong làng ca trù về số lượng bản thu thanh. Một phần cũng vì không phải đào nương nào cũng dám hát ca trù lúc bấy giờ. Trần Ngọc Linh viết: “Sau 1954, bà Quách Thị Hồ chuyển về Khâm Thiên sống. Trong khi chị em trong nghề chôn chặt gốc gác, người đi bán nước chè ở công viên như bà Sính, người chuyển sang đài phát thanh hát trong tổ Chèo như bà Kim Đức, hoặc có người thảm hơn thì chết trong trận B52 rải thảm ở Khâm Thiên..., bà Quách Thị Hồ và bà Nguyễn Thị Phúc mỗi năm Tết đến vẫn ra hát mừng xuân ở Văn Miếu. Bà Quách Thị Hồ còn để lại câu nói khắc sâu trong tâm trí những người yêu ca trù: Tôi sẵn sàng đeo biển trước ngực đi trên phố để nói tôi là người hát ca trù”. |