Đảo ngói cần cả chục con dấu

Đảo ngói cần cả chục con dấu
TP - Nhiều hạng mục tại ngôi chùa Một Cột này đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng thủ tục đề nghị sửa chữa, tu bổ rất nhiêu khê.

Chùa Một Cột xuống cấp nghiêm trọng:

Đảo ngói cần cả chục con dấu

Chùa Diên Hựu-Một Cột được xây dựng cách đây gần 1.000 năm (năm 1049), là một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam, được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa-kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962.

Thủ tục sửa chữa nhiêu khê

Chùa Một Cột tọa lạc trên khu đất rộng 3.931,2m2, thuộc phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa cho biết, toàn bộ khu vực chùa có nền đất thấp, cứ mưa to là nước lại đổ dồn về đây. Mỗi khi nước ngập đã kéo theo một lượng bùn đất lẫn rác thải dồn về khu vực chùa. Vì thế khi nước rút, người nhà chùa và một số người dân làm công đức lại phải đi quét dọn.

Riêng hồ Linh Chiểu, do bị bùn lắng quá nhiều nên năm ngoái nhà chùa phải thuê nạo hút, lấy 164m3 bùn đất. Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, năm 2002, mái chùa bị xô dạt, nhà chùa đã có công văn đề nghị khắc phục tình trạng này nhưng mãi chưa được thực hiện. “Việc đảo từng viên ngói ở đây phải cần tới cả chục con dấu của các ngành chức năng, nên đến năm 2010 vừa qua, tình trạng dột tại chùa Một Cột mới được khắc phục”- Đại đức Thích Tâm Kiên nói.

 
Đảo ngói cần cả chục con dấu ảnh 1

Một số vì kèo cũng bị mủn do ảnh hưởng của mưa dột lâu ngày. Ảnh chụp chiều 22-8

Cũng theo Đại đức Thích Tâm Kiên, trong đợt mưa lịch sử năm 2008, nước tại sân chùa cao tới gần 1m. Khi đó chùa đã phải ngắt điện để đề phòng nguy hiểm. Giờ cứ mưa to sân chùa ngập nước. Mái có chỗ bị thủng to bằng ngón tay cái, mỗi khi mưa to nước chảy thành vòi. Một số vì kèo do bị ngấm nước dột lâu năm đã bị mủn. Chỉ vào một bức tượng đội nón, Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết: “Sở dĩ phải làm việc này để tránh nước mưa
cho tượng”.

Gần 20 năm qua, chùa Diên Hựu-Một Cột 3 lần được tu bổ, nhưng chỉ là những chỉnh trang đơn lẻ. Lần đầu vào năm 1995, chính điện được trùng tu; năm 1997 tu sửa nhà thờ tổ. Lần ba, trước dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, chùa được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, thảm cỏ cây xanh. Những việc tu bổ trên qua các giai đoạn là cần thiết, nhưng chùa Một Cột vẫn cần tu bổ, tôn tạo ở quy mô hơn. Bởi theo đánh giá gần đây của Ban Quản lý Dự án (BQL DA) quận Ba Đình, tổng thể di tích của chùa đang xuống cấp. Phần hạ tầng kỹ thuật của chùa cũng không bảo đảm.

Lấy ý kiến sẽ mất nửa năm

Năm 2002, trụ trì chùa có đơn tới các cấp có trách nhiệm đề nghị được tu bổ, tôn tạo nhưng chưa được thực hiện. Năm 2009, nhà chùa lại tiếp tục có đơn về vấn đề này. Cuối năm 2009, UBND quận Ba Đình mới ban hành quyết định (số 2692) giao BQL DA quận thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Một Cột. Gần nửa năm sau, trước dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã cận kề, UBND TP Hà Nội đã ra thông báo, trước mắt yêu cầu UBND quận Ba Đình thực hiện ngay dự án chỉnh trang chùa Một Cột để phục vụ đại lễ, còn về lâu dài giao UBND quận Ba Đình chủ trì phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm, các nhà khoa học, văn hóa, nghiên cứu lịch sử để tiếp tục thực hiện dự án.

Hơn một năm kể từ khi có thông báo trên, ngày 6-5-2011, BQL DA quận Ba Đình hoàn chỉnh được Đề cương “Đề xuất và chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư” dự án tu bổ, tôn tạo chùa. Sở dĩ có việc này bởi chùa Một Cột nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng trong quần thể di tích như Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà Quốc hội, khu di tích Nhà sàn Bác Hồ… nên việc tu bổ, tôn tạo phải hết sức thận trọng.

Được biết, trong tháng 9 tới, dự án trên sẽ lấy ý kiến của các ban ngành, các nhà khoa học… để thống nhất ý kiến việc tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột. Dự kiến việc lấy ý kiến này cũng phải mất nửa năm; nếu vậy việc tu bổ, tôn tạo chùa phải sang năm 2012 mới có thể tiến hành.

Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột thực hiện 3 mục tiêu đầu tư: Bảo tồn các thành phần gốc của di tích như Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Mẫu, chùa Một Cột, hồ Linh Chiểu; Phục dựng nhà Tổ và xây dựng nhà Tăng kết hợp bếp, vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhà chùa; Cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, cảnh quan…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.