Người cựu chiến binh VN được tặng huân chương trên đất Mỹ

Người cựu chiến binh VN được tặng huân chương trên đất Mỹ
TP - David Cline gỡ tấm huân chương cao quý nhất mà ông từng được nhận và gắn lên ngực áo ông Nguyễn Văn Quý - người cựu chiến binh Việt Nam vừa nói một câu khiến hàng trăm người xúc động.
Người cựu chiến binh VN được tặng huân chương trên đất Mỹ ảnh 1
Đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và những người bạn Mỹ

Trong những tiếng vỗ tay vang lên không dứt, David Cline dang tay về phía Nguyễn Văn Quý: “Tôi sẵn sàng cõng ông đi khắp nước Mỹ”…

“Tôi đi sang Mỹ bằng đầu”

“U gan có đường kính lên tới 12 cm, dạ dày cũng có u, phải cắt bỏ 3/4, đã di căn sang tụy phổi, mỗi ngày phải ăn 7 -  8 bữa, mỗi bữa chỉ húp được vài thìa cháo. Chân sưng to không đi lại được” - Ông Nguyễn Văn Quý kể cho tôi nghe sơ qua về những căn bệnh mà mình đang mắc phải vì chất độc da cam,  với một nụ cười tươi như thể đang ở tuổi đôi mươi đầy nhựa sống.

Sức khỏe như vậy, “bò” trong gian nhà vỏn vẹn 18m2 của ông ở Hải Phòng cũng đã khó khăn, vậy mà người cựu chiến binh này đã quyết vượt nửa vòng trái đất để dự phiên tranh tụng giữa đại diện nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam kiện các Cty hóa chất Mỹ.

Biết tin ông Quý sắp đi Mỹ, nhiều người, kể cả vợ ông, đã can ngăn vì thực sự lo ngại  ông có thể chết trên đất khách quê người.  Nhưng ông Quý bảo: “Tôi tự tin. Tôi sẽ đi với tinh thần của người lính Cụ Hồ. Tôi cần có mặt trong phiên tòa đó”.

“Chân ông sưng vù, tê liệt như vậy, làm sao sang Mỹ được?”. Ông Quý lại cười, trả lời câu hỏi của tôi: “Tôi đi bằng cái đầu của mình chứ không phải bằng chân”.

Ngày 10/6/2007, người đàn ông gầy yếu nặng 37 kg cùng đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam lên đường sang thành phố San Francisco (Hoa Kỳ). Nhưng chuyến đi của cả đoàn đã gặp trục trặc vì phía Vietnam Airlines e ngại ông Quý không đủ sức khỏe cho hành trình bay dài.

Cuối cùng nhờ sự can thiệp của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trọng Nhân, phía hàng không mới chấp nhận cho cả đoàn qua. Thế rồi, với chiếc ống dưỡng khí thường trực bên người, ông Nguyễn Văn Quý bay vượt nửa vòng trái đất trong nỗi lo của người thân và cả Vietnam Airlines .

Nhưng ông Quý đã đến San Francisco với nụ cười tươi rói. Cả đoàn nạn nhân chất độc da cam được những người bạn Mỹ đón tiếp với một tình cảm khiến họ có cảm giác mình đang ở nhà.

Các cựu binh Mỹ tình nguyện đến đẩy xe đẩy cho ông Quý.  Có cựu binh Mỹ đã tỷ mẩn làm một chiếc thang tặng ông Quý để lên ôtô khỏi phải bò.

Sáng hôm ấy, ông Quý lọt thỏm trong đám đông những người Mỹ chào đón đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông David Cline sáng lập viên nhóm cựu chiến binh vì Hoà Bình phát biểu: “Các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là bạn của chúng ta”.

Đến đây, một người đàn ông nhỏ bé, ngồi xe đẩy, gượng đứng lên, nói to: “Không phải là bạn mà là anh em”. Đám đông im lặng trong giây lát rồi  tiếng vỗ tay vang dậy.

Đi xe đẩy “chạy sô” trên đất Mỹ

Những ngày ở San Francisco, người đàn ông đau yếu đã “chạy sô” với một lịch làm việc dày đặc. “Sáng chúng tôi bắt đầu đi lúc 8 giờ, và một ngày thường 12 giờ đêm mới ăn tối, 1 giờ mới đi ngủ.

Cảm giác như người mình rã rời, nhưng tôi không thể gục ngã ở đất Mỹ - Giọng ông Quý trầm hẳn xuống - Gặp những người Mỹ tôi đã nói cho họ nghe về nỗi đau của nạn nhân da cam, những nỗi đau không có gì sánh nổi. Nhưng tôi cũng có thể thấy niềm tin chiến thắng của các nạn nhân da cam”.

Những người bạn Mỹ đã cảm nhận được niềm tin đó khi tiếp xúc với  Nguyễn Văn Quý. Người đàn ông đang cận kề cái chết nhưng chưa một lần nhắc tới cái chết, miệng thường trực nụ cười, hễ có chút thời gian rỗi là tranh thủ kêu gọi họ đầu tư vào Việt Nam…

Thế rồi, ngày 18/6 đã diễn ra phiên tranh tụng trước Toà lưu động số 12 New York của đoàn đại diện nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện các Cty hóa chất Mỹ.

Sáng hôm ấy, ông Quý mặc complet, ngồi xe đẩy, đến phiên tranh tụng với cảm giác của một người lính sắp ra trận. Theo quy định, ông Quý và các nạn nhân chất độc da cam dự phiên tranh tụng không được nói nhưng sự có mặt của họ đã nói rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hồng ngồi đó với một cơ thể đang rỉ máu vì các chứng bệnh hiểm nghèo: suy tim, cao huyết áp, ung thư vú di căn, đau dạ dày, xơ gan, sỏi túi mật và bàng quang, giãn tĩnh mạch chi, da lở loét 2 cẳng chân tay.

Và ông Quý, nhiều thứ bệnh quái ác đang giằng xé tấm thân còm nặng 37 kg. Nhưng người cựu chiến binh ấy còn chịu những nỗi đau lớn hơn thế. Nỗi đau dường như không thể diễn đạt bằng lời.

“Tôi đem tôi và con tôi ra làm nhân chứng”

Căn phòng 18m2 ở phố Cát Cụt (Hải Phòng), nặng mùi nước tiểu  17 năm nay là chốn nương thân của một gia đình, trong đó có 2 con người từ lúc sinh ra đến bây giờ ngay cả tên mình và tên bố mẹ cũng không biết để mà cất tiếng gọi.

Người con trai 15 tuổi, nằm bất động, chân bị teo cơ, như hai khúc củi dính liền vào khớp háng. Em nằm đó, không ký ức, không cảm xúc, không bạn bè… Người con gái 14 tuổi, nhưng chưa biết nói, khuôn mặt ngơ ngác, ngây ngô, đờ đẫn. 

Trong căn phòng chật chội đó, có người phụ nữ 39 tuổi  từ khi lấy chồng sinh con đến giờ chưa từng được nếm trải những ngày hạnh phúc. Sinh đứa đầu bị dị tật, sinh đứa thứ hai cũng dị tật, cả hai vợ chồng đau buồn tìm đến bác sĩ. Bác sĩ hỏi: “Anh đã từng đi bộ đội vào Nam chiến đấu phải không?”. “Phải rồi”. Bác sĩ lắc đầu buồn bã: “Thôi, đừng đẻ nữa”.

Bấy giờ, Nguyễn Văn Quý mới nhớ lại những chuyến hành quân  vào miền Nam Việt Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Từ năm 1972 đến 1975, ông và đồng đội vẫn thường phải hành quân qua những rừng cây trụi lá, trơ cành vì chất diệt cỏ của Mỹ rải xuống.

Trong môi trường nhiễm chất hóa học, họ thường phải ăn sắn, rau dại. Những ngày tháng sống trong vùng có chất diệt cỏ đã khiến cuộc đời người lính Trường Sơn ấy sau này lâm vào bi kịch.

“Có những lúc nhìn vợ ôm mặt khóc, tôi cố kìm dòng nước mắt. Lúc ấy tôi muốn phẫn nộ với số phận của mình, muốn phá tung tất cả vì không chịu đựng nổi.

Điều đó thúc giục tôi phải kiện các Cty hóa chất của Mỹ. Tôi đem bản thân tôi, các con tôi ra để làm chứng cho vụ kiện này” - Ông Nguyễn Văn Quý nói.

Nỗi đau và niềm tin trong căn phòng 18m2

Nhân chứng đó ngồi im lặng suốt phiên tranh tụng tại toà  án New York.  Trước phiên tranh tụng,  ba chánh án  là thẩm phán Roger J. Milner, Robert D. Sack, Peter W. Hall của toà phúc thẩm liên bang Mỹ  tuyên bố họ chỉ quan tâm đến lý lẽ, không quan tâm đến nạn nhân da cam.

Nhưng trong suốt phiên tranh tụng, ba vị thẩm phán hay nhìn vào ông Quý, bà Hồng… Trong ánh mắt của họ, ông Quý cảm nhận được sự thông cảm, sẻ  chia lẫn thấu hiểu của những người cầm cán cân công lý vốn ít để tiếng nói của trái tim xen vào việc xét xử.

Chỉ ít ngày trên nước bạn, ngoài việc “chạy sô”  chuyển những thông điệp của nạn nhân da cam Việt Nam, kêu gọi người Mỹ đầu tư và đến Việt Nam du lịch, ông Quý còn  khiến các nhà xã hội học ngỡ ngàng khi đưa ra những nhận xét thú vị về Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ:

“Nước Mỹ giàu có, ô tô nhiều nhưng 40% người da đen sống dưới mức nghèo khổ trong chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Tôi tìm hiểu thấy một cái đầu cá hồi  ở Việt Nam giá 22 nghìn đồng nhưng ở Mỹ lên tới 15 USD. Thế thì người nghèo làm sao chịu nổi?”.

Nhắc đến chuyện tiền nong, giọng ông Quý trầm hẳn xuống: “Cả nhà tôi bây giờ chỉ sống nhờ vào 400 nghìn tiền trợ cấp chất độc da cam của nhà nước. Nếu tôi chết, số tiền ấy đi theo thì vợ tôi lấy gì mà nuôi các con?”.

Nhưng ông Quý lại cười, bảo: “Tôi lạc quan lắm, hoàn cảnh như tôi mà không lạc quan thì chết lâu rồi. Tôi cứ cười, cứ hát, cứ hy vọng, mặc dù biết mình có thể không qua khỏi mùa đông năm nay. Mùa đông bệnh tật nó vật tôi ghê lắm”.

Ông Quý đã từ nước Mỹ bay về Việt Nam an toàn, khiến cho tờ giấy cam đoan miễn trừ trách nhiệm cho ngành hàng không trong trường hợp có vấn đề gì xảy ra với ông  trở nên vô giá trị. “Chuyến đi của ông Quý thật phi thường” -  Ông Trần Xuân Thu, Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhận xét.

MỚI - NÓNG