Mứt bẩn tràn chợ

Mứt bẩn tràn chợ
TP - Cùng với hàng nhập lậu kém chất lượng, nhiều cơ sở sản xuất bánh, kẹo, mứt bẩn tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu bung mạnh hàng ra thị trường trong những ngày cận Tết. Ở nhiều chợ và cả những ngóc ngách, hè phố đều tràn ngập các loại kẹo, mứt kém chất lượng.

Sáng ngày 9 -1, theo chân lực lượng Quản lý thị trường TPHCM, phóng viên Tiền Phong đã thâm nhập vào cơ sở sản xuất mứt Liên (621 Phạm Văn Chí, Q.6), chuyên sản xuất mứt hạt sen thương hiệu Sen Huế. Tại đây có hàng trăm chiếc thùng nhựa loại 20 lít vốn dùng đựng sơn tường nhà, sắp thành từng dãy dài, bên trong chứa hạt sen (nguyên liệu làm mứt hạt sen) và chất lỏng đã sủi bọt và bốc mùi hôi thối.

Phần lớn nguyên liệu dùng để làm mứt được đựng trong bao bì chứa hóa chất và thức ăn gia súc. Tại đây, cơ quan chức năng còn phát hiện 3 thùng hóa chất công nghiệp (không phải dùng để chế biến thực phẩm) được chủ cơ sở dùng để chế biến mứt. Hàng chục chiếc nia đựng mứt sen đã thành phẩm đầy ruồi nhặng vì không được che đậy...

Tổng lượng mứt bẩn được phát hiện ước khoảng 1 tấn. Ngoài ra cơ quan chức năng còn phát hiện và tịch thu trên 4 tấn mứt trái cây Trung Quốc xuất xứ, nhãn mác và thời hạn sử dụng.

Trước đó khoảng 1 tuần, lực lượng quản lý thị trường cũng đã tịch thu hàng trăm kg mứt kiwi, nho khô, táo đỏ, trần bì được đựng trên bao bì ghi tiếng Trung Quốc đang được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh.

Chủ hàng khai nhận, số hàng trên xuất xứ từ Trung Quốc, được vận chuyển về TPHCM để bán trong dịp Tết nguyên đán. Lô hàng này nồng nặc mùi hóa chất khiến không ít người bị buồn nôn và nhức đầu khi tiếp xúc hoặc đứng gần.

Tại chợ Bình Tây, theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều bánh, kẹo, mứt như kẹo giấy kiếng, kẹo chocolate, cam thảo, xí muội… được tiểu thương quảng bá là hàng trong nước, nhưng thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo một cán bộ QLTT (đề nghị không nêu tên), ước tính có trên 70% mặt hàng bánh mứt bày bán trên các chợ là hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc sau đó được tái chế để trở thành hàng mang nhãn mác Việt. Chất lượng của các mặt hàng này không thể đảm bảo theo yêu cầu, song vì những khó khăn khác nhau nên việc kiểm soát chất lượng những sản phẩm này, cho đến nay, dường như vẫn bị bỏ rơi.

Theo ông Đặng Văn Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, hàng giả, hàng nhái, hàng không đủ điều kiện lưu hành, nhất là thực phẩm được phát hiện và bắt giữ dịp Tết năm nay có phần giảm so với mọi năm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, không phải do lượng hàng giảm mà do các đối tượng sản xuất và kinh doanh mặt hàng này ngày một tinh vi hơn; sản phẩm bị làm giả, kém chất lượng cũng ngày một độc hại hơn do phần lớn đều được dùng hóa chất công nghiệp để chế biến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG